(SGGP).- Ngày 5-5, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải bằng phương pháp đốt phát điện.
Về vấn đề này, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết, hiện có rất nhiều công nghệ xử lý rác bằng phương pháp đốt phát điện. Riêng tại thành phố, đang vận hành nhà máy xử lý rác bằng phương pháp đốt phát điện do Chính phủ Hà Lan tài trợ tại bãi xử lý rác Gò Cát của TPHCM. Nhà máy này có công nghệ xử lý rất hiện đại và hoàn toàn có thể mở rộng quy mô sản xuất.
Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM cũng đề xuất chủ trương xây dựng nhà máy xử lý đốt rác phát điện công suất 1.000 tấn/ngày. Trên thực tế, hiện tỷ lệ rác công nghiệp chiếm 15% - 20% trong tổng lượng rác thải sinh hoạt, rất thuận lợi để thực hiện đốt rác phát điện.
Tại cuộc họp, Tổng công ty Điện lực TPHCM thông tin thêm, cách đây 5 năm, giá thu mua điện sạch nói chung chỉ khoảng 4cent/kWh. Tuy nhiên, hiện giá này đã được nâng lên hơn 10cent/kWh. Và giá thu mua điện từ rác là cao nhất trong tất cả các nguồn năng lượng sạch, nên rất thuận lợi cho các công ty muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Mặt khác, các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch cũng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về vốn, thuế và diện tích đất theo quyết định 34 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà nhấn mạnh, tổng lượng rác tại thành phố khoảng 7.000 tấn/ngày, và sẽ còn tăng nhiều trong thời gian tới. Về lâu dài, giải pháp đốt rác phát điện là giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tốt nhất, tăng nguồn điện sạch cho TP. Vì vậy, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, theo đó, lãnh đạo TP đã giao Sở Công thương xây dựng chương trình phát triển điện từ rác thải, nghiên cứu bổ sung điều chỉnh quy hoạch sản xuất năng lượng sạch, trong đó có sản xuất điện từ rác; giao Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và Tổng công ty Điện lực TPHCM nghiên cứu đề xuất về mặt công nghệ, giá thành thu mua, địa điểm xây dựng nhà máy và cách thức hòa điện vào lưới.
MINH XUÂN
Các tin, bài viết khác
-
Hơn 141.000 tỷ đồng cam kết và ghi nhớ đầu tư vào Quảng Bình
-
Quảng Bình: Phê duyệt danh mục 62 dự án kêu gọi đầu tư với gần 95.000 tỷ đồng
-
TPHCM đề xuất 8 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài
-
Chờ quyết định cơ chế phát triển điện gió, điện mặt trời
-
Nghệ An không phát triển thêm dự án thủy điện
-
Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25%
-
Bình Dương thu hút gần 1,85 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài
-
Bình Phước tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020
-
Doanh nghiệp Đức đầu tư nhà máy 100 triệu USD vào Bình Định
-
Ký kết gói thầu thi công Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng