Quá trình thi đấu ổn định của 2 đội bóng TPHCM và Sài Gòn FC trong 4 mùa giải V-League liên tiếp gần đây đã mang đến cho người hâm mộ thành phố mang tên Bác những niềm lạc quan nhất định. Qua đó phần nào chứng minh tình yêu mãnh liệt với bóng đá của người dân TPHCM, nơi từng là trung tâm số 1 của bóng đá cả nước.
Mặc dù cuộc hành trình tìm đến danh hiệu vô địch quốc gia lần đầu tiên kể từ năm 2002 vẫn còn rất dài, nhưng triển vọng ngắn hạn thì cơ hội tranh chấp chức vô địch xuất hiện ngày một nhiều hơn. Mùa trước, CLB TPHCM về đích với ngôi á quân, vị trí tốt nhất mà một đại diện của bóng đá TPHCM từng có sau 17 năm. Hiện tại, CLB TPHCM vẫn chơi tốt, tạm xếp vị trí số 1; trong khi Sài Gòn FC cũng thi đấu khá thành công, với vị trí thứ 5.
Để TPHCM có thêm một đội bóng chơi ở V-League không khó, bởi ở TP có nhiều doanh nghiệp lớn, có nguồn thu từ quảng cáo, cũng như có sẵn hệ thống sân bãi tiêu chuẩn cao. Với 3 sân vận động đạt chuẩn quốc gia, chưa tính khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc sẽ hình thành trong tương lai, thì cùng lúc TPHCM có thể tổ chức thi đấu cho 5 - 6 đội bóng chuyên nghiệp. Quy mô dân số của TPHCM cũng phù hợp để hình thành ít nhất 10 đội bóng từ hạng Nhất đến V-League. Những gì mà CLB TPHCM và Sài Gòn FC đã làm càng khẳng định tiềm năng này. Các CLB đầu tư mạnh vào công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh và tương tác với người hâm mộ. Cách làm đúng, thi đấu đạt kết quả tốt, thì không khí bóng đá hồi phục rất nhanh dù có quãng thời gian ngắn TPHCM là “vùng trắng bóng đá”.
Vì thế mà với TPHCM, tầm nhìn chiến lược cho bóng đá cần nhấn mạnh yếu tố con người đáp ứng nhu cầu nội lực. Hơn 20 năm trước, Trường Năng khiếu Nghiệp vụ có thể cung cấp cầu thủ cùng lúc cho 3 đội Cảng Sài Gòn, Công an TPHCM và Hải quan. Nhưng sau khi mô hình trường năng khiếu này không còn, thì các hoạt động đào tạo sau đó lại không hiệu quả. Cụ thể là không có cầu thủ xuất sắc nào trưởng thành từ các “lò” đào tạo ở TPHCM trong vòng 15 năm qua mặc dù đã có những trung tâm như Đa Phước, Thành Long, PVF… Một số trung tâm đào tạo đang hoạt động thì nặng yếu tố cộng đồng, phong trào. Khơi gợi đam mê, phát triển thể thao cộng đồng là việc phải làm, nhưng với truyền thống bóng đá của TPHCM, thì tính cấp thiết của các hệ thống đào tạo chuyên nghiệp vẫn nên chú trọng trước tiên. Cần có những giải pháp trung và dài hạn, bao gồm cả việc liên kết đào tạo với khu vực ĐBSCL hiện không còn đội đá V-League.
Những “phép thử” về việc duy trì bài bản các CLB chuyên nghiệp, hay “phép thử” về lòng đam mê của người dân, cũng như khả năng kinh doanh trong hoạt động tạo nguồn thu từ bóng đá, đều đã cho ra những đáp án tốt. Lãnh đạo TPHCM, hệ thống truyền thông và cơ sở vật chất luôn ủng hộ phát triển bóng đá đỉnh cao, nên bài toán quan trọng nhất cho những nhà quản lý bóng đá TPHCM hiện nay chính là năng lực tuyển sinh, phát hiện tài năng, đầu tư cho công tác đào tạo chuyên sâu. Không có nguồn cung tại chỗ ấy thì khó mà đưa bóng đá TPHCM quay lại thời đỉnh cao cho dù có bao nhiêu đội đá tại V-League đi nữa.