TPHCM hỗ trợ người dân các phường mới đổi giấy tờ

Người dân ở các phường tại TPHCM phải sắp xếp theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM) đề nghị được cấp một quyết định thay đổi tên địa giới hành chính. Việc này nhằm tạo thuận tiện đối chiếu cho các hồ sơ thủ tục hành chính về sau.
Người dân làm thủ tục hành chính tại phường 6 (quận 3) - phường sẽ được sáp nhập với phường 7, 8 để thành phường Võ Thị Sáu. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người dân làm thủ tục hành chính tại phường 6 (quận 3) - phường sẽ được sáp nhập với phường 7, 8 để thành phường Võ Thị Sáu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ổn định bộ máy, sắp xếp cán bộ dôi dư

Ngày 14-1, Quận ủy các quận 3, quận Phú Nhuận (TPHCM) đã chính thức công bố quyết định thành lập Đảng bộ các phường mới (từ việc sắp xếp các phường cũ theo Nghị quyết 1111). Cùng với đó là chỉ định nhân sự tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy các phường mới.

Theo Nghị quyết 1111, ở TPHCM có 19 phường (ở các quận 2, 3, 5, 10 và Phú Nhuận) phải sắp xếp do không đủ tiêu chuẩn về dân số và diện tích. Đến nay, ngoài 4 phường Bình Khánh, An Khánh, Bình An và Thủ Thiêm ở quận 2 sẽ thực hiện sắp xếp theo lộ trình của TP Thủ Đức thì các quận 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận đã từng bước thành lập tổ chức đảng, bộ máy chính quyền cùng tổ chức chính trị - xã hội để các phường mới chính thức hoạt động theo lộ trình đã được xác định.

Trong đó, tại phường Võ Thị Sáu thuộc quận 3 (được sáp nhập từ các phường 6, 7, 8), hôm nay (15-1), HĐND phường sẽ tổ chức kỳ họp thứ nhất, bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và thành viên của UBND phường. Đồng chí Phạm Thành Kiên, Bí thư Quận ủy quận 3, nhấn mạnh, đây là các hoạt động cụ thể để hình thành bộ máy với đầy đủ nhân sự, tạo điều kiện cho phường Võ Thị Sáu chính thức hoạt động từ ngày 4-2.

Dù vậy, khi sáp nhập sẽ dôi dư một lượng lớn cán bộ, công chức. Đơn cử, nhân sự tại phường Võ Thị Sáu sẽ trên 80 người, vượt nhiều so với mức tối đa được phép (là 37 người - PV). Bí thư Quận ủy quận 3 Phạm Thành Kiên cho biết, trước mắt khi sáp nhập thành phường mới sẽ nhập toàn bộ cán bộ, công chức ở các phường. Quận sẽ có phương án sắp xếp cán bộ, công chức theo lộ trình để nhân sự ở phường mới giảm về đúng biên chế được phép.

Trong khi đó, tại quận 10 sau khi sáp nhập phường 2 và 3 (thành phường 2 mới) sẽ có 23 trường hợp dôi dư. Quận đã có kế hoạch giải quyết như bố trí 3 công chức dôi dư vào vị trí việc làm còn thiếu ở các phường khác (quận đang thiếu 40 công chức phường). Đối với cán bộ không chuyên trách dôi dư thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.

Đối với 9 cán bộ phường dôi dư, quận sẽ vận động các trường hợp lớn tuổi nghỉ việc theo quy định và sắp xếp, bố trí các trường hợp còn lại. Trưởng phòng Nội vụ quận 10 Trương Hoài Phong cho biết, phòng tham mưu quận kiện toàn các chức danh cán bộ lãnh đạo phường mới. Một số cán bộ dôi dư sẽ được xét chuyển thành công chức phường, quận (nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn). Song điểm khó là cán bộ phường có thời gian công tác từ đủ 5 năm trở lên mới đủ điều kiện xem xét chuyển thành công chức phường, quận. Do vậy, quận kiến nghị TPHCM, Trung ương có cơ chế đặc cách để những trường hợp này được xét chuyển sang công chức phường nếu họ đủ tiêu chuẩn khác về chức danh.

