TPHCM chuyển đổi số - đổi mới toàn diện hoạt động bộ máy

UBND TPHCM vừa phê duyệt chương trình chuyển đổi số đặt mục tiêu đến năm 2030 TPHCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền. Đặc biệt, chuyển đổi số cũng giúp mang nhiều tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp như giảm thủ tục hành chính hay chỉ cần cung cấp thông tin một lần…
Một góc Trung tâm điều hành giao thông thông minh ở TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Một góc Trung tâm điều hành giao thông thông minh ở TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chuyển đổi số giảm mạnh thủ tục

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, cho biết, chuyển đổi số không chỉ là xu thế về công nghệ trên toàn cầu mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của kinh tế - xã hội. Trong khi đó, TPHCM là thành phố lớn, năng động, là đầu tàu kinh tế của cả nước nên cũng không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số. Chương trình chuyển đổi số của TPHCM được xây dựng dựa trên chương trình chuyển đổi số quốc gia, đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh và kiến trúc chính quyền điện tử TPHCM.

Trong chương trình chuyển đổi số, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025 số hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt từ 50% trở lên. Ngoài ra, 90% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 80% hồ sơ công việc tại cấp quận và 60% hồ sơ công việc tại cấp phường được xử lý trên môi trường mạng. Trong 5 năm tới, kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. TPHCM cũng đặt mục tiêu thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử; kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%.

Một công ty công nghệ ở TPHCM với nhiều sản phẩm, như: thanh toán online, phát triển AI (trí tuệ nhân tạo) phục vụ đời sống số. Ảnh: TẤN BA

Đến năm 2030, TPHCM đặt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động. Ngoài ra, 100% hồ sơ công việc ở cấp thành phố, 100% hồ sơ công việc ở cấp quận và 95% hồ sơ công việc ở cấp phường được xử lý trên môi trường mạng. TPHCM hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, dữ liệu được chia sẻ rộng khắp trong toàn xã hội, giảm 40% thủ tục hành chính. Cùng với đó, TPHCM tăng 40% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, dự kiến TPHCM thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.

Người dân chỉ cung cấp thông tin một lần 

UBND TPHCM cũng chỉ rõ các nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng chính quyền số. Cụ thể, TPHCM có nhóm nhiệm vụ nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố (HCM LGSP); thực hiện số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của chính quyền. 

Với nhiệm vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp, TPHCM tích hợp các dịch vụ, người dân và doanh nghiệp chỉ cần sử dụng một tài khoản đăng nhập cho tất cả các ứng dụng, dịch vụ công trực tuyến của thành phố. Người dân và doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần vì các cơ quan nhà nước phải chia sẻ dữ liệu với nhau, không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp nhiều lần. TPHCM cũng có các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân. 

Trong việc hoàn thiện HCM LGSP, TPHCM kết nối thanh toán điện tử; kết nối dịch vụ bưu chính để chuyển phát hồ sơ; cung cấp thông tin tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính; tích hợp, cung cấp dữ liệu. TPHCM cũng phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở của TPHCM và triển khai kho dữ liệu dùng chung. Việc này nhằm tạo kênh thông tin, chia sẻ tài nguyên dữ liệu cho người dân và doanh nghiệp sử dụng phục vụ cuộc sống, công việc, từ đó khuyến khích người dân tham gia giám sát, quản lý các hoạt động của chính quyền, xã hội.

Về giải pháp phát triển kinh tế số, TPHCM hỗ trợ phát triển thương mại điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo UBND TP, việc từng bước xây dựng thành công chính quyền số TP sẽ hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nền kinh tế số. Cụ thể, cơ sở dữ liệu chuyên dụng và mở cung cấp dữ liệu cho doanh nghiệp; các thủ tục hành chính minh bạch, nhanh chóng… hỗ trợ doanh nghiệp. TP chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực về y tế,  giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng, đào tạo nhân lực...

Để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, TPHCM xây dựng các quy định về tính riêng tư và nhạy cảm đối với các thông tin liên quan đến cá nhân để mã hóa, bảo vệ khi lưu trữ và che giấu khi cần chia sẻ với các bên liên quan. TPHCM cũng xây dựng các chính sách và quy định về vai trò và quyền khi truy cập dữ liệu ở các mức độ khác nhau, xây dựng các yêu cầu liên quan đến nhân sự có tương tác với dữ liệu nhạy cảm.

Cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử

UBND TPHCM vừa có quyết định về việc cập nhật, điều chỉnh kiến trúc chính quyền điện tử TPHCM. Đây là kế hoạch tổng thể định hướng triển khai thống nhất, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của thành phố, đáp ứng các mục tiêu chiến lược phát triển TPHCM thành đô thị thông minh.

Giữa kiến trúc chính quyền điện tử TPHCM và đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh là 2 kế hoạch khác nhau nhưng bổ túc lẫn nhau và liên kết trên cùng một nền tảng dữ liệu và công nghệ. Xây dựng chính quyền điện tử TPHCM cũng sẽ hỗ trợ việc triển khai đô thị thông minh về mặt công nghệ thông tin - truyền thông. 

Cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử TPHCM cũng phù hợp với định hướng phát triển chính quyền số của TPHCM. Kiến trúc chính quyền điện tử TPHCM là một giải pháp quan trọng hàng đầu của cả đề án đô thị thông minh và nhiệm vụ chuyển đổi số của thành phố. Kiến trúc chính quyền điện tử hỗ trợ việc phát triển, xác định chi tiết về chia sẻ dữ liệu, kết nối liên thông, tiêu chuẩn công nghệ… để triển khai các giải pháp công nghệ theo định hướng đô thị thông minh và chính quyền số một cách đồng bộ, hiệu quả.

Xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử của TPHCM ở mức tổng thể, làm cơ sở để các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và phường, xã, thị trấn có thể tham chiếu khi phát triển, nâng cấp, kết nối và triển khai các hệ thống thông tin tại đơn vị.

Tin cùng chuyên mục