Tộc người “ngủ ngồi” hội nhập

Người Đan Lai là một trong số các tộc người có dân số ít nhất Việt Nam, hiện chỉ sinh sống tại một số điểm ở huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An). Nhiều người biết đến tộc người này với những tập tục kỳ lạ như ngủ ngồi, con đẻ ra phải nhúng xuống suối…
Tộc người “ngủ ngồi” hội nhập

Người Đan Lai là một trong số các tộc người có dân số ít nhất Việt Nam, hiện chỉ sinh sống tại một số điểm ở huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An). Nhiều người biết đến tộc người này với những tập tục kỳ lạ như ngủ ngồi, con đẻ ra phải nhúng xuống suối…

Giờ đây người Đan Lai không còn cô độc giữa rừng, đã được tiếp cận với thế giới bên ngoài, với ánh sáng văn minh. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, tộc người “ngủ ngồi” cũng gặp không ít khó khăn…

Vào bản “cây thuốc độc”

Sáng sớm, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình từ trung tâm xã Châu Khê (huyện Con Cuông) vào bản Khe Nóng. Ngước nhìn bầu trời âm u, anh cán bộ Văn phòng UBND xã Châu Khê ái ngại: “Đi 30km đường rừng, lại có địa hình hiểm trở nên sẽ rất khó khăn. Nếu gặp mưa, hy vọng các anh vào tới được bản Khe Nóng rồi… tính sau, chứ sợ nhất dọc đường gặp mưa hoặc hỏng xe, tiến không được, lùi chẳng xong và không thể “cầu cứu” được ai do sóng điện thoại di động vùng này không có, trên đường cũng hiếm người qua lại”. Len lỏi theo con đường độc đạo đất đá lởm chởm, một bên núi dựng, một bên vực sâu,… khi mặt trời gần đứng bóng chúng tôi mới đến được bản Khe Bu. Từ đây, chúng tôi tiếp tục luồn rừng, nhưng bắt đầu phải băng qua suối và lò dò đi mới thấy có lối nhỏ phía trước mở ra. Dọc đường, tiếng chim lạ và bìm bịp kêu khắc khoải, gợi cảm giác hoang lạnh len vào người. Sau khi trầy trật vượt qua 6 ngầm nước mới thấy lấp ló vài nếp nhà sàn.

Hai mẹ con tộc người Đan Lai ở bản Khe Nóng.

Vào đầu bản gặp Trưởng bản La Văn Linh đang đi… chăn bò. Già Linh bảo: “Ngày xưa người bản ta cái mắt chỉ thấy bên trên có mặt trời, mặt trăng, cái tai chỉ nghe được tiếng suối, tiếng con thú, cái chân cái tay chỉ biết đụng vô cây rừng. Người Đan Lai ta không biết có người như mình sống ở nơi khác. Bây giờ Nhà nước vô gặp người mình, giúp người mình thấy được nhiều điều”. Già Linh kể, cái tên bản Khe Nóng là do người Kinh đọc chệch từ tiếng của đồng bào mà thành. Khe Nóng là “khe noong”, tên một loại cây thuốc độc mọc trong rừng. Đây là loài cây từ thời xa xưa người Đan Lai lấy vỏ và mủ chế ra một loại thuốc độc. Thuốc này chỉ dùng để tẩm vào mũi tên bắn thú rừng. Có điều “thiêng” là khi con thú bị trúng tên tẩm thuốc độc từ cây này, thì dù nó có khỏe, chạy sâu vào trong rừng, nhưng đến khi gần chết lại quay về bản Khe Nóng, về nơi nó bị bắn. Hiện nay chỉ còn lại một cây thuốc độc nằm trong cánh rừng gần bản. Nhưng bộ đội biên phòng, cán bộ kiểm lâm vận động không săn bắn thú nên bà con không làm tên thuốc độc nữa.