Tạo thuận tiện cho người dân

Theo thống kê, dân số ở 19 phường được sắp xếp theo Nghị quyết 1111 có hơn 170.000 người. Điều này đồng nghĩa với việc kể từ ngày các phường mới chính thức hoạt động sẽ có những tác động, ít nhất về giấy tờ, hồ sơ cá nhân đối với những trường hợp đã nêu.

Tại quận 3, Chủ tịch UBND quận 3 Võ Văn Đức thông tin, theo kế hoạch, ngày 4-2, phường Võ Thị Sáu sẽ chính thức ra mắt. UBND quận đã chỉ đạo trước ngày 1-2, toàn bộ các cơ quan đơn vị liên quan phải thay đổi bảng tên, biển hiệu theo tên phường Võ Thị Sáu. “Các phòng ban chuyên môn cũng được giao hướng dẫn phường Võ Thị Sáu thực hiện tốt việc điều chỉnh giấy tờ liên quan do thay đổi tên, đơn vị hành chính và không thu phí từ việc điều chỉnh này”, Chủ tịch UBND quận 3 Võ Văn Đức khẳng định.

Chia sẻ thêm với PV Báo SGGP, Bí thư Đảng ủy phường Võ Thị Sáu Nguyễn Hùng Hậu cho biết, ngay khi phường chính thức đi vào hoạt động thì một ưu tiên hàng đầu là đảm bảo công tác giải quyết hồ sơ, giấy tờ của người dân ở phường được liên tục, không bị gián đoạn. Đồng thời phường sẽ bố trí các tổ công tác để thực hiện điều chỉnh, hỗ trợ người dân chuyển đổi, điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ do thay đổi địa giới hành chính.

Trưởng Công an quận 3 Trần Hồng Minh cũng khẳng định, công an quận đã có kế hoạch trong việc chuyển đổi các giấy tờ liên quan thuộc thẩm quyền (CMND, CCCD hoặc hộ khẩu) khi người dân phường Võ Thị Sáu có yêu cầu. Theo đó, sau khi phường Võ Thị Sáu chính thức thành lập, các tổ công tác của công an quận sẽ đến các khu phố của phường để cấp CCCD có gắn chip (CMND của người dân hết hạn) cũng như chuyển đổi giấy tờ, cấp giấy xác nhận vào các giấy tờ liên quan để người dân thuận tiện trong giao dịch.

Dù vậy, nhiều người dân vẫn đề nghị có thêm giải pháp tạo thuận lợi nhất để họ dễ dàng làm lại hồ sơ, giấy tờ. Bà Hà Thị Lệ (ngụ tại phường 3 và nay là phường 2, quận 10) kiến nghị sau khi sắp xếp, chính quyền địa phương cần cấp một quyết định thay đổi tên địa giới hành chính cho người dân có nhu cầu. Việc này nhằm tạo thuận tiện đối chiếu cho các hồ sơ thủ tục hành chính về sau.

Chủ tịch UBND quận 10 Vũ Anh Khoa cho biết, quận đã giao Phòng Tư pháp quận nghiên cứu, xin ý kiến Sở Tư pháp TPHCM về việc cấp giấy xác nhận cho người dân ở phường thuộc diện sáp nhập để thuận tiện hơn khi làm các thủ tục hành chính. “Chẳng hạn như quận hoặc phường cấp cho công dân phường 3 (sáp nhập vào phường 2) giấy xác nhận bị ảnh hưởng do sáp nhập phường, để các đơn vị khi giải quyết hồ sơ nhận biết đây là trường hợp không thu lệ phí chuyển đổi giấy tờ”, Chủ tịch UBND quận 10 Vũ Anh Khoa chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục