Bình luận chủ nhật

Trách nhiệm và bản lĩnh

1/

1/ Phim truyền hình xã hội hóa = phim dở. Đó là suy nghĩ hoàn toàn bất lợi cho việc xã hội hóa phim truyền hình Việt Nam hiện nay trên sóng giờ vàng của HTV. Nhưng cũng xin đừng trách công chúng, bởi đó chính là hậu quả mà đài phải gánh khi bắt đầu cuộc hành trình xã hội hóa thiếu chọn lọc.

Dấu ấn ban đầu thường khó phai, Công ty Lasta đã tung ra những phim lấy từ kịch bản Thái Lan, quay, dựng trong vòng mấy ngày rồi cho lên sóng, mà là sóng giờ vàng (21g), cái giờ rảnh rang nhất sau một ngày làm việc của đại đa số công chúng. Tất nhiên phim được khán giả đón xem nhiều, và tất nhiên là cũng bị phản ứng nhiều nhất…

Báo chí cũng đã tốn khá nhiều giấy mực về những phim giờ vàng này, nhưng mọi thứ rồi cũng trôi qua. Bởi có chê thì cũng chê rồi, có phỏng vấn tới lui người sản xuất, người xem phim thì mọi thứ vẫn chỉ đến thế thôi. Viết mãi đâm nhàm, mà người đọc cũng thấy chán.

Thế nên, Phim Việt cuối tuần của Lasta vẫn tiếp tục vô tư phát sóng hàng tuần, nhưng rõ ràng đã ghi một dấu ấn rất không hay trong suy nghĩ của công chúng: Đãù là loại phim xã hội hóa thì không thể là phim hay. Mặc dù hiện nay, bên cạnh Lasta, cũng có nhiều phim của Công ty khác vào cuộc như “Tuyết nhiệt đới” của Công ty M&T Picture, “Mùi ngò gai” của Công ty Vifa & Media FnC đã thu hút được số công chúng đáng kể…

2/ Luật Điện ảnh quy định trên sóng truyền hình cứ 2 phim nước ngoài phải có một phim Việt. Như vậy, chỉ riêng Hãng Phim truyền hình VN (VFC) thôi mỗi năm phải có từ 800 – 1.000 tập phim, nhưng hiện nay sức của VFC chỉ “chạy nổi” 300 tập. 700 tập còn lại là dành cho chương trình xã hội hóa. Nhưng xã hội hóa cách nào để giữ được chất lượng phim và nhà đài không mang tiếng là “chia lô, bán sóng”. Đó là bài toán khó giải.

Theo ông Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình VN, nếu không muốn đổi bằng quảng cáo thì VTV phải có 160 tỷ tiền mặt để mua phim từ các hãng phim tư nhân, nhưng đó là con số nằm mơ cũng không có !! Vấn đề chính là phải làm thế nào để kéo được quảng cáo về cho phim truyền hình Việt Nam, chứ không phải cho phim Hàn Quốc hay Trung Quốc.

Muốn như vậy, chất lượng phim Việt Nam phải được quan tâm và phải là chiến lược hàng đầu của đài truyền hình. Quảng cáo không tự dưng mà chảy về các phim hay của nước ngoài. Khi các công ty đưa những phim nước ngoài họ mua bản quyền lên sóng, họ bằng mọi cách để đưa thông tin rộng khắp từ mọi phương tiện thông tin đại chúng để lấy được rating (số người xem phim) cao nhất.

Tất nhiên mục đích sau cùng là lấy quảng cáo, bởi số người xem càng đông thì quảng cáo ắt sẽ tự khắc chảy về… Nhưng lâu nay, tại sao phim Việt Nam được làm từ ngân sách nhà nước không hề biết tận dụng điều này, mặc dù cờ đang ở trong tay? Phim của các hãng phim truyền hình, nhất là VFC không hiếm những phim hay, nhưng chỉ được lên sóng một cách âm thầm lặng lẽ, gần như không có thông tin gì cho báo chí.

Báo chí muốn có thông tin phải chầu chực để xin, trong khi những thông tin về các phim nước ngoài thì tràn ngập và được gửi đến tận nơi… Chúng ta tự hỏi và tự trả lời về hai cung cách làm việc rất khác nhau từ hai đơn vị nhà nước và tư nhân để hiểu vì sao phim hay của các hãng phim truyền hình nhà nước vẫn khó lòng thu được quảng cáo.

Muốn phim truyền hình Việt Nam đa dạng và phong phú hơn thì vấn đề xã hội hóa là tất yếu. Nhưng giữ vững được chất lượng phim chính là bản lĩnh và trách nhiệm của mỗi đài truyền hình. Và hơn bao giờ hết, đã đến lúc các Hãng phim truyền hình của nhà nước hãy bước vào trận chiến rating bằng niềm tin chắc chắn về những bộ phim có chất lượng của mình để giành lấy quảng cáo.

Bởi dù trên sóng truyền hình, nhưng đồng tiền của nhà nước đã bỏ ra, cần phải được thu về một cách xứng đáng bằng sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng…

BÍCH CHÂU

Tin cùng chuyên mục