Tình đảo, tình người Phú Quý

Tình đảo, tình người Phú Quý

Nằm giữa đại dương mênh mông, đảo Phú Quý với diện tích khoảng 17km², dường như bị thu nhỏ lại bởi sự hùng vĩ của đại dương, bởi bão táp mưa sa. Cuộc sống của những người dân ở đây từ khi khai hoang lập ấp đến nay luôn phải vật lộn với sóng to gió lớn hàng ngày, hàng giờ… Điều đó đã đòi hỏi con người phải tự lực tự cường, đoàn kết đấu tranh chống lại sự khắc nghiệt nơi đầu sóng.

Đoàn văn nghệ sĩ Hội Điện ảnh TPHCM đi thực tế tại đảo Phú Quý.

Đoàn văn nghệ sĩ Hội Điện ảnh TPHCM đi thực tế tại đảo Phú Quý.

Những người Chăm, Kinh, Hoa… ở nhiều phương tụ về đây đã sớm hòa nhập làm một khối, cùng chung lưng đấu cật xây dựng và gìn giữ quê hương, làng xóm. Họ khai khẩn đất đai, trồng cây chắn gió; xây dựng nền kinh tế tự cung tự cấp với các nghề chính là trồng trọt và đánh cá. Trồng bắp, khoai, các loại đậu và các cây công nghiệp ngắn ngày như bông, gai, dâu… để giải quyết nhu cầu lương thực, dệt vải, đan lưới…

Nay đã hơn 3 thế kỷ. Bây giờ Phú Quý đã có hơn 27.000 dân, 3 xã Ngũ Phụng, Tam Thanh, Long Hải. Đời sống của Phú Quý đã khá giả hơn... Người dân Phú Quý thật thân thiện. Gặp nhau chào hỏi, tay bắt mặt mừng. Người Phú Quý nói chuyện với khách bằng một giọng líu lo như hát, không phải ai cũng có thể nghe được. Bắt được con cá mú, hái trái mít… cũng đem tặng đoàn.

Ở xã Long Hải có lễ hội. Khi chúng tôi đến, các chị đều chào mời đon đả, trong khi người chủ xướng đã đọc vang trên loa phóng thanh lời chào mừng và chúc sức khỏe cả đoàn. Thanh niên thì đứng dậy nhường những chiếc ghế ngồi.

Đường xuống cảng Phú Quý, qua một ngã tư có chiếc đèn đỏ. Dù là đêm khuya hay ngày, dù chỉ một chiếc xe gắn máy, người lái xe đều ngừng theo quy định. Người hải đảo xa xôi rất quý trọng khách đến thăm. Huống hồ đây lại là những văn nghệ sĩ. Thời gian tới đảo chỉ 3 ngày mà đã mất 2 ngày vượt biển cho nên cũng chỉ là cỡi ngựa xem hoa rồi xuýt xoa, tiếc nuối… Khi quyết định sẽ tổ chức đi thực tế ở huyện đảo Phú Quý, nhiều văn nghệ sĩ – hội viên Hội Điện ảnh TPHCM đã xin đi, mặc dù biết việc vượt biển sẽ không dễ dàng gì.

Nghe nói bây giờ đường ra đảo đã có tàu trung tốc, đi từ Phan Thiết ra Phú Quý chỉ mất 3 giờ nhưng khi ra đến Phan Thiết mới biết tàu trung tốc không có chuyến, chỉ có tàu hàng. Mà người Phú Quý nói với chúng tôi, đi tàu nào mà say sóng thì cũng say sóng. Đi tàu nhanh, thời gian ngắn hơn mà nhồi nhiều hơn nên cũng vậy.

