Tình cảm trân trọng dành cho thầy cô

LTS:
Tình cảm trân trọng dành cho thầy cô

LTS: Với tinh thần tôn sư trọng đạo, không phải chỉ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 mọi người mới nhớ đến thầy cô, nhưng đây là dịp để nhiều bạn đọc gửi đến Báo SGGP những lá thư bày tỏ tình cảm trân trọng và tri ân dành cho các thầy cô kính yêu của mình. Báo SGGP xin trích đăng nội dung một số lá thư này.

Luôn ghi nhớ và biết ơn

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM mừng sinh nhật lần thứ 90 của GS-NGND Hoàng Như Mai. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM mừng sinh nhật lần thứ 90 của GS-NGND Hoàng Như Mai. Ảnh: VIỆT DŨNG

Với biết bao lo toan của cuộc sống hàng ngày, nhưng hầu như mỗi người chúng ta đều nâng niu, hoài niệm thời đi học. Tôi vẫn thường nhớ đến các thầy cô thời trung học. Nhớ thầy dạy văn luôn nhắc: “Con phải rèn chữ cho đẹp, nhưng trên hết là phải viết đúng chính tả và giữ vở sạch. Viết đúng, vở sạch cũng thể hiện lòng tự trọng, con à!”. Khi chúng tôi vào đời, có người thành đạt, có người chưa, thầy nói: “Chưa thành danh nhưng không hư và biết giữ tình bạn với nhau là thầy vui rồi”. Tình cảm thân thương và sự hết lòng vì học sinh của thầy cô đã đưa chúng tôi vào đời, chúng tôi luôn ghi nhớ và biết ơn.

QUỐC CƯỜNG (Quận Tân Bình, TPHCM)

Tấm lòng nhân hậu cao cả

Cô Nguyễn Thị Thu, Hiệu phó Trường THPT-THCS Nguyễn Trãi (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho các học sinh (HS) và phụ huynh ở địa phương chúng tôi. Điều đáng quý ở cô là tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những học trò nghèo khó, khuyết tật; tạo điều kiện, cơ hội cho các em hoàn thành chương trình đào tạo bậc phổ thông.

Đã thành thông lệ, vào đầu năm học mới, sau giờ lên lớp, cô Thu không quản đường sá vùng cao xa xôi cách trở, tìm đến từng nhà những HS gia đình khó khăn hoặc bị khuyết tật để thăm hỏi và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, không để HS nào phải bỏ học vì gia cảnh nghèo. Nghĩa cử đó đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ của nhiều người, cùng chung tay góp sức, tặng xe đạp, xe lăn, sách vở, bút mực và tiền bạc, giúp cho hàng trăm HS nghèo và khuyết tật có thể tiếp tục đến trường. Từ năm 2001 đến nay, trung bình mỗi năm học nhà trường nhận được trên 50 triệu đồng tiền mặt và nhiều hiện vật của các nhà tài trợ đóng góp, nhờ đó không ít HS đã được hỗ trợ vượt khó.

Tấm lòng nhân hậu của những nhà giáo như vậy thật đẹp và đáng trân trọng.

NGUYỄN TIẾN ĐẠT (Giám đốc BHXH huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng)

Tròn chức trách trồng người

Tấm lòng hiếu nghĩa của Nguyễn Trung Hiếu, cậu học trò nghèo lớp 11 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã làm lay động trái tim của nhiều người trên khắp cả nước. Từ các em HS cấp 2 đến các bạn trẻ cùng trang lứa với Hiếu và cả lớp người trung niên, cao tuổi… đều thấy xúc động, cảm phục, thậm chí qua câu chuyện của Hiếu, họ đã chiêm nghiệm và điều chỉnh một số hành vi chưa chuẩn mực của bản thân mình.

