Nơi “hội tụ tinh hoa”
Có thể nói hiện nay, TP Thủ Đức là nơi hội tụ lực lượng lao động có trình độ cao cũng như những người trẻ cư trú học tập tại đây vào loại đông nhất TPHCM. Theo thống kê, trên địa bàn hiện có hơn 20 viện, trường đại học, cao đẳng… với tổng số 150.000 sinh viên và hơn 3.000 giảng viên trình độ tiến sĩ. Với tổng diện tích hơn 21.000ha, dân số 1,17 triệu người, đây là một khu đô thị có quy mô sản xuất công nghệ cao lớn nhất cả nước, có mật độ đào tạo và nghiên cứu khoa học trình độ tương đối cao vào loại lớn nhất cả nước, có hệ thống giao thông kết nối đường bộ, đường thủy, đường hàng không rất thuận tiện (sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành). Đặc biệt, Khu công nghệ cao (Quận 9 cũ) với hơn 140 dự án có tổng đầu tư hơn 7 tỷ USD, hơn 30.000 lao động và xuất khẩu hơn 13 tỷ USD quy tụ hàng ngàn lao động có trình độ chuyên môn cao. Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có quy hoạch xây dựng trung tâm tài chính lớn nhất của Việt Nam; khu công nghiệp Cát Lái 2..., Các chuyên gia phân tích, nếu tích hợp lại và bổ sung các cấu phần còn thiếu của các đô thị sáng tạo trên thế giới như thành phố Darmstadt của Đức, thành phố Einhoven của Hà Lan, thành phố Montreal của Canada… thì khu đô thị này có thể trở thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, TP Thủ Đức với vị trí giao thông đặc biệt thuận lợi sẽ giúp TPHCM kết nối, tương tác mạnh mẽ với Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, hình thành vùng kinh tế 4.0 ở phía Nam của đất nước. Theo tính toán của các chuyên gia, hiện nay năng suất lao động của khu công nghệ cao TPHCM gấp 16,6 lần năng suất lao động của Việt Nam và 6,6 lần của TPHCM. Nếu sau 5-10 năm năng suất lao động của TP Thủ Đức gấp 3 lần năng suất lao động của TPHCM thì với dân số và lực lượng lao động của TP Thủ Đức chiếm 10% dân số và lao động của TPHCM, giá trị đóng góp GRDP của TP Thủ Đức vào kinh tế TPHCM là 30% tương đương 6,6% GDP của Việt Nam.
Sự lựa chọn an cư của giới trẻ
Chủ tịch Hoàng Tùng cho biết thêm, theo nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, TP Thủ Đức là đô thị loại I trực thuộc TPHCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao; trung tâm phía đông của TPHCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo. Là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển; tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tài chính và thương mại - dịch vụ; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của thành phố và vùng TPHCM; là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu TPHCM với cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía đông của vùng TPHCM. Dự kiến đến năm 2030 dân số toàn TP Thủ Đức đạt khoảng 1.500.000 người; năm 2040 đạt khoảng 2.200.000 người, hướng đến 3.000.000 người sau năm 2040.
Từ mục tiêu trên, yêu cầu trọng tâm đối với công tác lập quy hoạch TP Thủ Đức là rà soát quy hoạch chung TPHCM và các quy hoạch chuyên ngành đã được triển khai thực hiện trên địa bàn TP Thủ Đức. Trên cơ sở phân tích, đánh giá việc triển khai thực hiện quy hoạch chung TPHCM năm 2010 trên địa bàn, tập trung vào việc thực hiện các định hướng phát triển tại khu đô thị hướng đông TPHCM với vai trò là trung tâm mới mở rộng của thành phố (Khu đô thị mới Thủ Thiêm) và là Khu đô thị khoa học công nghệ, hạt nhân là khu công nghệ cao và khu đại học quốc gia. Đồng thời, dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trong bối cảnh phát triển của TPHCM và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển, bám sát các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển không gian TPHCM, chủ trương phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao, đô thị thông minh, đô thị phát triển bền vững…
“Từ thực tiễn hiện có cộng với định hướng phát triển trong tương lai gần chúng ta có thể hình dung Thủ Đức là một thành phố hội tụ lực lượng có trình độ chuyên môn cao, năng động; đô thị được quy hoạch hiện đại, đồng bộ... là môi trường sống lý tưởng cho giới trẻ” - chuyên gia đô thị học Nguyễn Minh Hòa nhận định. |
Trao đổi với phóng viên nhiều bạn trẻ có việc làm ổn định cho biết, xu hướng của giới trẻ, họ có thể ra xa trung tâm nội thành một chút nhưng nơi đó phải là những đô thị được đầu tư bài bản, hướng đến một cuộc sống hiện đại và đặc biệt là “không gian xanh”, thoáng đãng. Trở lại câu chuyện nhiều bạn trẻ chọn Thủ Đức làm nơi an cư, bên cạnh những cơ hội phát triển sau khi có quy hoạch mới của Chính phủ và chính quyền TPHCM, họ cũng kỳ vọng những hạn chế về giao thông sẽ được cải thiện trong thời gian tới khi hàng loạt dự án hạ tầng được triển khai. Xa hơn, nhiều bạn trẻ còn hướng đến việc học tập, làm việc của con cái sau này khi nơi đây hội tụ khá nhiều trường cao đẳng, đại học cũng như nhiều doanh nghiệp cần lao động có trình độ chuyên môn cao.