(SGGPO). - Do ảnh hưởng hoàn lưu phía tây của áp thấp nhiệt đới, kết hợp với hoạt động của đới gió đông trên cao, chiều 16-11, tại Thừa Thiên Huế đã có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 300 - 400mm, riêng Tà Lương là 591mm. Hiện lũ trên các triền sông đã vượt báo động 2 và sẽ đạt mức báo động 3 vào tối 16-11.
Đường Hồ Chí Minh sạt taluy dương tại vị trí xã Hồng Vân (Km 319+950) và xã A Roàng (Km 389+050) gây tắt đường. Quốc lộ 49A sạt lở 13 vị trí với 810 m³ đất, 7.000 m² mặt đường, hiện đang thông xe tốt. Quốc lộ 49B bị xói lở 750m² lề đường, 7.970 m² mặt đường. Đường đô thị, vành đai bị hư hỏng 6.750m² mặt đường. Đường tỉnh lộ hư hỏng 5.900m² mặt đường, xói lở 5869m³ lề đường, tập trung tại các tỉnh lộ 4, tỉnh lộ 10A, tỉnh lộ 9, tỉnh lộ 11B, tỉnh lộ 14B, tỉnh lộ 16, đường Nguyễn Chí Thanh - huyện Quảng Điền. Hệ thống đường liên huyện bị xói lở 94.300 m³ lề đường. Đường bê tông liên thôn, liên xã tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang bị hư hỏng, xuống cấp với chiều dài khoảng 49 km.
Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên- Huế có 2.246 nhà bị ngập từ 0,5-1m, trong đó huyện Phong Điền 650 nhà, Hương Trà 450 nhà, Quảng Điền 756 nhà, thành phố Huế 200 nhà, Phú Vang 190 nhà.
Sáng 16-11, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nước lũ tiếp tục lên nhanh gây ngập trên diện rộng ở vùng hạ lưu thuộc khu vực sông Bồ, sông Hương, sông Ô Lâu và thành phố Huế, gây đình trệ mọi sinh hoạt đời sống của người dân. Ngay trong sáng 16-11, ngành Giáo dục-Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cho học sinh tất cả các trường học trên địa bàn vùng lũ nghỉ học.
Tính đến 10 giờ ngày 16-11, nước lũ gây ngập trên diện rộng ở hạ lưu sông Bồ từ 0,5 đến 1m. Quốc lộ 1A tại km 829 (Cầu vượt Thủy Dương) ngập sâu gây tắc nghẽn giao thông. Quốc lộ 49 B từ Mỹ Chánh đi Vân Trình bị ngập sâu hơn một mét trên toàn tuyến, cắt đứt giao thông; quốc lộ 4B, 8B qua địa phận Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà bị ngập từ 0,5-1 m... Tại thành phố Huế nước lũ lên nhanh gây ngập hầu hết các đuờng phố ở bờ bắc sông Hương từ 0,5-1m, gây tắc nghẽn giao thông và đình trệ mọi sinh hoạt của người dân.
Mưa lũ đã làm mực nước các hồ chứa trên địa bàn, như Hồ Hòa Mỹ (cao trình đỉnh 35m), Hồ Truồi (cao trình đỉnh 35m) đã qua tràn gần 0,5 m. Hồ chứa thủy điện Bình Điền thượng nguồn sông Hương qua tràn 8,62 m(cao trình đỉnh 73m); Thủy Điện Hương Điền thượng nguồn sông Bồ (cao trình đỉnh 42,75m) nước qua tràn 9,6m. Hiện các hồ thủy điện đang mở cửa xã lũ khiến vùng hạ lưu tiếp tục ngập nặng.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, tính đến sáng 16-11 mưa lũ đã làm 3 người chết và 1 người bị thương.
Hiện nước lũ đang tiếp tục lên nhanh. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đi kiểm tra nắm tình hình việc xả lũ ở hai nhà máy thuỷ điện Bình Điền và Hương Điền, đồng thời yêu cầu hai nhà máy thuỷ điện này phải xả lũ vào ban ngày, hạn chế tối đa việc xả lũ vào ban đêm để đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu.