Trong câu chuyện của Nguyễn Trung Hiếu, tôi xin được nói lời cảm ơn và tỏ lòng thán phục đối với các thầy cô Trường Amsterdam. Với trái tim người thầy, họ đã làm tròn thiên chức “trồng người” mà xã hội giao phó. Xin được cảm ơn cô giáo dạy văn Đặng Nguyệt Anh và cô giáo chủ nhiệm lớp 11A1 Đào Phương Thảo - những nhà giáo tận tụy giữa đêm khuya đã rơi nước mắt, trằn trọc nghĩ cách giúp học trò vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Xin cảm ơn các nhà giáo Trường Amsterdam với phong trào đỡ đầu cho HS nghèo, HS có hoàn cảnh đặc biệt. Các thầy cô bằng những hình thức khác nhau đã giúp đỡ Nguyễn Trung Hiếu và nhiều HS khác của trường có thêm điều kiện để học tập tốt. Và “điểm 10” của các nhà giáo Trường Amsterdam là họ luôn chọn cách tế nhị, thận trọng để các HS không bị tổn thương, mặc cảm. Qua đó, các thầy cô đã giáo dục cho các em không chỉ tri thức mà còn cả lòng nhân ái, tinh thần sẻ chia và trách nhiệm đối với cộng đồng - những tính cách quý báu để có thể trở thành một công dân tốt.

VƯƠNG THẢO (Quận 6, TPHCM)

Mơ ước môi trường dạy học được cải thiện

Gần đây, thực hiện chủ trương xã hội hóa, một số trường ở TPHCM đã vận động nguồn lực tài chính từ phụ huynh tự nguyện đóng góp để xây dựng mô hình học tập tiên tiến, trong đó thí điểm lớp học tiên tiến. Ở những lớp học này, ngoài máy lạnh, phụ huynh còn trang bị bảng tương tác (bảng điện tử) trị giá gần 100 triệu đồng. Được dạy và học trong những lớp học tiên tiến này, cả thầy và trò đều thích thú, hào hứng vì sự linh hoạt, hấp dẫn trong từng tiết học lẫn thực hành. Tuy nhiên, mô hình mới nhen nhóm ở một vài trường học này đang gây phản ứng trái chiều từ HS lẫn phụ huynh. Nhiều ý kiến phản đối và cho rằng không nên tạo môi trường học khác biệt thiếu công bằng, thậm chí là phản sư phạm ở những trường công. Điều này hoàn toàn đúng! Thế nhưng nếu cứ ngồi chờ sự đầu tư của ngân sách, biết đến bao giờ môi trường học đường được cải thiện?

Thực tế cho thấy cơ sở vật chất cho môi trường học đường chưa tương xứng với mục tiêu giáo dục nên giáo viên và HS luôn phải cực nhọc, vất vả, tốn nhiều công sức cho sự học, nâng cao tri thức. Để giáo dục trở thành quốc sách, chúng tôi - những người gắn bó với nghề giáo chỉ ước mong môi trường dạy và học sớm được quan tâm đầu tư cải thiện.

PHƯỚC THANH (Quận 11, TPHCM)

Xin hãy lo lương giáo viên trước

Có người cho rằng nghề giáo bây giờ sống khỏe, nhiều giáo viên thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Điều này đúng, nhưng chỉ với giáo viên dạy các môn chính, chủ yếu là nhờ... dạy thêm. Và để có thu nhập khá này, các thầy cô cũng phải “bán cháo phổi”, sau giờ đứng lớp ở trường là tất tả chạy đến trung tâm dạy đến tối mịt mới về. Những thầy cô khác, thầy phải đi phụ giữ xe, cô nhận thêm may vá… Nghề sư phạm vì thế ngày càng ít người theo.

Kỷ niệm ngày 20-11, xin bớt những lời ca tụng mỹ miều, mà thay vào đó là những hành động chăm lo thiết thực cho đời sống giáo viên. Quốc hội đang họp bàn chuyện lương cho xã hội, xin hãy lo trước cho giáo viên, để giúp người thầy đứng vững trên bục giảng, dành tâm trí cho giáo án và HS. Đó là cách kỷ niệm Ngày Nhà giáo thiết thực nhất.

HOÀNG MAI (Quận Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục