Nâng cao thái độ, trách nhiệm phục vụ
Từ đầu năm 2021 đến nay, bộ phận “một cửa” đã tiếp nhận 6.608 hồ sơ của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, số lượng hồ sơ giao dịch dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 478/548 hồ sơ, đạt tỷ lệ 87%. Định kỳ ít nhất 6 lần/ngày, cán bộ tại bộ phận “một cửa” sẽ đăng nhập vào hệ thống để kiểm tra hồ sơ và cập nhật tình hình xử lý việc đăng ký thủ tục hành chính trực tuyến của người dân.
Theo ông Võ Trường Anh, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 cho biết, để người dân kịp nắm thông tin, UBND phường đã đăng tải bộ thủ hành hành chính thuộc thẩm quyền của phường lên Trang thông tin điện tử tại https://haichau1.danang.gov.vn; thiết kế chuyên mục “Hồ sơ một cửa” công khai kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận tại bộ phận “một cửa”.
Với mô hình “Khu dân cư điện tử” định kỳ 1 ngày/tuần, cán bộ phường phối hợp với Đoàn Thanh niên túc trực tại trụ sở Ban bảo vệ dân phố (K148/01 Lê Lợi) để hướng dẫn, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân...
Từ vị trí thứ 11 trong 56 phường xã, năm 2020, phường đã nỗ lực khắc phục những chướng ngại, đứng đầu bảng xếp hạng về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cải cách hành hành khối phường, xã.
Ở cấp quận, bà Trần Tường Vân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, việc phân tích kết quả khảo sát qua các năm là cơ sở để UBND quận có sự đánh giá khách quan về quy trình, hồ sơ, cách thức phục vụ, thái độ của công chức tại bộ phận một cửa của quận, từ đó có những điều chỉnh, cải thiện về cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ.
Từ năm 2017 đến nay, thông qua kết quả khảo sát đánh giá trên phần mềm, chất lượng dịch vụ hành chính công và thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ tại quận Thanh Khê có tỷ lệ đánh giá hài lòng rất cao, hơn 99,98%.
Có chiến lược, định hướng phù hợp
Thời gian qua, về chính quyền số, TP Đà Nẵng đã xây dựng được cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin đồng bộ; hình thành các cơ sở dữ liệu nền như công dân, doanh nghiệp, hộ khẩu, đất đai, cán bộ, công chức và 560 cơ sở dữ liệu chuyên ngành; bắt đầu sử dụng một số dữ liệu số thay thành phần hồ sơ giấy trong cung cấp dịch vụ công như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kinh doanh… Địa phương đưa vào sử dụng 36/37 hợp phần nền tảng đô thị thông minh.
Thời điểm dịch bệnh, TP Đà Nẵng triển khai hiệu quả các giải pháp công nghệ phòng chống Covid-19 như: ứng dụng quản lý, cấp giấy đi đường, ứng dụng quản lý khai báo y tế và kiểm soát ra vào qua mã QR, thẻ vé đi chợ mã QR, bản đồ dịch tễ CovidMaps, truy vết F1, F2 nhanh qua tổng đài tự động.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng cho rằng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số. Đồng thời, phát triển, hoàn thiện hạ tầng số, dữ liệu số, các nền tảng công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, thành phố thông minh; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực số, thu hút các chuyên gia công nghệ số, nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao đến làm việc.
Ông Thạch cũng đề xuất, TP Đà Nẵng cần chú trọng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển các nền tảng số và sản phẩm “make in Da Nang”, trở thành lực lượng dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp ngành nghề khác chuyển đổi số; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số thiết yếu, thông minh, dễ sử dụng cho người dân, hình thành “công dân số”; triển khai Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số, tạo lập niềm tin, hình thành “văn hóa số” trong cộng đồng.