* Quảng Ngãi huy động lực lượng và phương tiện giúp dân vùng lũ
Đầu giờ chiều 16-11, Quân khu V đã điều động 25 cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 270 đóng tại Quảng Nam cùng 4 ca nô chuyên dụng, 4 xuồng nhôm đẩy hỗ trợ Quảng Ngãi giúp dân vùng lũ.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cũng điều động 2 ca nô chuyên dụng trực chiến tại huyện Bình Sơn. Thượng tá Nguyễn Phương, Chỉ huy trưởng quân sự huyện Bình Sơn cho biết: các ca nô sẽ được đưa về những nơi xung yếu, ngập sâu hỗ trợ di dời dân, tài sản ra khỏi vùng ngập lụt.
Chiều 16-11, ông Phạm Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, đã di dời trên 2.000 hộ dân tại 9 xã của huyện đến nơi an toàn. Trong khi đó, từ Km 34-67 thuộc địa phận xã Trà Lâm, huyện Tây Trà đã bị sạt lở nặng.
Tại núi Cà Đót, hàng ngàn mét khối đất đã đổ ập xuống mặt đường, chia cắt tuyến đường ĐT 622 đi huyện Tây Trà khiến huyện này bị cô lập hoàn toàn. Dự kiến, việc thông đường chỉ có thể thực hiện khi mưa lũ ngừng hẳn. Khả năng cứu trợ Tây Trà bằng đường hàng không rất cao. Tại huyện Lý Sơn, mưa lớn cũng đã gây ngập cục bộ trên địa bàn xã An Vĩnh và An Hải. Gần 300 ha hành, tỏi của người dân mới gieo trồng đã bị mưa lũ đánh hư hại hoàn toàn. Tuyến kè An Hải cũng đã bị nước lũ kết hợp triều cường cuốn phăng ra biển gần 15m.
Trước đó, mưa lớn từ chiều 15-11 trên diện rộng, mực nước lũ tại các sông ở tỉnh Quảng Ngãi lên nhanh, khiến hàng ngàn hộ dân chới với. Mực nước ở hầu hết các sông đã vượt mức báo động 3, khiến 8 xã khu Đông, Tây của huyện Bình Sơn nhanh chóng chìm trong biển nước.
Chúng tôi ngược lên phía Tây tiếp cận xã Bình Minh nhưng đã bị nước lũ “chặn” ngay đầu đường; hướng về các xã khu Đông-Bình Trung, Bình Dương cũng bị nước lũ chia cắt. Tìm đường lên hướng huyện Trà Bồng nhưng tuyến đường ĐT 622 cũng đã bị nước lũ “chặt” đứt.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Ban phòng chống lụt bão huyện cho biết: có trên 2.000 hộ dân của 8 xã trên địa bàn huyện cần di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, lo nhất là ngày hôm qua trời nắng, nước đã rút, tâm lý của người dân chủ quan nên không lo sơ tán, thậm chí những hộ dân đã được di dời trước đó đã quay lại nơi ở cũ nên không thể tránh khỏi thiệt hại.
Tại buổi làm việc với huyện Bình Sơn sáng 16-11, ông Trương Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, chiều nay nước có thể sẽ lên nhanh hơn bởi dự báo lượng mưa vẫn tiếp diễn với lưu lượng lớn và chưa có dấu hiệu ngớt. Ông Nhi yêu cầu huyện Bình Sơn thông báo các xã khu Tây nhanh chóng di dời dân. Đến 15 giờ chiều nay, phải di dời tất cả các hộ dân trong diện di dời. Hiện có 4 đường chính (quốc lộ), 3 đường tỉnh lộ bị ngập bị chia cắt giao thông. “Tuy nhiên, tình trạng người dân đi lại vẫn diễn ra. Đề nghị các ngành chức năng tỉnh và huyện phân công trực tại các điểm ngập lụt trên đường quốc lộ 1A và huyện, xã. Nếu để ra tình trạng người chết, các chủ tịch địa bàn phải chịu trách nhiệm” - Ông Nhi chỉ đạo.
Ngoài ra, hiện tượng vớt củi đã tái diễn trên các sông, ông Trương Ngọc Nhi cũng đã đề nghị Công an huyện triển khai lực lượng ngăn chặn. Tại khu vực cầu Cháy (xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn) do đợt lũ vừa qua đã xô nghiêng các thành cầu, tải trọng cầu đang có nguy cơ xuống cấp. Ông Trương Ngọc Nhi đã chỉ đạo ngành giao thông cắm biển báo cầu yếu, xe qua từng chiếc một.
|
Văn Thắng - Phan Lê - Hà Minh
>> Quảng Ngãi khắc phục hậu quả lũ quét
>> Thiên tai tiếp tục bao vây miền Trung