Trách nhiệm và tấm lòng với Đảng

Trách nhiệm và tấm lòng với Đảng

Ngay sau ngày 3-2-2006, ngày BCT BCHTƯ Đảng công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng toàn văn Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội X của Đảng để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, Ban Biên tập Báo SGGP đã nhận được hơn 100 ý kiến gửi về Tòa soạn cùng với 16 ý kiến trên mục “Góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng”. Hơn trăm ý kiến là những tấm lòng trong một tấm lòng gắn bó mật thiết với Đảng kính yêu...

  • Khâu đột phá: Xây dựng và chỉnh đốn Đảng

Trách nhiệm và tấm lòng với Đảng ảnh 1

Sự nhiệt tình đóng góp ý kiến vào bản dự thảo chứng tỏ người dân rất quan tâm và mong chờ sự đổi mới mang tính đột phá tại đại hội lần này của Đảng. Có những ý kiến đồng tình, có những ý kiến chưa đồng tình với những vấn đề đặt ra trong dự thảo, nhưng tất cả đều gặp nhau ở ý thức trách nhiệm rất cao trước vận mệnh của đất nước.

Dù là cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu, là người làm việc trong các cơ quan nhà nước hay người dân bình thường, điều mọi người quan tâm không chỉ là những đóng góp cụ thể mà còn ở tầm rộng lớn hơn. Có người đã trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, tuổi đời và tuổi Đảng khá cao, từng giữ những trọng trách của Đảng và Nhà nước, nhưng cũng có những người còn rất trẻ, chưa từng biết khói lửa của chiến tranh đang hoạt động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bác Nguyễn Đức Trúng, 80 tuổi, là cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên là chiến sĩ đội cảm tử đầu tiên của Khu 5, nguyên Tư lệnh Binh chủng đặc công, hiện nghỉ hưu ở phường 4, quận Phú Nhuận, TPHCM viết: “Tôi vẫn khẳng định nghỉ hưu vì sức khỏe tuổi tác chứ nhất quyết không nghỉ hưu lý tưởng nên tôi thấy việc góp ý để xây dựng Đảng thật trong sạch vững mạnh trong giai đoạn mới vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi thiêng liêng của mình”.

Bức xúc trước tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận đảng viên, kể cả cấp cao, làm cho uy tín của Đảng giảm sút nghiêm trọng, người đảng viên 60 tuổi Đảng ấy cho rằng “Xây dựng và chỉnh đốn Đảng phải là khâu đột phá để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-văn hóa-xã hội, an ninh quốc phòng hiện nay. Muốn vậy, một trong những việc phải làm ngay từ khi tiến hành Đại hội X của Đảng là lựa chọn một BCHTƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư đúng tiêu chuẩn, là những người ưu tú nhất của hơn 2,7 triệu đảng viên”.

Chị Nguyễn Thu An, 36 tuổi, Việt kiều tại Nhật, dù rất bận rộn nhưng khi về thăm thân nhân ở TPHCM cũng tìm gặp Báo SGGP với mong muốn “chỉ để trao đổi về vấn đề cán bộ. Không biết Đại hội của Đảng sắp tới có giải pháp đột phá nào không?”. Chị Thu An viết: “Tôi rất đau xót khi thấy vẫn còn nhiều cán bộ có chức, có quyền tham nhũng, đánh bạc cả triệu USD, coi thường luật pháp, chà đạp lên xương máu của các thế hệ cha anh. Tôi cảm thấy thật lo ngại…”.

  • Sự khác biệt giữa “ông chủ” và “ông chủ đảng viên”?

Một trong những vấn đề được đông đảo bạn đọc quan tâm góp ý, nhiều lúc gay gắt là vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô (KTTN). Đọc bài về vấn đề này của tác giả Trần Trọng Tân trên Báo SGGP, bạn Trần Xuân Linh (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) khẳng định: “Đảng không thể cấm đoán đảng viên làm KTTN được, vì như thế là trái đường lối đổi mới và pháp luật của Nhà nước”.

