TPHCM đảm bảo cung cầu, giá cả hợp lý trong mọi tình huống

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về giải pháp ứng phó khi giá cả hàng hóa tăng cao, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, trong mọi tình huống, mọi kịch bản, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Bình ổn thị trường là phải đảm bảo nguồn cung, đảm bảo lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối…
Người tiêu dùng cân nhắc chi tiêu khi mua sắm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người tiêu dùng cân nhắc chi tiêu khi mua sắm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

- Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG: TPHCM tiếp tục liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trong việc xây dựng nguồn nguyên liệu, sản xuất, chế biến, tổ chức lưu thông hàng hóa và phát triển, đa dạng các hình thức phân phối. Từ kết quả tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, chúng tôi xác định một số giải pháp cần phải thực hiện trong năm 2022 và định hướng cho các năm sau. Cụ thể, đôn đốc doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ… đúng tiến độ, kế hoạch của UBND TPHCM; đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định để phục vụ người dân.

Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng vùng nguyên liệu; tạo nguồn hàng ổn định, truy xuất được nguồn gốc, xây dựng thương hiệu uy tín, chất lượng đảm bảo, tạo lập một khu vực thị trường mới, quy mô lớn, ổn định lâu dài cho doanh nghiệp TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL. Các doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và sàn thương mại điện tử thành phố tăng cường hợp tác với các trang trại, nhà vườn, nông dân kết nối giao thương, ký kết hợp đồng thu mua, bao tiêu nông sản để phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn; giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm được nhanh chóng và ổn định.

Ngoài ra, TPHCM tạo điều kiện đưa hàng hóa của các địa phương vào hệ thống các chợ đầu mối, hệ thống phân phối; hỗ trợ nông dân, nhà vườn, hợp tác xã các tỉnh, thành tham gia kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến thương mại tại TPHCM. 

* PHÓNG VIÊN: Chương trình Bình ổn thị trường thành phố những năm qua đã phát huy tác dụng, góp phần làm “hạ nhiệt” mỗi đợt cao điểm sốt giá. Tuy nhiên, trước tình hình giá cả tiếp tục leo thang trong bối cảnh xăng dầu tăng mạnh, chương trình này liệu còn phát huy tác dụng?

- Nhiệm vụ đầu tiên của Chương trình Bình ổn thị trường trong giai đoạn đầu là không để một số đối tượng tung tin đồn thất thiệt, đầu cơ, găm hàng, trục lợi, gây bất ổn thị trường. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp sản xuất, phân phối, thực hiện hiệu quả công tác bình ổn thị trường. Đến nay, chương trình đang điều tiết thị trường bằng công cụ thị trường; như đã nói là các giải pháp đảm bảo nguồn cung, đảm bảo lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hệ thống phân phối…

Triển khai hiệu quả các nội dung trên, chúng tôi tin rằng sẽ thúc đẩy xây dựng, duy trì thị trường lành mạnh, ổn định, cân đối cung cầu. Đồng thời, cùng với sự đồng hành, tinh thần trách nhiệm cộng đồng của các doanh nghiệp, mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận hàng bình ổn thị trường có chất lượng và giá cả hợp lý.

Đẩy nhanh gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp

Ở Việt Nam, bắt đầu giữa năm 2021, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây gián đoạn hàng loạt chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu do đứt gãy, chi phí vận chuyển, logistics tăng cao. Sang đầu năm 2022, tình hình tiếp tục bất ổn khi chiến sự Nga và Ukraine đã đẩy giá dầu thế giới tăng mạnh, kéo theo giá xăng dầu trong nước buộc phải điều chỉnh tăng liên tục và hiện đã chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít xăng. 


Để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế, nhiều nước trên thế giới đã không ngần ngại “bơm tiền” vào thị trường, khiến cho tình hình lạm phát có nguy cơ tăng cao. Tại Việt Nam, nhiều nhận định của các chuyên gia cho thấy, với tình hình hiện nay sẽ tác động và đẩy lạm phát trong nước từ nay đến cuối năm tăng mức 4%-5%.

Trước tình hình này, để duy trì ổn định giá cả hàng hóa trong nước, một mặt Chính phủ và các cơ quan chức năng triển khai nhanh giải pháp giảm thuế, phí xăng dầu, kết hợp khơi thông nguồn cung xăng dầu. Giải pháp này ngay lập tức đẩy lùi phần nào tác động lên tăng giá hàng hóa. Song song đó, Chính phủ đẩy nhanh việc triển khai gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần thực hiện lọc kỹ đối tượng được hưởng ưu đãi từ gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ. Việc gói hỗ trợ tài chính đến nhanh, đến đúng doanh nghiệp sản xuất vào thời điểm này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nội lực tăng tỷ lệ nguồn nguyên liệu tồn kho, giảm nguy cơ tăng giá hàng hóa vì phải nhập nguyên liệu có giá cao.

Ông VÕ TRÍ THÀNH 
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thương hiệu và Cạnh tranh

Tin cùng chuyên mục