Trăm năm qua rồi, Ngã Bảy, “cánh đồng sậy” hoang vu ngày nào đã trở thành một đô thị loại 3 trù phú ven bờ sông Hậu.
Bến xưa phố mới
Mới 9 giờ, bến tàu Ngã Bảy đã có hàng chục ghe tàu lớn nhỏ neo đậu. “Đang đợi nước lớn mới thả ra Cái Côn, sang Trà Ôn, Măng Thít, đổ về Tiền Giang rồi lên thành phố. Ngã Bảy đẹp hơn trước nhiều lắm”, Sáu Phong, chủ chiếc ghe kềnh càng chở gần 50 tấn, cởi mở. Gần 20 năm lấy sông làm nhà, Sáu Phong rong ruổi khắp sông nước Nam bộ nhưng vẫn nặng tình với bến sông này.
“Đây là nơi xôm tụ nhất của chợ nổi Ngã Bảy xưa, trước khi chợ dời về Ba Ngàn (năm 2005). Hơn 30 bến đò ngang, gần 300 đò chèo, chưa kể tàu ghe lớn lúc đó”, chị Sáu Lệ, chèo đò từ những năm 1979 - 1980 nhớ lại. “Chợ nổi giảm sút nhưng chợ đầu mối trên bờ “sung” hơn, ì xèo đến sáng”, ông chủ tiệm Thanh Tâm, nhà ngay bến sông cho biết. Hàng ngày, cứ khoảng 10 giờ đêm, ghe chở nông sản từ các tỉnh miệt dưới theo ngả Cái Côn, Búng Tàu, Hàng Dương... lại tụ về. Từ đây, trên 500 chiếc xe máy rồi xe tải nhận hàng tỏa đi các chợ; gần thì Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng; xa thì lên TPHCM hay qua Campuchia.
Bến sông Ngã Bảy hôm nay
Nhờ vị thế, Ngã Bảy vẫn là điểm nhấn trong hải trình của cánh thương hồ. Ngã Bảy từng điền tên vào kỷ yếu du lịch của người Pháp từ những thập niên 1930 - 1940. Và càng sâu đậm hơn trong lòng người Nam bộ bởi giọng ca huyền hoặc của “Đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn với Tình anh bán chiếu. Một dự án hơn 35 tỷ đồng bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy sẽ triển khai, lấp đi khoảng trống vắng “trọn đời không phai” của bến sông xưa.
Hình bóng đô thị sông nước ngày thêm rõ nét. “Từ khi chuyển lên thị xã đổi thay nhiều lắm, rõ nhất ở bến sông này”, ông Vũ Đăng Khoa, dân bản địa, xác nhận. Toàn bộ khu nhà sàn ọp ẹp cùng cái chợ lép nhép đầy nước cặp bến biến mất. Đường Trần Hưng Đạo ngang bến sông được tráng nhựa, lát đá, kè bờ, đặt cột điện thẳng tắp; nhà cao tầng, tiệm buôn san sát, sạch sẽ, thoáng đãng. Con đường này hợp với đường Bạch Đằng, Lê Lợi thành khu vực buôn bán nhộn nhịp nhất nhì thị xã Ngã Bảy. Hầu hết các con đường nội ô đều được cải tạo, nâng cấp. Siêu thị Co.opmart mới khai trương đã đạt tổng mức bán lẻ khoảng 66 tỷ đồng. Rồi sẽ có trung tâm thương mại, khu thể dục thể thao, bến xe, bờ kè doi Tân Thới Hòa…
Xây nhà bạc tỷ
|
“Người trong vườn ra mua vật liệu xây dựng, trang trí nội thất ngày càng nhiều. Chơi toàn đồ cao cấp không hà”, Chín Tặng đang hì hụi cùng mấy anh em chuyển đồ từ ô tô xuống ghe nói vậy. “Sống khỏe anh ơi! Trong đó xây nhà bạc tỷ hà rầm. Trúng 1 vụ mía hay cam đã vô mấy tỷ rồi, đất trong đó lại rộng nữa”. Có thâm niên trên bến sông này hơn 10 năm, anh Chín Tặng không bỏ lỡ cơ hội, sắm ghe lớn vận chuyển hàng thẳng vô nhà vườn cho khách hàng.
Ngã Bảy đổi thay thật nhanh, từ vùng sâu đổ ra phố thị. Trên tuyến dân cư vượt lũ Cái Côn hơn 80% nhà ở đã được hoàn thành; hệ thống đê bao khép kín phát huy tác dụng. Đến xã Đại Thành đã thấy “choáng”. Mấy năm trước, ghé thăm “sếp” cũ, phải đi cả buổi bởi “4 bước là nước, 5 bước là cầu”, mệt mỏi lắm. Bây giờ những trục đường liên ấp, liên xã tráng bê tông hay trải nhựa phẳng lỳ, nhà tường san sát. Mới đến giữa năm 2014, toàn xã đã có 18 hộ dân thu nhập mỗi năm từ 1 tỷ đồng trở lên, trên 100 hộ dân thu nhập từ 500 triệu đồng đến gần 1 tỷ, “dưới mức đó thì lền khên”. Đại Thành trở thành xã nông thôn mới (tháng 12-2013) đầu tiên không chỉ của Hậu Giang mà cả khu vực ĐBSCL.
Khó ai ngờ, ở cái xã vùng sâu Tân Thành mỗi mùa nước lên, nông dân xao xác chạy lũ nhưng giờ nhiều nhà tường lộng lẫy đến vậy. Câu lạc bộ làm vườn thu nhập cao chính là “Câu lạc bộ tỷ phú” có 32 hội viên trước đây. “Đặt vậy dân đỡ ngán, dễ thu hút thành viên hơn”, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trương Ngọc Điệp cho biết. Hồi lộ làng còn nhỏ đã có hộ sắm sẵn ô tô, nay trang bị đủ phương tiện để chở cam lên thẳng Tiền Giang, TPHCM… Tháng 8-2014, trong chuyến ghé thăm và làm việc tại đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao sự vươn lên của bà con.
Áo mới Ngã Bảy
Nắng xuân đang phả vào từng con hẻm. Ngã Bảy sôi động, tất bật hơn: Ngày 30-1-2015 tổ chức kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng CSVN; 100 năm hình thành Ngã Bảy; 10 năm thành lập thị xã và công nhận Ngã Bảy trở thành đô thị loại 3. Soạn giả Nhâm Hùng, đạo diễn chương trình nghệ thuật cho biết “sẽ tái hiện có điểm nhấn về thăng trầm, trăm năm Ngã Bảy. Gần 100 diễn viên thể hiện trên 3 tầng sân khấu”.
Đã trăm năm rồi. Năm 1915, chợ nổi Ngã Bảy ra đời sau 10 năm đào kinh Xáng, 7 ngã sông hình thành (Cái Côn, Lái Hiếu, Bún Tàu, Mương Lộ, Xẻo Vông, Xẻo Môn, Mang Cá), trở thành đầu mối giao thông thủy lớn nhất Nam kỳ, tác động mạnh đến thị trường nông sản miền Tây. Ngã Bảy, “ngôi sao Phụng Hiệp”, như người Pháp thường gọi, còn được dự kiến lập thương cảng cho cả vùng Hậu Giang mênh mông ngày trước.
Trăm năm qua rồi, “cánh đồng sậy” hoang vu “Ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng” đã thành một đô thị trù phú. Tỷ lệ đô thị hóa 61% của Ngã Bảy (ĐBSCL là 25%) gây ngỡ ngàng nhiều người, thể hiện quyết tâm và sự đầu tư lớn của địa phương.
“Chúng tôi nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân, trong hầu hết các phong trào. Phát triển nhưng phải giữ cho được nét đặc trưng đô thị vùng sông nước”, ông Trịnh Quang Hưng, Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư thị ủy thị xã Ngã Bảy nhấn mạnh.
VŨ THỐNG NHẤT