
Hơn 14 năm qua, từ sau ngày tái lập tỉnh (1992), Trà Vinh có nhiều nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội, đạt được những thành tựu quan trọng. Kinh tế phát triển toàn diện với nhịp độ tăng trưởng khá.
- Chú trọng những trọng điểm kinh tế lớn

Giao thông thủy ở Trà Vinh phát triển mạnh.
Là tỉnh thuần nông, kinh tế nông nghiệp và thủy sản vẫn đóng vai trò chủ đạo. Nhận thức rõ điều này, Trà Vinh ưu tiên làm thủy lợi: đắp hàng trăm kilômét đê sông, đê biển, xẻ kênh cấp 1, 2, 3, kênh nội đồng, quy hoạch, phân vùng... Từ đó, hàng chục ngàn hécta đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang nuôi tôm sú và các loại cây, con khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Quan điểm của Trà Vinh trong phát triển nông nghiệp là chuyển dịch theo hướng tích cực, có hiệu quả. Các nhà khoa học tại địa phương rất thành công trong việc nhân giống lúa cao sản, chất lượng cao. Từ năm 2000 tới nay, diện tích lúa tuy giảm nhưng sản lượng lúa hàng năm vẫn đạt trên 1 triệu tấn/năm, gấp 2 lần so với năm 1992 khi mới tái lập tỉnh.
Trà Vinh có gần một nửa diện tích nằm trong vùng bị nhiễm mặn. Thời bao cấp, cây lúa chiếm ngôi vị độc tôn. Các vùng nhiễm mặn của Duyên Hải, Trà Cú, Cầu Ngang làm ăn không mang lại hiệu quả cao thì công cuộc đổi mới trong xu thế chuyển dịch là lợi thế. Các vùng này đều chuyển sang nuôi tôm sú với các mô hình mới mang lại hiệu quả cao. Các vùng nước ngọt như: Châu Thành, Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long, TX Trà Vinh nuôi tôm càng, cá tra, cá ba sa và các loại thủy sản khác cũng cho thu nhập khá.
Trong phát triển công nghiệp toàn diện, Trà Vinh chú trọng công nghiệp chế biến, đặc biệt là tôm đông lạnh xuất khẩu. Năng lực chế biến đạt gần 14.000 tấn tôm đông lạnh thành phẩm/năm. Một số ngành công nghiệp: dược phẩm, đường, cơm dừa nạo sấy, nước khoáng, may xuất khẩu... cũng góp phần lớn vào phát triển kinh tế của tỉnh.
Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như: dệt chiếu, thảm lác xuất khẩu... cũng mang lại nhiều lợi nhuận. Trà Vinh rất ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, làm giao thông, kéo điện phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. 100% số xã, kể cả cù lao đã có điện. Nâng cấp và làm mới 3.000 km đường giao thông, trong đó có 600 km đường nhựa, 1.150km đường nông thôn được đổ bê tông. Các mặt kinh tế- xã hội khác cũng có những bước phát triển đáng mừng.
- Phá thế đường cùng - Giải pháp tăng tốc độc đáo

Đường vào thị xã Trà Vinh.
Thành quả đạt được trong công cuộc đổi mới của Trà Vinh rất đáng trân trọng. Nhưng nhìn lại, Trà Vinh vẫn còn nhiều khó khăn, khiếm khuyết. Trà Vinh có rất nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp và thủy sản nhưng tốc độ tăng trưởng chưa đạt yêu cầu.
Khu vực thương mại, dịch vụ, du lịch chưa khai thác được nhiều. Kết cấu hạ tầng kinh tế còn yếu. Đó cũng là do nguồn lực đầu tư thấp. Chiến lược xây dựng con người chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trà Vinh xác định nhiệm vụ 5 năm tới (2006-2010) và những năm tiếp theo là: Mở hướng đi mới, phá thế đường cùng, tạo thời cơ phát triển. Quốc lộ 53 dài 168km là đường độc đạo, dù được nâng cấp nhưng đoạn đi qua Trà Vinh dài 126 km rất hẹp, hệ thống cầu đường yếu kém cần được làm ngay để giải quyết tạm thời việc lưu thông.
Trà Vinh đang đặt tâm điểm vào quốc lộ 60 (từ Trung Lương (Tiền Giang) qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) khi đưa vào hoạt động sẽ rút ngắn được đoạn đường đi TPHCM khoảng 80km. Cặp tuyến đường này sẽ mở ra các khu công nghiệp, khu du lịch và các hoạt động kinh tế- xã hội khác; có thời cơ hợp tác giao lưu với TPHCM và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL thuận lợi.
Trà Vinh ưu tiên nâng cấp quốc lộ 54, các tuyến tỉnh lộ 911, 915... để nối kết với các quốc lộ 53 và 60. Các tuyến đường này rất quan trọng trong việc phục vụ cảng thương mại Trà Cú, nhà máy nhiệt điện chạy than trong tương lai.
Trà Vinh tuy không có quốc lộ 1A đi qua nhưng lại có 65 km bờ biển và hệ thống kênh rạch chằng chịt, rất thuận lợi cho giao thông thủy. Trong chiến lược phát triển giao thông ĐBSCL, Chính phủ và ngành giao thông vận tải đã chuẩn thuận việc đào kênh Quan Chánh Bố qua địa phận Trà Vinh để đưa tàu vài chục ngàn tấn từ biển vào các cảng dọc sông Hậu, đặc biệt là cảng Cần Thơ (Cái Cui). Đây là một thuận lợi lớn cho Trà Vinh trong chiến lược phá thế đường cùng. Trà Vinh đang có nhiều dự án: xây dựng cảng, mở khu kinh tế lớn trị giá 200 triệu USD, khu dịch vụ, du lịch biển và các khu kinh tế-xã hội khác.
Tiềm năng kinh tế của Trà Vinh rất lớn và đa dạng. Trà Vinh tự thân có rất nhiều nỗ lực nhưng nội lực có hạn, đang cần được Chính phủ, các tỉnh, thành, đặc biệt là các nhà đầu tư trong và ngoài nước giúp Trà Vinh phát triển. Trà Vinh mở rộng cửa chào mời với một chính sách ưu đãi thông thoáng.
Lê Bình