Trăm năm sân khấu cải lương: “Ngũ hổ tướng” của cải lương Nam bộ

Với trách nhiệm hồi sinh “cải lương chính thống Nam kỳ” xây dựng trên đất Bắc, năm 1956, đoàn cải lương Nam bộ đã được thành lập. Ngoài một số diễn viên của Đoàn cải lương Tổng cục chính trị chuyển sang như Công Thành, Tấn Đạt, Phi Điểu, Lê Thiện, còn có 5 nghệ sĩ tiên phong, nổi danh trước 1945, đi kháng chiến rồi tập kết ra Bắc, làm nòng cốt. Đây là những tên tuổi tiên phong của sân khấu cải lương Nam bộ thời kỳ đầu. 
Trình diễn cải lương trước năm 1975 ở Sài Gòn. Ảnh: TƯ LIỆU
Trình diễn cải lương trước năm 1975 ở Sài Gòn. Ảnh: TƯ LIỆU

1. Trong “ngũ hổ tướng” này, nghệ sĩ Tám Danh (Nguyễn Phương Danh) là người lớn tuổi nhất. Sinh năm 1901 tại Cần Thơ, theo học đờn ca từ nhỏ ở ban nhạc lễ của xã đến năm 17 tuổi, theo gánh Đồng Bào Nam làm kép phụ rồi lên kép chính.

Ông được đóng chung cùng cô đào lừng danh Năm Phỉ khi được mời về hát cho gánh Phước Cương. Dưới sự chỉ dẫn của thầy tuồng Mười Giảng (Đặng Công Danh), ông thành công trong nhiều vở và đi trình diễn ở hội chợ đấu xảo năm 1931 tại Paris trong vở Xử án Bàng Quý Phi.

Ông tham gia kháng chiến vào năm 1945 và được biên chế trong đơn vị văn nghệ thuộc Ban Tuyên truyền chính trị Khu 8. Sau hiệp định Geneve, ông tập kết ra Bắc. Thời gian đầu ở miền Bắc, ông giữ chức Đội phó Đội cải lương Nam bộ, rồi cùng Ba Du, Triệu An, Ngọc Thới, Đắc Nhẫn, Ngô Văn Du, Hoàng Tuyển, Thanh Tuyền, Chi Lăng, Ngọc Cung, Phạm Ngọc Truyền... tham gia Ban nghiên cứu cải lương do Bộ Văn hóa lập. Đội cải lương Nam bộ trở thành Đoàn cải lương Nam bộ và đây cũng chính là nơi ông gắn bó và tham gia đến cuối đời.

Năm 1959, ông về dạy tại Trường Nghệ thuật ca kịch dân tộc (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), phụ trách bộ môn cải lương của trường. Năm 1960, ông được bầu vào Quốc hội khóa II. Sau đó, ông tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

Khi Đoàn cải lương Nam bộ được thành lập, ông có nhiều đóng góp lớn trong cách tân cải lương, là người đầu tiên đưa môn võ nghệ thuật lên sân khấu này. Nghệ sĩ Tám Danh còn là một võ sư nổi tiếng. Ông đã được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt 1 (năm 1984). NSND Tám Danh qua đời tại TPHCM vào tháng  9-1976.

2. NSND Ba Du là nghệ sĩ cải lương cùng thời với nghệ sĩ Tám Danh. Ông tên thật là Phan Văn Hai, sinh năm 1904, tại Vĩnh Long, trong gia đình có học thức và yêu thích ca nhạc dân tộc.

Theo tác giả Minh Trị (tác giả tác phẩm Bảy gương mặt nghệ sĩ cải lương Nam bộ), NSND Ba Du vào nghề khá sớm, đã có vai trong vở Lục Vân Tiên của soạn giả Trương Duy Toản (năm 1920). Trước năm 1945, ông hát thường trực, qua lại cho 2 gánh Năm Châu và Phụng Hảo, chuyên vai kép độc. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động ở Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Khu 8.

Khi tập kết ra Bắc, ông được phân về đoàn cải lương của Tổng cục Chính trị, sau đó là thành viên nòng cốt gây dựng Đoàn cải lương Nam bộ. Khoảng năm 1958, ông là Phó Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật ca kịch dân tộc và là thành viên Ban nghiên cứu nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ   

Nghệ sĩ Ba Du mất năm 1980, thọ 76 tuổi, được Nhà nước truy tặng danh hiệu NSND vào năm 1984.

3. NSND Dương Ngọc Thạch (Hai  Thạch) tên thật là Dương Văn Được, sinh ngày 15-1-1917 tại xã Đông Sơn (nay là huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang).  Năm 13 tuổi, ông lên Sài Gòn kiếm sống rồi gia nhập gánh hát bội pha cải lương của bầu Thiếc, sau đó gia nhập gánh Tân Thiếu Niên của bầu Ba Đô. Dù nhỏ tuổi nhưng ông đã đóng rất thành công trong những vai “lão gia”. Ông từng đi qua một số đoàn như Bạch Nhựt, Nghĩa Thành… Hai Thạch nổi tiếng với vai Quan Công trong vở Quan Công hiển thánhTrương Phi xin tội ở gánh Phước Tường.

Năm 1945, ông tham gia cách mạng, công tác ở cơ quan tiếp vận Phân liên khu miền Đông và là một trong những nghệ sĩ tham gia vở diễn Trần Hưng Đạo Bình Nguyên của tác giả Trần Bạch Đằng - vở diễn đề tài lịch sử đầu tiên ở vùng kháng chiến miền Đông.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và tham gia vào Đoàn cải lương Nam bộ, liên tục để lại dấu ấn trong các vai Tám Luông (Máu thắm đồng Nọc Nạn), Khuất Nguyên (Khuất Nguyên), Tề Thiên (Mẫu đơn tiên)

Sau năm 1975, cùng Đoàn cải lương Nam bộ, ông trở về TPHCM, với các học trò như Ca Lê Hồng, Thanh Hạp, Thu Vân, Hà Quang Văn, Dương Ngọc Thạch đã đặt nền móng xây dựng nên Khoa Cải lương của Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM). Với những đóng góp to lớn đó, ông đã được phong tặng danh hiệu NSND đợt đầu (năm 1984).

4. NSƯT Tám Củi, nghệ danh là Triệu An, quê ở Tiền Giang, đi theo gánh cải lương từ lúc còn nhỏ. Và đến khi nổi tiếng trên sân khấu Hoa Sen (Bảy Cao), ông quyết định ra bưng biền. 

Ông gia nhập Ban Tuyên truyền Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Khu 8, cùng với Tám Danh, Ba Du, Tư Xe xây dựng những tiểu phẩm kịch phục vụ đồng bào và bộ đội. Rồi ông tham gia vào các vở Trần Hưng Đạo, Anh thương binh về làng (chuyển thể từ truyện ngắn Tính cách Nga) của Đoàn cải lương Khu 7.

Tập kết ra Bắc, nghệ sĩ Tám Củi là thành viên trụ cột của Đoàn cải lương Nam bộ và gây ấn tượng ngay trong vai Lữ Bố (vở Phụng Nghi Đình). Ông tham gia tất cả các kịch mục của đoàn với những vai tính cách, có duyên châm biếm. Từ vai Lữ Bố đến vai thái giám trong Khuất Nguyên, vai nào ra vai nấy.

Ông nhanh trí, quăng bắt cùng bạn diễn tạo nên những tiếng cười sảng khoái cho khán giả. NSƯT Tám Củi, người nghệ sĩ đã tạo ra biết bao tiếng cười cho bè bạn trong đời thường và trên sân khấu cho khán giả, cuối đời đã từ giã cuộc đời vì căn bệnh hiểm nghèo tại trại phong Bến Sắn.

5. NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch, là nghệ sĩ có “số” làm quản lý các đoàn hát và là Trưởng đoàn Cải lương Nam bộ trên đất Bắc, được giới nghệ sĩ TPHCM thương yêu gọi là chú Bảy Bạch. Ông sinh năm 1922, tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, đang là thầy giáo, ông xung phong làm công tác tuyên truyền Nam bộ kháng chiến rồi được cấp trên giao làm Trưởng đoàn kịch Cứu Quốc.

Đây là vai trò quản lý đầu tiên của ông.  Trong thời kỳ này, ông sáng tác một bài hát nổi tiếng là Cương quyết ra đi, được in và phổ biến rộng khắp. Tiếp đó, năm 1951, ông được phân công làm Trưởng đoàn ca kịch Cửu Long Giang.

Tập kết ra Bắc, sau Đại hội Văn công toàn quốc (1-1955) ông được phân công làm Trưởng Đoàn văn công nhân dân Nam bộ rồi sau đó là Trưởng đoàn Cải lương Nam bộ. Đến năm 1971, ông phụ trách đoàn kịch nói Nam bộ thay cho đạo diễn Bích Lâm vào chiến trường. Năm 1975, ông trở về miền Nam, làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TPHCM và là Phó Tổng thư ký Hội Sân khấu TPHCM. Ông là người sáng lập ra Sân khấu thể nghiệm, sau này là Sân khấu nhỏ tại số 5B Võ Văn Tần.

Quản lý các đoàn nghệ thuật luôn là một sự thử thách với các “ông bầu” - nhất là bầu quốc doanh. Tuy vậy, suốt 15 năm làm Trưởng đoàn Cải lương Nam bộ, dù nhỏ tuổi hơn các đàn anh Tám Danh, Ba Du, Tám Củi, Hai Thạch, nhưng ông đã biết dùng tài năng quản lý của mình để phát huy sự đoàn kết, tài nghệ của các nghệ sĩ cải lương Nam bộ tài danh.

Từ đây, những vở diễn cải lương nổi tiếng như Người con gái đất đỏ, Mẫu đơn tiên, Phụng Nghi Đình, Máu thắm đồng Nọc Nạn… với lớp nghệ sĩ trẻ đã làm sống lại nghệ thuật cải lương Nam bộ trên đất Bắc.

Tin cùng chuyên mục