Mấy năm trước, tôi cộng tác với đặc san Giáo dục-Sáng tạo giữ chuyên mục Chuyện văn. Chuyện văn hàng tuần cung cấp cho người đọc về một chuyện văn chương, văn học của nước nhà. Đầu năm 2000, nhân năm Đại hội lần 6 Hội Nhà văn Việt Nam, cũng là năm tôi nhận nhiều thư bạn đọc nhất là thư của giáo viên trong và ngoài thành phố yêu cầu nói về nhà thơ Tố Hữu và bài thơ Bầm.
Tôi tìm cách liên lạc được nhà thơ và sau đó tôi được nhà thơ gửi cho tư liệu quý. Đầu tháng 4 năm 2000, Chuyện Văn đăng Bầm, bà mẹ thật của bài thơ. Bài viết gần như nguyên văn của nhà thơ Tố Hữu. Tôi chỉ thêm chi tiết gạch đầu dòng nhà thơ kể chuyện:
>> Nhà thơ Tố Hữu: Năm 1947, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào thời kỳ gay go ác liệt, các cơ sở kháng chiến trong thành phố bị vỡ lở. Hội Văn hóa cứu quốc bị giặc đuổi chạy giạt từ vùng Me (Bắc Ninh) lên đất Phú Thọ. Nhà thơ cùng nhạc sĩ Văn Cao, các nhà văn Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi chạy về Gia Điền, một xóm nhỏ heo hút thuộc huyện Hạ Hòa. Các nhà văn ở trong nhà một bà mẹ tiếng địa phương gọi bà Bầm hay bà Bủ. Nhà Bầm nghèo chỉ có mảnh ruộng con con. Miếng ăn phần lớn trông cậy vào ngọn măng, củ sắn. Ông Bủ từ lâu đã bỏ đi làm ăn xa hay đã mất tích, trong nhà chỉ có một mình Bầm cô đơn, lạnh lẽo.
Tố Hữu để ý thấy Bầm hay thở dài. Bầm bảo với các chú văn nghệ ở trọ: “Tôi nhớ thằng út tôi. Nó đi bộ đội mấy năm nay, liệu có yên lành về được không?”. Tiếng thở dài của Bầm cứ ám ảnh nhà thơ, thôi thúc nhà thơ phải làm một điều gì đó, để an ủi bà mẹ già đang nhớ con.
Nhà thơ gọi là “bịa” viết một lá thư của thằng út gởi về. Đó là một lá thư viết bằng thơ để Bầm nghe cho dễ và Bầm thuộc. Lá thư viết xong, nhà thơ Tố Hữu đọc cho bà mẹ nghe. Nghe xong, bà mẹ khóc ròng. Nhà văn Nguyên Hồng cũng khóc ròng. Bà Bầm nói với nhà thơ: Đấy các chú xem, thằng út nhà tôi nó có hiếu thế đấy, nó thương tôi lắm mà.
Bà Bầm cũng chẳng để ý tới giấy bút, chữ nghĩa có phải của con mình không. Bà chỉ thấy giọng “thư” đúng là của con bà. Bây giờ nó ở xa, nói với bà bằng thư cũng như vậy: “Ai về thăm mẹ quê ta/Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm/Bầm ơi có rét không Bầm/Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn/Bầm ra ruộng cấy Bầm run/Chân lội xuống bùn, tay cấy mạ non”. Đọc được đoạn kể về bài thơ của Tố Hữu nhiều bạn đọc mới hiểu ra sự dung dị, thắm đượm nhân tình được nhà thơ cộng sản 27 tuổi viết ra cách đây hơn nửa thế kỷ bài thơ hay như vậy.
Trong Đại hội Nhà văn Việt Nam lần 6 vào tháng 4 năm 2000 tại hội trường Ba Đình, Hà Nội, tôi có gặp nhà thơ Tố Hữu và có cuộc trao đổi nhỏ với nhà thơ.
- Trúc Chi: Xin chào anh Tố Hữu. Đại hội Nhà văn lần 6 thấy anh khỏe, cũng như thơ anh 5 năm qua từ Đại hội 5 đằm thắm và có độ sâu về tình người, tình đời được mạnh mẽ. Xin chúc mừng anh.
>> Nhà thơ Tố Hữu: Vâng, xin chào anh Trúc Chi. Đại hội 5 tôi đã có Một tiếng đờn ngân rung, nay có thêm Tiếng hát và sắp xong Hồi ký Tố Hữu. Đấy cũng là niềm vui của tôi gửi đến bạn đọc của suy nghĩ, của sự kiện và hồn thơ.
- Thưa anh, báo Giáo dục-Sáng tạo trong chuyên mục Chuyện văn số 15 ngày 15-7-1999 có bài về Bầm, bà mẹ thực của bài thơ. Chắc anh đã nhận và đã đọc.
Tác giả Hàn Anh Trúc tức là Trúc Chi đã theo sát những gì tôi được báo chí mời chuyện trò về đời thơ của tôi, trong đó có bài thơ Bầm. Tác giả Hàn Anh Trúc đã nhặt được nét rồi viết một cách đặc sắc. Qua Chuyện văn, thầy cô dạy văn, dạy bài Bầm sẽ hiểu kỹ lai lịch bài thơ, hiểu kỹ tác giả và sẽ có một cách giảng rung động hơn từ cuộc đời đến bài thơ.
- Xin anh nói kỹ hơn về bài thơ Bầm viết trong thời kỳ đầu kháng chiến.
Vâng, trước hết về mẹ. Thời kỳ nào văn học cũng có mẹ, mẹ đã thành hình tượng trong văn học, trong thơ, nhất là mẹ trong thơ. Nhưng Bầm là mẹ của kháng chiến, mẹ anh hùng. Không có mẹ anh hùng sẽ không có anh Vệ quốc anh hùng, Giải phóng quân anh hùng. Mẹ còn là Tổ quốc. Trong người Vệ quốc quân, trong người Giải phóng quân anh hùng đều có hai bà mẹ, bà mẹ Tổ quốc và bà mẹ Bầm “Yêu bầm yêu nước cả đôi mẹ hiền”.
- Nhưng thưa anh, bài thơ Bầm lại là thơ lục bát, lục bát kháng chiến?
Thường tôi viết về một nhân vật, thói quen tôi chọn một giọng thơ thích hợp. Về Bầm cũng như về Bủ, Mẹ Suốt, Bà má Hậu Giang, tôi chọn lục bát. Lục bát bài thơ Bầm để lục bát dắt Bầm đến quần chúng, để quần chúng quen nhanh, thuộc nhanh. Còn điều này, Bầm trong thời kỳ đầu kháng chiến, là thời kỳ Đảng ta chủ trương “Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa”. Lục bát là nét văn hóa Việt Nam, văn hóa nghìn đời nay của dân tộc. Mỗi dân tộc trên thế giới này đều có giọng điệu riêng, hồn thơ riêng, nên không lẫn vào nhau, nhờ vậy làm nên bản sắc, đặc sắc của dân tộc. Nhờ vậy mà văn hóa đứng được với nhau làm nên văn hóa nhân loại.
- Thưa anh, cũng chính vì vậy mà nền văn hóa nhân loại nói chung, thơ nhân loại nói riêng được ánh lên bởi tâm hồn dân tộc?
Thơ thế giới, trong đó có thơ hai câu, ba câu của điệu thơ dân tộc đó. Thơ Đường của Trung Quốc, thơ Haiku của Nhật Bản, thơ sáu tám tức lục bát của Việt Nam mình. Chỉ riêng thơ lục bát ở ta không ít nhà thơ mình rất sành, rất giỏi lục bát, lại rất riêng, có phong cách của từng nhà thơ. Chẳng hạn, Nguyễn Bính có lục bát của Nguyễn Bính, Huy Cận có lục bát rất riêng, rất Huy Cận. Tố Hữu có cái riêng lục bát của Tố Hữu, nhất là trong Bầm (cười dí dỏm).
Trúc Chi