Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 26-5-1975, Viện Quân y 175, nay là Bệnh viện (BV) Quân y 175 ra đời. Sau 40 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, đến nay BV Quân y 175 trở thành BV hàng đầu của Bộ Quốc phòng tại khu vực phía Nam. Để có sự trưởng thành vượt bậc ấy, đã có biết bao thế hệ y bác sĩ mặc áo lính của BV đã đóng góp công sức, trí tuệ và cả trái tim người lính…
Nhiệt huyết tuổi trẻ
Thế hệ chúng tôi, ai cũng tràn đầy nhiệt huyết và khát vọng tuổi trẻ cháy bỏng. Khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường thì chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, chúng tôi nô nức làm đơn tình nguyện nhập ngũ nhưng chưa đủ tuổi. Ngày ấy những học sinh khá giỏi rất tự hào được thi tuyển vào các trường quân sự. Tôi đã may mắn trúng tuyển vào Học viện Quân y và học tập với tinh thần “Nhà trường hướng ra chiến trường” để khi Tổ quốc cần tất cả sinh viên chúng tôi sẵn sàng lên biên giới phía Bắc chăm sóc sức khỏe cho thương bệnh binh.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao quên được kỷ niệm đau thương về một lần lên chốt biên giới phía Bắc đóng trên đồi 201 (thuộc bản Phia Cáy, xã Tà Lùng, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng). Sau nửa ngày leo lên chốt đóng cheo leo trên núi, chúng tôi gặp 6 chiến sĩ còn rất trẻ đang ôm súng giữ chốt biên giới của ta. Trước tinh thần dũng cảm bảo vệ Tổ quốc của những người lính trẻ, chúng tôi không khỏi xúc động, tự hào.
Khám sức khỏe cho bộ đội xong, chiều vừa về đến đơn vị, chúng tôi bàng hoàng nghe tin: tất cả 6 chiến sĩ trẻ mà chúng tôi mới gặp hồi sáng đã hy sinh vì pháo giặc! Với cảm xúc đau thương dâng trào, tôi đã gửi tình cảm vào bài hát Đồi 201 viết về sự hy sinh lẫm liệt của các anh. Năm 1999 bài hát này đoạt Huy chương vàng tại một hội diễn nghệ thuật quần chúng.
Nhớ những ngày đầu về BV Quân y 175, tôi chứng kiến cảnh nơi đây còn lạ lẫm, cây cối um tùm. Chiều chiều từng đàn cò trắng bay về làm tổ. Lũ rắn còn bắt chim trên cây. Cơ sở vật chất của BV đều do chế độ cũ để lại, ta hầu như chưa trang bị được gì vì phải tập trung nhân lực, vật lực cho chiến trường bảo vệ biên giới. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, BV phải dành thời gian tổ chức sắp xếp lại hệ thống làm việc, bộ máy lãnh đạo chỉ huy, tổ chức nhân sự, dọn dẹp vệ sinh môi trường và chăm sóc số lượng lớn thương phế binh ngụy để lại. Khi tiếp quản BV, với tinh thần nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, đội ngũ y bác sĩ BV Quân y 175 vẫn tiếp tục chữa bệnh cho các thương bệnh binh ngụy cho đến khi họ hồi phục sức khỏe thì cho về đoàn tụ với gia đình.
Công việc thời hậu chiến tuy thầm lặng nhưng hết sức gian khổ nặng nề, cho đến khi công việc tiếp quản BV tạm ổn thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, lúc này BV Quân y 175 lại phải dồn toàn bộ sức lực cho chiến trường Campuchia. Ban Giám đốc BV vừa phải cử các y bác sĩ ra chiến trường, vừa phải đảm bảo điều trị cho hàng trăm thương binh nặng của ta từ chiến trường chuyển về. Lúc đó BV phải tận dụng một số thuốc men do chế độ cũ để lại để chữa bệnh cho bệnh nhân.
Thế nhưng về sau thuốc men cũng cạn dần, máy móc trang thiết bị y tế của chế độ cũ để lại cũng bắt đầu xuống cấp hư hỏng nặng, cộng với những khó khăn chồng chất về kinh tế khiến chúng tôi thấm mệt. Lúc đó tổ chức Đoàn Thanh niên chúng tôi nảy ra sáng kiến làm thêm “kinh tế phụ” như: bán báo, bán bánh mì, sữa chua… ngay trong BV để gây quỹ hoạt động Đoàn.
Từ năm 1977 - 1989, BV Quân y 175 tập trung phục vụ chiến trường Campuchia và cứu chữa thương bệnh binh nặng từ chiến trường biên giới Tây Nam chuyển về. Thời điểm đó, có khi 1 lọ thuốc kháng sinh đặc hiệu để chữa bệnh nhiễm trùng cho bệnh nhân cũng không có khiến nhiều người không qua khỏi.
Trong những năm tháng khắc nghiệt ấy, có lúc chúng tôi đành phải bất lực nhìn đồng chí đồng đội của mình hy sinh chỉ vì thiếu thuốc và phương tiện y tế để chữa bệnh. Thế nhưng khó khăn gian khổ đến mấy chúng tôi cũng chịu được, chỉ đau đớn, kinh hoàng không gì bằng là khi phải đích thân mang cuốc xẻng lên Thủ Đức đào huyệt chôn các liệt sĩ mà mình không thể cứu được…
Dẫu vậy, cuối cùng chúng tôi cũng vượt qua tất cả mọi khó khăn thử thách. Hôm nay ngoảnh đầu nhìn lại, ai nấy không khỏi tự hào vì được sống, chiến đấu trong thời khắc bi tráng đầy máu lửa ấy để rồi lớn lên cùng đất nước. Bằng ý chí, nghị lực và sức sáng tạo của đội ngũ y bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu và BV Quân y 175, hàng ngàn bệnh nhân đã được chúng tôi cứu sống, trong đó có đông đảo đồng bào, đồng chí chiến đấu dũng cảm tại các chiến trường.
