Tín hiệu tích cực

Báo cáo khảo sát về phát triển kinh tế và xã hội ở khu vực Arab vừa được công bố của Ủy ban Kinh tế và xã hội vùng Tây Á của Liên hiệp quốc (ESCWA) cho biết, tổng GDP của 22 quốc gia Arab dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 4,5% trong năm 2023 và 3,4% năm 2024, trong bối cảnh các nền kinh tế Arab tiếp tục đà phục hồi sau đại dịch Covid-19, với tỷ lệ lạm phát thấp và sức khỏe tài chính ngày càng được cải thiện.

Do sự khác biệt về đặc thù kinh tế, cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra những tác động khác nhau đối với các nền kinh tế trong thế giới Arab. Theo đó, những quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) nhiều khả năng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 4,6% trong năm 2023 và 3,3% 2024 do được hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường dầu mỏ bắt đầu vào năm 2021. Sự phục hồi của thị trường dầu mỏ đang tạo cơ hội cho các quốc gia Arab xuất khẩu dầu mỏ đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào ngành năng lượng. Trong khi đó, các quốc gia Arab phát triển trung bình dự kiến đạt mức tăng trưởng khoảng 3,6% trong năm 2023 và 2024, do phải đối mặt với giá năng lượng và hàng hóa cao hơn cũng như sự mất giá của đồng nội tệ. Các nước kém phát triển nhất trong thế giới Arab sẽ tăng trưởng lần lượt 3,3% và 4,6% trong năm 2023 và 2024. Các nền kinh tế này cũng đang phải đối mặt với sự leo thang của giá năng lượng và các mặt hàng thiết yếu, trong khi nguồn hỗ trợ phát triển chính thức có nguy cơ sụt giảm khi nhiều nguồn viện trợ được chuyển hướng trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, bên cạnh những tín hiệu tích cực, các nền kinh tế Arab cũng phải đương đầu với những rủi ro và sự không chắc chắn như tâm lý lo ngại về làn sóng Covid-19 mới, xung đột kéo dài ở Ukraine, việc phương Tây tiếp tục mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Nga và sự sụp đổ kinh tế ở một số quốc gia Arab do các điều kiện kinh tế - xã hội khắc nghiệt cũng như xung đột và bất ổn chính trị kéo dài.

Tin cùng chuyên mục