Đồng quan điểm này, Viện sĩ Nguyễn Chơn Trung (Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM) lập luận: nếu chúng ta cấm đảng viên làm KTTN thì ta vô tình bỏ trống trận địa, để kẻ khác biến họ trở thành lực lượng đối lập với kinh tế nhà nước. Thạc sĩ Đàm Kiến Lập (nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Kiên Giang) đề nghị Đảng “mạnh dạn phát triển Đảng đối với chủ doanh nghiệp… Cần phải mềm dẻo, linh hoạt nhưng không được từ bỏ nguyên tắc của Đảng, tức là thỏa hiệp phải có nguyên tắc như Lênin đã từng dạy”.

Ông Đồng Bá Bạch (quận Bình Thạnh, TPHCM) viết: “Tôi đồng thuận với ý kiến đảng viên được quyền làm kinh tế tư bản tư nhân. Như vậy thể hiện được sự công bằng xã hội giữa người trong Đảng và người ngoài Đảng”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: lợi nhuận của cơ sở sản xuất do đảng viên làm chủ có dôi ra phải chi trả lương, trợ cấp đầy đủ cho người lao động, nghĩa là đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi luật lệ của nhà nước về thuê mướn lao động trong sản xuất kinh tế tư nhân.

Cùng suy nghĩ với ý kiến trên, ông Trịnh Hướng (phường 4, quận Tân Bình) cho rằng: Đảng viên làm kinh tế chính đáng theo pháp luật của nhà nước là đảng viên tốt, đủ tư cách còn nếu ngược lại thì cần thiết phải khai trừ ra khỏi Đảng.

Bên cạnh những ý kiến như trên, Báo SGGP cũng tiếp nhận luồng ý kiến khác xung quanh vấn đề này. Ông Đỗ Xuân May (Ban Tuyên giáo Thị ủy Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) băn khoăn: đảng viên làm kinh tế tư nhân không bị hạn chế về quy mô sẽ nảy sinh mâu thuẫn khi xét trong mối quan hệ với chủ trương, luật pháp. Điều kiện ràng buộc đảng viên làm KTTN có vẻ rất chặt chẽ, nhưng Đảng cần phải lường trước hệ quả mà Các Mác đã cảnh báo: “Khi lợi nhuận là 300% thì nó bất chấp mọi luật lệ, thậm chí đứng dưới giá treo cổ vẫn cứ làm…”.

Bạn Huy Tự (389 Hoàng Văn Thụ Tân Bình) bày tỏ lập trường: “Trước sau tôi vẫn không đồng ý quan điểm trong Đảng có thể có tư bản tư nhân...”.

  • Liệu có sự “khủng hoảng niềm tin tệ hại đến CNXH và lý tưởng cộng sản” ?

Đọc bài “Chú trọng giáo dục làm người, vun bồi văn hóa truyền thống, củng cố niềm tin, lý tưởng XHCN” của tác giả Mai Chí Thọ, chị Nguyễn Ngọc Tuyết Lan (làm việc ở Công ty Tư vấn 4 - Nguyễn Thành Ý, quận 1) thốt lên: “Cám ơn bác Thọ đã viết đầy tinh thần trách nhiệm!”.

Chị Lan đồng cảm: Một xã hội mà ai cũng muốn sống tốt hơn lẽ đương nhiên xã hội đó phát triển nhanh và bền vững hơn. Phải tìm cho ra mẫu số chung của toàn dân tộc để có thể khơi dậy, tập hợp mọi người trong xã hội thành khối thống nhất, phải chăng đó chính là khát vọng độc lập cho dân tộc, sự phồn thịnh cho quốc gia. Thực tiễn đã chứng minh, sự cất cách của dân tộc Việt Nam trong những năm qua đều bắt nguồn từ sức mạnh tinh thần, văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Song cũng có bạn đọc chưa hẳn đã đồng tình hết các nhận định của tác giả Mai Chí Thọ. “Mặc dù đã 79 tuổi, mắt mờ nhiều, song tôi vẫn cố đọc bài của ông Thọ và còn đôi điều phân vân” - ông Nguyễn Văn Thái (ở 54/5 Bạch Đằng, phường 2, Tân Bình) bày tỏ. Ông Thái cảm thấy “bàng hoàng” vì đánh giá “nền giáo dục Việt Nam duy ý chí, tập trung, quan liêu bao cấp”.

Ông Thái cho rằng, giai đoạn này đã “giáo dục, đào tạo từ phổ thông đến đại học một thế hệ góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đấy chứ! Các con tôi ở độ tuổi 40-50 đều được đào tạo thời kỳ đó, nay đều thành đạt và vững vàng về chính trị”. Ông Thái cũng không tán thành cách đặt vấn đề “…đã dẫn đến khủng hoảng niềm tin tệ hại đến CNXH và lý tưởng cộng sản!”.

Ông Thái lý giải: Đảng CSVN đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nên cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tuyệt đại bộ phận nhân dân Việt Nam vẫn một lòng một dạ theo Đảng đến cùng. Nhân dân ta chỉ thiếu lòng tin trong một số lĩnh vực như tham nhũng và tình trạng thoái hóa biến chất của bộ phận cán bộ đảng viên mà thôi.

Ông Thái rất băn khoăn về quan điểm “Tư tưởng văn hóa, triết học phương Đông (Tam giáo, Nho giáo, Phật giáo) phải được cụ thể hóa trong các trường tiểu học”. Theo ông, thứ triết học đó có nhiều điểm hay, nhưng do hạn chế về lịch sử, về giai cấp, nên cũng có những nhược điểm, nếu bê nguyên “phu xướng-phụ tùy”, “quân tử-thần tử” thì không ổn.

  • Đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn

Có thể nói, việc Đảng đưa Dự thảo báo cáo chính trị ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đã tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi, rộng lớn. Nó làm thành dòng chủ lưu thời sự trên các báo, trong đó có báo Đảng của thành phố mang tên Bác suốt một tháng qua.

Như nhận xét của ông Lê Văn Chiểu (thị xã Tân An, Long An): “ Việc đưa Dự thảo báo cáo chính trị ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân là một bước tiến có tính đột phá trên con đường thực thi dân chủ, chứng tỏ Đảng tin ở lòng dân yêu chế độ và năng lực làm chủ của nhân dân trong giai đoạn cách mạng hiện nay”. Không phụ lòng tin của Đảng, nhiều ý kiến “gan ruột”, gai góc nhất đã được gửi tới tòa soạn dưới đủ mọi hình thức: đánh máy, chép tay, gọi điện, fax, gửi thư điện tử…

Có người gửi đến 5 bài góp ý như ông Trịnh Hướng (phường 4, quận Tân Bình). Có người gửi bài xong, về suy nghĩ thấy chưa vừa ý lại viết lại rồi gửi tiếp với lời nhắn: “Tôi có gửi một bài báo góp ý văn kiện Đại hội X, nhưng có một ý đánh máy thiếu. Nay xin gửi bản chính thức. Nếu được chấp nhận cho đăng thì xin đăng bản sau này” (tác giả Tô Bửu Giám). Có người gửi bài rồi còn nhiều lần gọi điện thoại đến báo, kể cả đêm khuya “tôi chợt nghĩ thêm một ý, đề nghị bổ sung trong bài viết đã gửi” (luật gia Phạm Thế Vinh).

Một cán bộ về hưu, viết thư tay gửi báo hôm trước, hôm sau gửi tiếp bài viết đã được đánh máy kèm theo lời nhắn: “Tôi không biết dùng máy tính vì đã lớn tuổi nhưng tôi đã nhờ đứa cháu đem ra tiệm thuê đánh máy lại bài viết hôm qua cho sạch sẽ. Theo lời khuyên của cháu, tôi cũng gửi kèm theo đây đĩa mềm lưu lại bài viết để các anh chị tòa soạn tiện sử dụng”. Đến ngày 2-3, vẫn còn nhiều bạn đọc gửi ý kiến góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng.

Bác sĩ Trịnh Minh Tranh (Bệnh viện Gia Định) bày tỏ: “Tôi đã dự định gửi bài góp ý của mình từ tuần trước nhưng vì công việc bận rộn nên chưa có thời gian chỉnh sửa lại bài viết. Tôi biết đến 3-3 là hết thời gian đóng góp. Nhưng tôi vẫn gửi bài này đến báo để các anh chị xem xét, sử dụng, chuyển ý kiến của người dân tới Đảng. Tôi nghĩ, những ý kiến đóng góp của nhân dân với Đảng không bao giờ muộn”.

Ấn tượng nhất với chúng tôi là quyển “tâm thư” của tác giả Đỗ Huy Đăng, 77 tuổi (TP Vũng Tàu). Quyển tâm thư được làm bằng tay, rất công phu dày 60 trang A4. Phần bìa được in đẹp và rất bắt mắt với hình cờ Đảng và cờ Tổ quốc cùng lời hiệu triệu: “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng!”. Tác giả đã tốn rất nhiều công phu cho quyển tâm thư này.

Ngoài những ý kiến của mình, tác giả còn sưu tầm những bài báo hay về công tác xây dựng Đảng; những bài thơ minh họa cho phần đóng góp ý kiến của mình. Trong quyển tâm thư này, tác giả sưu tầm nhiều tài liệu quý giá về các vị lãnh đạo các thời kỳ ở nước ta như đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt… Tất cả đã nói lên sự “nặng lòng” của tác giả đối với Đảng, với truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Có tác giả đã gửi kèm bản góp ý của mình những mảnh thư tay nho nhỏ, bày tỏ với báo những lời tâm huyết của mình về Đại hội Đảng sắp tới, đồng thời cũng không quên những dòng chữ mong chúng tôi lưu ý “chút đỉnh” đến những bài viết của mình: “Nếu đăng được thì… tốt quá!” - tác giả Trần Trọng Huyền (phường 16, quận 8) chân thành.

Trong 1 tháng, với hơn 100 ý kiến góp ý gửi về Báo SGGP, chúng tôi cảm nhận được rằng người dân vẫn luôn trăn trở và nặng lòng cùng Đảng. Những điều được nói ra, cả chuyện mới và chuyện không mới, cả những day dứt, những bức xúc chưa có hướng giải quyết, cả những đau đớn vì sự tha hóa của một bộ phận đảng viên đều chứng tỏ người dân vẫn yêu Đảng biết bao. Đó là một điều hạnh phúc. Và chúng tôi - những người làm báo Đảng - nhịp cầu nối lòng dân với Đảng càng cảm nhận rõ - trong chính thời điểm này, điều hạnh phúc ấy lớn lao đến dường nào.

Như thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo, phường 12 quận Bình Thạnh, TPHCM tin tưởng: “Đảng ta rất cầu thị lắng nghe ý kiến từ quần chúng nhân dân và tất cả sẽ được cân nhắc thận trọng. Tinh thần cầu thị này rất đáng tôn trọng và rất chân thành. Tôi là một người dân bình thường có trái tim yêu nước và rất mong muốn đất nước chúng ta sớm thoát nghèo nàn và lạc hậu, tiến kịp các nước phát triển trên thế giới. Lâu nay tôi rất ngại nói lên những suy nghĩ của mình về những vấn đề nhạy cảm nhưng lần này Đảng ta đã nói là lắng nghe những ý kiến khác nhau. Vì vậy, tôi mạnh dạn và tự tin góp một ý kiến nhỏ vào Dự thảo đợt này”.

Đợt góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị đã tạo ra sự kiện sinh hoạt chính trị rộng rãi, không chỉ cuốn hút đảng viên mà còn cả các tầng lớp quần chúng không phân biệt tuổi tác, giới tính, tôn giáo. Đó cũng là dịp để người dân trực tiếp tham gia chính kiến của mình trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng đất nước và xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Những ý kiến phong phú, đa dạng đó sẽ góp phần làm cho văn kiện trình Đại hội X của Đảng trở thành sản phẩm kết tinh trí tuệ và ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân. Và, thông qua cuộc sinh hoạt chính trị rộng rãi này, một lần nữa, đảng viên và nhân dân có dịp hiểu thêm về Đảng, về đường lối, quan điểm mới của Đảng trong giai đoạn mới, từ đó kiên định các vấn đề có tính nguyên tắc cơ bản là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nêu cao tinh thần xây dựng và ý thức trách nhiệm với sự nghiệp của Đảng.

Tin cùng chuyên mục