Với chiến công trên mặt trận cứu người, Khoa Hồi sức cấp cứu và BV Quân y 175 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng Đại tá, BS Lê Kim Hà, nguyên Chủ nhiệm Khoa HSCC cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sống và làm việc tại một tập thể Anh hùng, tôi thấy mình càng phải phấn đấu rèn luyện không ngừng.
Đổi mới toàn diện
Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, từ năm 1990, BV Quân y 175 cũng bắt tay thực hiện đổi mới toàn diện BV cả về con người lẫn cơ sở vật chất. Từ năm 2001-2005, chúng tôi bắt tay xây dựng BV đạt chuẩn loại A tuyến cuối và xây dựng Trung tâm Nghiên cứu y học quân sự của Bộ Quốc phòng ở phía Nam, trong đó năm 2003, nhận thấy vai trò quan trọng của BV, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đã quyết định chuyển BV Quân y 175 trở thành BV trực thuộc Bộ Quốc phòng. Lúc này BV được đầu tư thuốc men, trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
“Hết cơn bĩ cực đến ngày thái lai”, khoảng 10 năm trở lại đây (2004 - 2014), BV được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đầu tư mạnh mẽ trên các phương diện để tạo điều kiện thuận lợi cho BV khởi sắc. Đến nay, BV đã kiện toàn thành một BV đa khoa hoàn chỉnh được xếp hạng A trong ngành y tế với cơ cấu 56 khoa phòng ban với hơn 1.000 giường bệnh và 1.400 nhân viên đảm bảo khám chữa bệnh cho bộ đội các tỉnh thành phía Nam từ Đà Nẵng đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Nam bộ và làm nhiệm vụ đặc biệt là chi viện cho quần đảo Trường Sa.
Đáng chú ý, sau hơn 20 năm phục vụ tại Trường Sa, từ một tổ y bác sĩ với phương tiện thô sơ, đến nay BV Quân y 175 đã xây dựng được hẳn một bệnh xá tại Trường Sa khá khang trang, phương tiện khám chữa bệnh khá đầy đủ, với đội ngũ hơn 10 y bác sĩ có tay nghề cao, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và người dân trên đảo, đồng thời khám chữa bệnh kịp thời cho ngư dân.
Mới đây, BV Quân y 175 đã đầu tư trang thiết bị, hệ thống truyền hình trực tuyến (Telemedicine) cho bệnh xá để kịp thời cứu sống hàng chục bệnh nhân trên đảo mỗi năm. Giờ đây Bệnh xá Trường Sa đã thực sự trở thành địa chỉ đáng tin cậy của cán bộ, chiến sĩ và ngư dân đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và đánh bắt cá tại quần đảo Trường Sa.
Có được một BV Quân y 175 đứng vị trí hàng đầu các tỉnh thành phía Nam như ngày hôm nay, tôi luôn thầm cảm ơn các thế hệ đàn anh đi trước đã dày công vun đắp. Cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và đặc biệt là các cấp chính quyền và nhân dân TPHCM. Nhiều người hỏi tôi vì sao bám trụ bệnh viện suốt mấy chục năm trời? Tôi thực lòng đáp: “Tôi ở lại BV chỉ vì khát vọng muốn xây dựng BV Quân y 175 xứng tầm trong khu vực của quân đội ta ở phía Nam và cả khu vực Đông Nam Á…”. Với khát vọng đó, tôi luôn trăn trở làm sao xây dựng cho được một BV có quy mô và tầm vóc tương xứng với nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời phải đảm bảo chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xảy ra.
Với nhiệm vụ quan trọng này, người bác sĩ mặc áo lính chúng tôi vừa phải huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa phải đảm bảo chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho toàn bộ lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo và thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế với các nước bạn. Với cương vị là người đứng đầu BV, từ năm 2012, tôi chỉ đạo thực hiện bước đột phá mới trong đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện đi học ở các BV trong và nước ngoài để có một đội ngũ thầy thuốc giỏi, làm chủ các trang thiết bị hiện đại, hội đủ sự cầu thị, trách nhiệm và y đức. Với nhiệm vụ học tập mới mẻ và khó khăn này, các bác sĩ không ai được phép nói không mà phải chấp hành theo mệnh lệnh trái tim.
Thấy một bác sĩ mặc áo lính như tôi phải đảm nhiệm một khối lượng công việc nặng nề như vậy, nhiều người hỏi tôi có quá sức không? Tôi đáp ngay: “Những lúc mệt mỏi, tôi giải tỏa bằng thể thao và âm nhạc. Đáng mừng, bên cạnh tôi còn có một đội ngũ cán bộ cộng sự đầy nhiệt huyết, năng lực và tận tâm, yêu nghề đã giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ…”. Với tinh thần: “Giỏi về y thuật, sâu về y lý, sáng về y đức” tôi tin vào các đồng nghiệp của tôi, tin vào sự phát triển của BV trong tương lai. Hàng năm, tôi đều ra Trường Sa, mỗi chuyến đi đều để lại trong tôi một tình yêu biển đảo mãnh liệt và tôi đã viết tặng các chiến sĩ của tôi một số ca khúc về con người, cuộc sống của Trường Sa thân yêu. Với tôi, dù ở bất cứ cương vị nào, tôi cũng làm việc bằng trái tim người lính để luôn xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.
Thiếu tướng, PGS-TS-BS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175
MINH NGỌC (ghi)