Cả đoàn đều quyết tâm đi trên chuyến tàu chở hàng Bình Thuận 16. Và 19 người lên tàu. Không may, hôm ấy trời không yên, biển không lặng. Gió đến cấp 6, rồi mưa, dông… 19 người ngồi, nằm trên sàn tàu xen với hàng hóa. Có cả những chú bò và heo cũng vượt sóng ra đảo. Sóng, gió, mưa dữ dội, ướt lướt thướt, rồi say sóng… Chuyến trở về thì gió nhẹ hơn, chỉ cấp 4 nhưng lại có những đợt sóng ngang…

Nhà văn Lê Văn Thảo vừa được trao giải thưởng Hồ Chí Minh cũng tham gia chuyến đi. Diễn viên, NSƯT Minh Đức, mà người dân ở Phú Quý đã xướng đúng tên những bộ phim mà chị đã đóng: Cô gái xấu xí, Tóc rối… Diễn viên, đạo diễn Trần Hữu Phúc, nhà quay phim Trần Đức Lai, diễn viên Aly Dũng, Huỳnh Văn Nỉ... cùng nhiều hội viên Hội Điện ảnh TPHCM, trẻ có, già có, đứng tuổi có: Phan Văn Trước, Văn Định, Ngọc Huyền, Quế Ngọc, Hoàng Trúc cũng tham gia hành trình.

Có lẽ, bằng hành trình vất vả đó, họ muốn chia sẻ tình cảm với những người dân đang nơi hải đảo xa xôi. Dù chỉ là một lời thăm hỏi và ít nhất cũng được một lần đặt chân lên một góc của mảnh đất Tổ quốc thân thương.

Thuyền trưởng tàu Bình Thuận 16 Phan Minh Toàn, người đã lái chuyến tàu từ Phan Thiết đến Phú Quý và đưa chúng tôi trở về từ Phú Quý kể rằng, đã 12 năm rồi, anh lái tàu đưa khách đi về Phan Thiết và Phú Quý. Anh vẫn không quên được cảm xúc ngày đầu tiên chuyến tàu của anh cập cảng Phú Quý. Đó là khi tàu anh rời bến cảng Phan Thiết 9 giờ sáng và đến cảng Phú Quý lúc 14 giờ 15 phút chiều ngày 30-4-2000. Người dân ra cảng đón tàu như ngày hội. Ấn tượng của anh không bao giờ quên, về một hòn đảo nhỏ, một ít ngôi nhà, dân cư còn thưa thớt. Cả một đoạn đường nhựa ngắn mới làm…

Và 12 năm nay, cứ 4 ngày, anh lại ra đảo và trở về đất liền. Anh đã chứng kiến hàng ngày sự thay đổi của Phú Quý. 12 năm qua, đường biển nối liền Phan Thiết - Phú Quý, anh đã thuộc như lòng bàn tay.

Phan Minh Toàn ao ước sao những chuyến tàu đến Phú Quý được nhiều hơn, tàu hiện đại hơn, lớn hơn để chở nhiều khách đến Phú Quý và chở bà con Phú Quý về thăm đất liền. Để khách đi tàu sẽ đỡ khổ hơn, để hàng hóa đến Phú Quý nhiều hơn... Anh còn ước cả đường ra biển của cảng Phan Thiết sẽ được khơi sâu hơn…

Tháng 6, hệ thống điện gió của Phú Quý sẽ vận hành và đi vào hoạt động. Người dân trên đảo sẽ có điện suốt ngày đêm. Trên chuyến tàu đi từ Phú Quý về có hơn 130 học sinh THPT của Phú Quý về Phan Thiết để dự kỳ thi tốt nghiệp phổ thông sắp tới.

Rất tiếc là để đến được với Phú Quý, lần nào tôi cũng bị say sóng. Vật vã trên tàu 6 tiếng đồng hồ, với những trận ói đứt ruột gan nhưng nếu ai hỏi tôi có muốn đến Phú Quý nữa không, tôi sẽ trả lời vẫn muốn trở lại Phú Quý.

Dương Cẩm Thúy

Tin cùng chuyên mục