Sàng lọc bệnh nhân từ y tế cơ sở
Có mặt tại TYT phường Tân Quý từ sớm để lấy thuốc, bà Nguyễn Thị Hòe (68 tuổi) cho biết bị tiểu đường type 2 từ nhiều năm nay. Mặc dù nhà gần TYT, nhưng vì lo ngại về trình độ y bác sĩ cũng như cơ sở vật chất không tốt nên mỗi lần đau ốm bà thường nhờ người nhà chở lên bệnh viện quận để lấy thuốc.
“Từ khi TYT phường được đầu tư, lại có bác sĩ từ các bệnh viện (BV) lớn trên thành phố về hỗ trợ chuyên môn, tôi thấy yên tâm khi đến đây khám bệnh và lấy thuốc. Đặc biệt, tôi không phải xếp hàng từ sáng sớm như khi đi khám tại BV tuyến trên nên không phải phiền đến con cháu”, bà Hòe vui vẻ nói.
Cũng đang ngồi trò chuyện với những người đến khám bệnh, bà Phùng Thị Ngoan (72 tuổi) hào hứng kể về những chuyện “lột xác” của TYT phường Tân Quý. Bà nói rằng không ngờ TYT phường đổi thay nhiều, hiện đại quá, có bác sĩ BV Trưng Vương ngồi chẩn đoán, bà được khám và lấy thuốc nhanh mà không phải chờ đợi lâu.
Bác sĩ Lâm Phước Trí, Trưởng trạm TYT phường Tân Quý, cho biết trạm đang quản lý hơn 400 hồ sơ bệnh án, quản lý bệnh không lây. So với cùng kỳ 2018, số lượt người bệnh khám và chăm sóc sức khỏe tại trạm đã tăng gấp 2 lần; cụ thể mỗi ngày thu hút khoảng 70 người dân đến khám tại trạm, trong đó 50% là bệnh nhân huyết áp và tiểu đường. Hiện trạm có 2 bác sĩ cơ hữu và một bác sĩ của BV quận luân phiên xuống trạm, đảm bảo tính liên tục trong hoạt động khám chữa bệnh ban đầu cho người dân trên địa bàn phường.
Bên cạnh đó, TYT phường Tân Quý nhận được hoạt động kết nối và hỗ trợ chuyên môn do các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành của các BV thành phố theo sự phân công của Sở Y tế, bao gồm: BV Trưng Vương, BV Nhi đồng Thành phố và các bệnh viện chuyên khoa khác.
“Nhiều người dân phấn khởi khi đến TYT được các bác sĩ của BV thành phố trực tiếp khám bệnh. Bên cạnh đó, họ cũng nhận thấy rõ lợi ích của công tác quản lý bệnh không lây nhiễm theo mô hình bác sĩ gia đình. Khi mệt mỏi, người dân có thể ra ngay TYT thăm khám, phát hiện và điều trị bệnh sớm, mà không phải chờ đợi như đến các BV tuyến trên”, bác sĩ Lâm Phước Trí nói.
Cần xây dựng chuẩn chung
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, sau khi triển khai mô hình điểm, các TYT đã thu hút lượng bệnh nhân tăng 40% - 50% so với trước. Thế nhưng, điều khó nhất hiện nay đối với các TYT là nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực.
Bác sĩ Lâm Phước Trí cho rằng, người bệnh thường xuyên vượt tuyến để khám chữa bệnh do tuyến y tế cơ sở thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên thực tế, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở vừa làm công tác dự phòng, vừa tham gia khám chữa bệnh còn thấp, nên các TYT khó thu hút được bác sĩ về làm việc.
Thực tế kiểm tra tình hình triển khai TYT mô hình điểm tại TYT phường Tân Quý, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, hiện nay 90% nhu cầu về y tế của người dân chủ yếu là chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe từ khi chưa bị bệnh.
Để làm tốt nhiệm vụ trên, cần sự nỗ lực từ y tế cơ sở, tập trung tại TYT, phòng khám đa khoa y học gia đình. Tuy nhiên, hiện nay việc cải tạo, trang bị cơ sở hạ tầng từ bố trí tủ thuốc, tủ Đông y, phòng tiêm chủng, phòng cấp cứu… tại TYT vẫn còn một số hạn chế, thiếu phù hợp, chưa có chuẩn hoàn thiện.
Bộ trưởng đề nghị sau chuyến khảo sát thực tế tại các trạm, mỗi đại diện vụ, cục cần có những đánh giá cụ thể về thiếu sót, cần bổ sung để hoàn thiện chuẩn mô hình điểm cho tất cả TYT điểm trên cả nước, cụ thể các mặt như nhân sự, bố trí cơ sở hạ tầng, truyền thông, công nghệ thông tin, tài chính...
“Ngành y tế phải quyết tâm nhân rộng mô hình TYT theo nguyên lý y học gia đình, với 6 nguyên tắc Liên tục - Toàn diện - Phối hợp - Dự phòng - Gia đình - Cộng đồng. Trong 10 năm tới sẽ phải hình thành mạng lưới y tế cơ sở phủ khắp toàn quốc. Để làm được điều đó, sở y tế các địa phương cần phải đưa nhân lực, nhất là các bác sĩ giỏi xuống TYT”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cùng với 3 TYT điểm mà Bộ Y tế lựa chọn, thành phố cũng đã lựa chọn thêm tại mỗi quận, huyện còn lại một TYT để triển khai xây dựng mô hình điểm theo nguyên lý y học gia đình, điều động luân phiên bác sĩ của BV tuyến trên về TYT tham gia khám chữa bệnh, tập huấn chuyên môn cho bác sĩ TYT về chẩn đoán, phát hiện sớm, điều trị và quản lý các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình, siêu âm tổng quát và điện tâm đồ cơ bản, hồi sức cấp cứu cơ bản, hồi sức nhi khoa... Đến nay, trên địa bàn TPHCM đã có 12 TYT mô hình điểm ra mắt, chính thức đổi mới theo nguyên lý y học gia đình, thu hút đông đảo người dân đến thăm khám và điều trị. |