Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc cải tạo cơ sở vật chất, đa dạng hóa hình thức tổ chức bữa ăn, nhưng hiện nay công tác tổ chức ăn bán trú cho học sinh mầm non ở nhiều nơi vẫn còn nhiều bất cập. Từ việc bếp ăn tổ chức chưa đồng bộ, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày cao, thiếu kinh phí tổ chức bán trú đến việc tính toán khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng cho học sinh… đều đặt ra bài toán khó cho các đơn vị.
Mầm non cũng học 2 buổi/ngày
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục mầm non Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM tại hội thảo “Bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non” tổ chức ngày 29-10, năm học 2014-2015, toàn thành phố có 73.743 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 265.141 trẻ độ tuổi mẫu giáo được ăn bán trú; một số quận, huyện vẫn còn tỷ lệ trẻ mầm non học 2 buổi/ngày như quận 8, huyện Củ Chi, Bình Chánh… Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hoa (quận 8) - cho biết, do trường có nhiều điểm lẻ, đa số được cải tạo từ nhà dân, cơ sở vật chất nhỏ hẹp, bố trí rải rác trên địa bàn phường 4 nên việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú gặp nhiều khó khăn. “Khoảng cách từ bếp ăn đến các điểm lẻ cách xa nhau hơn 2,5km, mỗi ngày phải vận chuyển 3 lượt thức ăn sáng, trưa, xế, trong khi việc vận chuyển chủ yếu bằng xe đẩy mất nhiều thời gian. Năm học 2012-2013, toàn trường chỉ có 12/16 lớp tổ chức ăn bán trú, số còn lại học sinh phải về nhà ăn trưa, gây ảnh hưởng chất lượng chăm sóc sức khỏe các em”, bà Vân cho biết. Trước mắt, để cải thiện tình trạng đó, trường đã cải tạo xe chuyển cơm thành thiết kế 2 tầng, có nắp đậy, thay từ xe đẩy sang xe đạp để tiết kiệm thời gian và nhân lực, đồng thời thay toàn bộ vật dụng bằng inox để giữ được độ ấm, đảm bảo chất lượng thức ăn cho học sinh. Tuy nhiên, sau rất nhiều cố gắng, năm học 2015-2016 vẫn còn 26/548 học sinh chưa tham gia ăn bán trú, 23 trẻ suy dinh dưỡng và 49 em dư cân, béo phì.
Giờ ăn trưa tại trường Mầm non Hoàng Mai. Ảnh: MAI HẢI
Tương tự, tại Trường Mầm non Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi), trên tổng số 9 lớp học ở cơ sở chính, chỉ có 4 lớp tổ chức ăn bán trú, 4 lớp học sinh học 2 buổi/ngày và 1 lớp học sinh chỉ học 1 buổi. Tại hai điểm trường lẻ chưa có nhà bếp và nhân viên phục vụ, phụ huynh phải đón trẻ về nhà ăn trưa sau đó quay trở lại trường học tiếp buổi thứ hai. Riêng ở Trường Mầm non Cần Thạnh 2 (huyện Cần Giờ), năm học vừa qua có 31/128 học sinh học 2 buổi/ngày. Trong đó đa phần các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sống với ông bà, chế độ dinh dưỡng theo kiểu “người lớn có gì các em ăn đó” nên hầu hết có thể trạng thấp bé, tỷ lệ suy dinh dưỡng cao. Trước tình trạng đó, trường đã vận động mạnh thường quân đóng góp hơn 44 triệu đồng tổ chức thêm các suất ăn bán trú cho học sinh. Tuy nhiên, về lâu dài cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ từ địa phương để việc học sinh được ăn bán trú không “đứt gánh giữa đường”.
Phí tổ chức bán trú, phí vệ sinh lạc hậu
Mới đây, tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Đề án thí điểm nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, bà Lê Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ (quận Gò Vấp) - cho biết việc tổ chức, chăm sóc sức khỏe học sinh, nhất là đối với nhóm trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi hiện đang gặp khó do quy định mức thu vệ sinh phí hiện nay quá thấp. Theo đó, đối với bậc mầm non, các trường chỉ thu 20.000 đồng/học sinh/tháng đối với tiền vệ sinh phí và không quá 200.000 đồng/học sinh/tháng tiền tổ chức bán trú. Mức thu này theo một cán bộ phòng GD-ĐT tại địa phương là đã quá lạc hậu, trong khi giá nước, xà bông, khăn giấy ướt phục vụ công tác chăm sóc không ngừng tăng cao. Không thể ngồi chờ quy định chung thay đổi, bà Trần Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận 10 - cho biết, bắt đầu từ năm học này, UBND quận 10 đã chấp thuận cho các trường mầm non thí điểm mở lớp giữ trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi trên địa bàn quận áp dụng mức thu phí bán trú mới là 500.000 đồng/học sinh/tháng và vệ sinh phí 100.000 đồng/học sinh.
Tại huyện Bình Chánh, theo bà Nguyễn Thị Trúc Ly, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện, cũng từ năm học này, tất cả nhóm lớp tổ chức giữ trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi sẽ áp dụng mức thu mới là 350.000 đồng/học sinh/tháng tiền tổ chức bán trú và 35.000 đồng vệ sinh phí đối với mỗi học sinh. Riêng chủ trương sử dụng phần mềm quản lý để giảm tải cường độ lao động cho giáo viên, theo bà Trương Thị Kim Thoa, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non quận 11, yêu cầu này đòi hỏi các trường phải trang bị hệ thống máy tính phù hợp, nâng cao trình độ, hiểu biết công nghệ của ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên, cấp dưỡng để sử dụng công cụ quản lý một cách hiệu quả, tính toán khẩu phần ăn hợp lý cho học sinh. Tuy nhiên, đây là đòi hỏi không phải đơn vị nào cũng đáp ứng được.
Từ thực tế đó, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, sở không quy định các trường sử dụng phần mềm nào cụ thể. Thay vào đó, các đơn vị có thể tự do lựa chọn công cụ phù hợp để quản lý chất lượng bữa ăn cho học sinh, tránh tạo thêm áp lực cho giáo viên. Song trước yêu cầu đổi mới, việc nâng cao kỹ năng sử dụng vi tính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý nói chung và quản lý bữa ăn bán trú nói riêng là yêu cầu chính đáng, cần được các trường ưu tiên thực hiện.
MINH QUÂN