TPHCM: Tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

Chiều 26-5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp báo định kỳ dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Chỉ đạo. 

Thông tin về công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, sở đã tham mưu cho UBND TPHCM chỉ đạo 21 quận huyện và TP Thủ Đức tuyệt đối không được lơ là với dịch bệnh và phải quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và của ngành. Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là trường hợp về từ các quốc gia đang lưu hành dịch đậu mùa khỉ. Các cơ sở y tế tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ (theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới - WHO). Khi phát hiện ca nghi mắc, cơ sở y tế báo cáo ngay sở y tế để phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur TPHCM chẩn đoán các ca bệnh. Các biện pháp phòng chống bệnh tạm thời như: tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, không tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh; thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường; che miệng khi ho, hắt hơi…  

Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong năm 2021, thành phố trải qua các đợt bùng phát dịch Covid-19 dẫn đến hoạt động tiêm chủng mở rộng cho trẻ gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến tỷ lệ tiêm chủng của trẻ còn thấp, đặc biệt là tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh sởi, DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) dẫn tới nguy cơ bùng phát các dịch bệnh này.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, hiện lô vaccine sử dụng để tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi là vaccine Moderna được phân bổ đợt 144 (do Chính phủ Australia viện trợ). Với lô vaccine này, ngành y tế thành phố đang triển khai tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi, đối với trẻ đi học được tiêm tại trường học, trẻ không đi học thì tiêm tại các điểm tiêm cộng đồng trên địa bàn quận, huyện. 

Ngày 26-5, để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong khi số người mắc bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục tăng cao tại nhiều nước trên thế giới, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh thành tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CHDC Congo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, CH Congo, Sierra Leone và Nam Sudan).

Theo cập nhật mới nhất từ WHO, bệnh đậu mùa khỉ thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh 5-21 ngày (thường là 6-13 ngày). WHO định nghĩa các ca bệnh mắc đậu mùa khỉ cụ thể như sau: bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau kể từ ngày 13-5: đau đầu, sốt (> 38,5oC), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, suy nhược.

Tin cùng chuyên mục