Danh thủ Kiatisak sau 4 năm thi đấu tại Việt Nam:

“Tôi chỉ có một tổ quốc, nhưng lại đến hai quê hương”

Bốn năm, quãng thời gian không dài lắm đối với một đời người, nhưng lại đủ dài để một con người có thể khám phá được tất cả những điều cần biết về nơi mà mình đã gắn bó suốt một thời gian dài. Kiatisak cũng vậy. Suốt 4 năm trời cùng các đồng đội ở HA.GL rong ruổi khắp VIỆT NAM qua các trận đấu, anh đã hiểu đất nước và con người nơi đây. Bởi thế, khi bảo Việt Nam giống như là quê hương thứ hai của mình, Kiatisak nhấn mạnh rằng mình không hề xã giao…
“Tôi chỉ có một tổ quốc, nhưng lại đến hai quê hương”

Bốn năm, quãng thời gian không dài lắm đối với một đời người, nhưng lại đủ dài để một con người có thể khám phá được tất cả những điều cần biết về nơi mà mình đã gắn bó suốt một thời gian dài. Kiatisak cũng vậy. Suốt 4 năm trời cùng các đồng đội ở HA.GL rong ruổi khắp VIỆT NAM qua các trận đấu, anh đã hiểu đất nước và con người nơi đây. Bởi thế, khi bảo Việt Nam giống như là quê hương thứ hai của mình, Kiatisak nhấn mạnh rằng mình không hề xã giao…

“Tôi chỉ có một tổ quốc, nhưng lại đến hai quê hương” ảnh 1

Hai năm liền (2003-2004), Kiatisak được bầu chọn là Cầu thủ nước ngoài xuất sắc nhất.

· Zico này, anh đã từng chơi bóng nhiều năm ở Singapore, Malaysia. Vì sao anh lại chọn Việt Nam làm nơi kết thúc sự nghiệp?

- Nhắc đến chuyện sang Việt Nam khoác áo HA.GL, hẳn mọi người còn nhớ, khi ấy người hâm mộ Thái Lan đã phản đối như thế nào. Rất ít người ủng hộ quyết định này của tôi. Cho đến thời điểm ấy, Việt Nam và Thái Lan đã vài lần đụng nhau ở SEA Games cũng như Tiger Cup, thế nhưng lại có rất ít người dân Thái Lan hiểu biết về bóng đá Việt Nam.

Ngay cả bản thân tôi khi ấy cũng chỉ biết bóng đá Việt Nam vừa chuyển sang chuyên nghiệp một thời gian ngắn. Ở đời, cái gì mới mẻ thường có nhiều thách thức. Hơn nữa, trong những lần khoác áo ĐTQG thi đấu ở các giải khu vực, tôi lại thường nghe nhắc đến hai từ Việt Nam như là đối thủ lớn nhất cần phải vượt qua. Bởi thế, khi đích thân bầu Đức qua Thái Lan đặt vấn đề với tôi, tôi đã quyết định nhận lời dù cũng có đôi chút đắn đo.

Đã từng khoác áo các CLB Singapore và Malaysia một thời gian dài. Tuy nhiên, chỉ đến khi sang Việt Nam khoác áo HA.GL, tôi mới cảm nhận được ở nơi đây không khí như trong một gia đình mà khi khoác áo các đội bóng khác, tôi không cảm nhận được. Bầu không khí thoải mái ấy đã giúp cho tôi phát huy được hết khả năng của mình.

Bóng đá là môn chơi của tập thể, chỉ khi nào một cầu thủ nhận được sự hỗ trợ vô điều kiện từ đồng đội của mình, anh ta mới đạt hiệu suất thi đấu cao nhất. Có lẽ, đấy chính là lý do quan trọng nhất giúp cho tôi yên tâm ở lại và kết thúc sự nghiệp cầu thủ của mình ở đất nước này. Mới đó mà đã 4 năm… Chừng ấy năm sống ở đây đã khiến cho tôi cảm thấy nơi đây cũng thân thiết như quê hương mình. Nói thật nhé, tôi chỉ có một tổ quốc nhưng lại có đến hai quê hương!

· Nếu tính luôn trận thua ở chung kết SEA Games vừa qua, các cầu thủ Việt Nam đã 8 năm liền không vượt qua được các cầu thủ Thái Lan ở một giải đấu chính thức. Là người hiểu rõ cả bóng đá Thái Lan lẫn bóng đá Việt Nam, theo anh thì nguyên nhân nào khiến các cầu thủ Việt Nam luôn gặp thất bại trong các lần đối đầu với cầu thủ Thái Lan?

- Theo tôi, sự khác biệt lớn nhất chính là hệ thống đào tạo từ cơ sở. Ở Thái Lan, bóng đá học đường chính là cái nôi đầu tiên để chọn lựa cầu thủ bóng đá. Mỗi năm, các nhà làm bóng đá Thái Lan tổ chức ra hàng ngàn giải bóng đá học sinh. Từ những giải phong trào này, những “hạt giống bóng đá” đầu tiên sẽ được các nhà tuyển trạch chọn lựa ra để đưa vào các đội tuyển trẻ. Tiếp đó, những cầu thủ nhí này lại được sàng lọc rất kỹ lưỡng hằng năm bằng rất nhiều giải U toàn quốc khác. Có vượt qua được kỳ tuyển chọn khắc nghiệt này, các cầu thủ mới được tập trung vào các đội tuyển U quốc gia.

Ngoài “cái nôi” là phong trào bóng đá học đường, ở Thái Lan còn có 2 học viện đào tạo bóng đá rất nổi tiếng, một của HLV nổi tiếng người Đức Beckenbauer và một của CLB M.U. Ngay từ nhỏ, môi trường cạnh tranh gay gắt đã khiến các cầu thủ trẻ Thái Lan phải luôn phấn đấu để không bị đào thải. Sự phấn đấu ấy đã giúp trình độ chơi bóng của họ ngày càng được nâng cao. Bởi thế, khi đã vượt qua rất nhiều kỳ sàng lọc khắt khe, các cầu thủ trẻ mới vinh dự được chọn vào đội tuyển U-23 rồi sau đó là ĐTQG.

Ở Thái Lan, được khoác áo ĐTQG vừa vinh dự, lại vừa có được rất nhiều quyền lợi khác nên các cầu thủ phải phấn đấu hết mình để được chọn. Bởi chỉ khi nào trở thành tuyển thủ quốc gia, một cầu thủ mới có cơ hội được các CLB nước ngoài chú ý rồi mời ký hợp đồng. Nếu không được chọn vào đội tuyển U-23 rồi sau đó là ĐTQG, một cầu thủ Thái Lan sẽ mãi chìm trong bóng tối vô danh và xem như không có cơ hội đổi đời.

ĐTQG Thái Lan là một tên tuổi lớn trong khu vực Đông Nam Á, nhưng giải VĐQG Thái Lan lại không mạnh bằng một số giải VĐQG khác trong khu vực nên thu nhập của cầu thủ cũng không cao. Trong khi đó, ở Việt Nam, tôi lại thấy hệ thống đào tạo cầu thủ diễn ra hoàn toàn ngược lại. Hệ thống đào tạo trẻ hầu như được giao khoán cho các CLB trong khi các đội bóng thì lo chạy theo thành tích nên không chú trọng việc đào tạo cầu thủ trẻ.

Ở Việt Nam, trong khi các giải trẻ được tổ chức rất ít thì ngược lại, các giải lớn lại được tổ chức rất nhiều. Sự mất cân đối này đã dẫn đến hậu quả là chất lượng cầu thủ ở những giải lớn lại rất thấp. Nói một cách hình tượng, trong khi bóng đá Thái Lan phát triển một cách hợp lý theo mô hình tam giác với chóp nhọn ở trên cùng thì ngược lại, bóng đá Việt Nam cũng phát triển theo hình tam giác nhưng lại có đỉnh hướng xuống đất.

· Nếu được một điều ước duy nhất vào dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam, anh ước điều gì?

- Tôi có thể trả lời ngay mà không cần suy nghĩ: Tôi ước HA.GL sẽ giành chức VĐQG một lần nữa! 

QUỐC CƯỜNG (thực hiện)

 

Tin cùng chuyên mục