Vui, buồn hội nhập

Vào bản Khe Nóng thấy hơi hướm của xã hội bên ngoài đã thâm nhập vào chốn thâm sơn cùng cốc này. Ngay ở cái chòi canh rẫy ven suối đầu bản, chúng tôi bắt gặp một số vỏ chai nước ngọt nằm chỏng chơ trên gác nứa. Đến một nhà sàn thấy bộ khung xe đạp treo trước cửa. Anh La Văn Thịnh - chủ nhà khoe, ngày trước anh đi làm trong miền Nam, biết đi xe đạp nên khi về đến trung tâm xã Châu Khê anh mua một chiếc xe cũ mang về đạp qua, đạp lại ở con đường đất nhỏ trong bản cho bà con coi, rồi dạy trẻ con tập đi, ai cũng thích. Nhưng cách đây hơn 2 năm, xe đạp hỏng, anh đành treo lên trước nhà “để không quên mình biết đi xe đạp”. Ở khoảng giữa bản có một nhà gỗ trệt (thay vì nhà sàn), trong nhà mở một quầy tạp hóa nhỏ bán đường, muối, bật lửa, thuốc lá… Trước nhà này còn có một xe máy dựng trước cửa. Trưởng bản La Văn Linh khoe, bản Khe Nóng vừa được xây một điểm trường học (mẫu giáo, tiểu học) nên bây giờ bọn trẻ nhỏ ở bản đều được đi học. Ngoài ra còn có 4 đứa “học to” ở mãi ngoài trung tâm xã Châu Khê, đó là La Văn Thành và La Thị Lan cùng học lớp 9, La Văn Khải học lớp 8, La Thị Nguyên học lớp 6. Già Linh cười, hào hứng: “Ô, mà bữa trước, điểm trường bản ta có 3 đứa được đi thi kể chuyện ở ngoài xã. Bản Khe Nóng ta sẽ còn nhiều đứa đi “học to” nữa”.
Già Linh đang vui bỗng trầm lại, thở dài: “Nhiều người đi ra ngoài, nhiều thứ đi vô bản nhưng cũng có cái buồn lòng các anh ạ!”. Ông chỉ tay về ngôi nhà sàn lụp sụp phía trước, nói đó là nhà La Văn Hoành. Năm trước, có người lạ đến nhà ông Hoành, nói cho 2 đứa con gái đi thành phố làm việc với giá 4 triệu đồng/tháng. Thế là hai đứa 25 tuổi và 20 tuổi tin lời đi theo, sau mới biết bị lừa bán sang Trung Quốc. Thằng em kế thỉnh thoảng lại lên cơn đau đầu, nhưng vì nhà quá nghèo nên hai bố con phải ra tận tỉnh Quảng Ninh làm thuê. Người mẹ ở nhà phải nuôi người bà bị mù và đứa con trai út tàn tật. Thanh niên trong bản giờ lớn lên không ở nhà lấy vợ, lấy chồng cũng đi làm ăn xa hết. Bây giờ anh em họ hàng huyết thống gần trong bản không phải lấy nhau nữa. Ở Khe Nóng đã có người lấy vợ, lấy chồng ngoài bản, lấy cả người dân tộc Thái. Nhưng thanh niên, nhất là con trai, ai có tiền mới lấy được người ngoài bản, còn không vẫn phải lấy người trong bản. “Cũng vì cái nghèo cả thôi. Bản ta có 36/36 hộ đều nghèo hết. Nghèo mà nhà mô cũng đông con, từ 5-6 đứa, có nhà 8 đứa. Đẻ nhiều nhưng thiếu cái làm, cái ăn thì vẫn nghèo thôi!”- già Linh thở dài.

Nỗi lòng người về, kẻ ở

Ông Lê Hùng Phong (69 tuổi), một trong những người từ bản Khe Nóng ra bản Châu Sơn từ năm 1976. Ông Phong kể, hồi ấy chưa có đường, chưa có xe máy, phải tự đi bộ mở lối thành đường. Ông khi đó là thanh niên nhưng cũng phải lội bộ mất 2-3 ngày đường mới ra đến bản mới. Đó là chưa kể đến việc phải gùi chuyển đồ đạc vô cùng vất vả, khó nhọc. Nhưng Nhà nước nói bà con phải đi ra để thấy được ánh sáng mới, để tránh phải lấy nhau trong họ trong hàng, đỡ khổ hơn…

Bây giờ Nhà nước lại có chủ trương cho một số bà con về lại Khe Nóng, nên ông “bắt sợi dây” với quê cũ bằng việc cho hai con là Lê Văn Thoại và Lê Thị Dung về. Ông Phong trầm ngâm: “Người Đan Lai ta chỉ quen săn bắt, hái lượm. Ta ra quê mới lâu rồi cũng quen, nhưng vẫn nhớ quê cũ, muốn về quê cũ nhưng già rồi, cái chân không muốn đi nữa, cho con ta về thôi…”.

La Văn Thành - Trưởng bản Châu Sơn - còn khá trẻ. Anh thuộc thế hệ mới kể từ năm 1976 khi người Đan Lai chuyển từ Khe Nóng ra sinh sống trên mảnh đất này. Thành bảo, ra bản mới nên được tiếp xúc với nhiều cái mới, đường đi lại thuận tiện, có điện, gần trạm y tế… Nhưng buồn là vẫn thiếu điều kiện để làm ăn, đặc biệt về đất sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Châu Khê - cho biết, từ năm 2009, dự án xây dựng khu định cư tại bản Khe Nóng đã được phê duyệt với kinh phí 19 tỷ 200 triệu đồng. Mục tiêu của dự án này là xây dựng đường, điện; giao đất, giao rừng cho dân,… sau đó đưa đợt đầu khoảng 15-17 hộ ở bản Châu Sơn về lại quê cũ. Tuy nhiên, vì thiếu kinh phí nên dự án này mới chỉ làm được một số hạng mục. Ông Bình cho biết: “Bà con đang rất mong dự án thực hiện càng sớm càng tốt, vì dân bản đã chờ quá lâu rồi, nhiều khi cũng nản, có hộ trước muốn quay về nhưng giờ không muốn nữa”.

Duy Cường

Tin cùng chuyên mục