Trăm năm sân khấu dù kê

Ra đời vào thập niên 1920, nghệ thuật sân khấu dù kê đến nay đã có khoảng 100 năm hình thành và phát triển. Đây là loại hình kịch hát độc đáo của cộng đồng người Khmer Nam bộ, được công chúng đón nhận. 

Loại hình nghệ thuật độc đáo

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Trà Vinh, nhận định: “Trải qua khoảng 100 năm hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu dù kê có những đóng góp trên nhiều phương diện, làm phong phú đời sống tinh thần cộng đồng người Khmer Nam bộ, đồng thời tạo nên sự đa dạng các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Sân khấu dù kê còn là kết quả của tinh thần sáng tạo, niềm đam mê nghệ thuật và quá trình tiếp biến văn hóa của người Khmer với các dân tộc Kinh và Hoa ở Nam bộ. Từ đó, nghệ thuật sân khấu dù kê nhanh chóng lan tỏa sang nước bạn Campuchia. Nhiều vở diễn có giá trị đã đi vào lòng khán giả trong và ngoài nước như: Nghĩa tình trong giông tố, Giữ đền Cô Hia, Mối tình Bô pha - Rạng xây…”. 

Trăm năm sân khấu dù kê ảnh 1 Biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê ở Trà Vinh 

Theo TS-nhạc sĩ Sơn Ngọc Hoàng (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng), tính đặc trưng nhất trong loại hình sân khấu dù kê chính là nhân vật “chính diện” đại diện cho chính nghĩa và nhân vật “phản diện” đại diện cho phi nghĩa, sự đen tối... Trong sự đương đầu giữa 2 thái cực đó, cuối cùng chính nghĩa sẽ chiến thắng, phi nghĩa bị tiêu diệt. Nghệ thuật sân khấu dù kê đã toát lên triết lý nhân sinh về sự đấu tranh giữa cái tốt và xấu, cái thiện và ác, cái cao thượng với cái thấp hèn.  

NSƯT Thạch Sung, Phó trưởng Đoàn Ánh Bình Minh, cho rằng, sân khấu dù kê ở ĐBSCL phát triển như hôm nay là nhờ sự giao lưu và tiếp biến văn hóa. Trong quá trình phát triển, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc cùng cộng cư trên địa bàn sẽ dẫn đến sự tiếp nhận các yếu tố nghệ thuật của nhau. Nghệ thuật sân khấu dù kê cũng vậy, trong quá trình giao lưu đã tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật từ các loại hình rô băm, dì kê, hát Tiều của người Hoa và sân khấu cải lương của người Việt… nhằm bổ sung thêm những yếu tố độc đáo, làm phong phú thêm loại hình nghệ thuật của mình.

Chính từ những độc đáo đó mà năm 2014, nghệ thuật sân khấu dù kê được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nỗ lực bảo tồn 
Dù đã 100 năm hình thành và phát triển, tuy nhiên trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, do sự thay đổi về nhu cầu giải trí của người dân, sự bùng nổ của các loại hình giải trí hiện đại, nên cũng như các loại hình sân khấu truyền thống khác, nghệ thuật sân khấu dù kê gặp nhiều khó khăn. Các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội ngày càng thưa dần, trong khi đội ngũ kế thừa chưa được đào tạo bài bản.

Phương thức sưu tầm, lưu trữ và truyền bá hạn chế; việc đầu tư viết kịch bản, dàn dựng, hình thức trang phục, trang trí mỹ thuật của hầu hết vở diễn khá giống nhau, chưa tạo nét đột phá riêng cho từng vở diễn. Việc biểu diễn cũng chưa đáp ứng nhu cầu công chúng, chưa theo kịp nhu cầu thưởng thức, thị hiếu ngày càng cao của người Khmer. 

Theo ông Dương Hoàng Sum, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các ngành chức năng nên sân khấu dù kê ở Trà Vinh được duy trì. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, vì vậy chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Các nhà chuyên môn đề xuất, cần có những giải pháp, hình thức phù hợp trong cộng đồng dân cư, nhất là giới trẻ Khmer. Từ đó, sẽ giúp cho thế hệ trẻ hiểu biết được việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu dù kê của dân tộc mình là điều cần thiết. Các địa phương tăng cường mở lớp truyền dạy nhằm tạo phong trào trong công chúng và phát hiện giới trẻ có năng khiếu, đam mê để tiếp tục đào tạo chính quy trong tương lai. Tổ chức liên hoan, hội diễn sân khấu dù kê định kỳ ở cấp tỉnh, cấp khu vực, để các đoàn có điều kiện giao lưu, học tập lẫn nhau.

Soạn giả Thạch Mu Ni, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, đề nghị ngành văn hóa các tỉnh nhanh chóng lựa chọn những nơi có điều kiện để hình thành một số đội, nhóm dù kê, vừa phục vụ nhu cầu tại cơ sở, phục vụ du lịch, vừa tổ chức diễn xướng, diễn tấu thường xuyên. Định kỳ khoảng 3 - 5 năm, các tỉnh nên xây dựng đề án đào tạo bậc trung cấp, cao đẳng nhằm tạo ra đội ngũ biên kịch, dàn dựng, diễn viên, nhạc công… tham gia phong trào văn nghệ cơ sở; đồng thời là nguồn bổ sung trẻ hóa đội ngũ cho các đoàn không chuyên và chuyên nghiệp. 

“Không chỉ dù kê mà sân khấu rô băm cũng đang gặp khó khăn, mai một theo thời gian trước tác động của các loại hình nghệ thuật đương đại lấn át. Song, bà con Khmer Nam bộ vẫn nỗ lực gìn giữ và mong muốn loại hình nghệ thuật này được tồn tại, phát triển, bởi đây là “đứa con tinh thần” được sinh ra và lớn lên tại vùng đất này...”, TS Sơn Ngọc Hoàng bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục