Sân Ernst Happel, 1g45 ngày 30-6

Trận chung kết Đức - Tây Ban Nha: Quyết đấu ở trục giữa

Trận chung kết Đức - Tây Ban Nha: Quyết đấu ở trục giữa
Trận chung kết Đức - Tây Ban Nha: Quyết đấu ở trục giữa ảnh 1
Michael Ballack –chìa khóa thành công của đội tuyển Đức.

Cuộc chiến giành ngôi vô địch Euro 2008 giữa Đức và Tây Ban Nha sẽ quyết định ở khu trung tuyến khi cả hai đội đều chọn đội hình 4-5-1. Đó là cuộc so tài giữa thể lực và kỹ thuật, giữa Michael Ballack và Cesc Fabregas, giữa bản lĩnh phi thường của Đức và nét tài hoa Tây Ban Nha. Trận đấu sẽ nổi bật lên cuộc quyết đấu trên trục giữa, ở đấy, người chiếm lĩnh trận địa sẽ là người khuynh đảo thế trận…

Phá vỡ vận đen

Tây Ban Nha đang thuyết phục mọi người về dáng vóc của một nhà vô địch khi đè bẹp hiện tượng Nga đến 3-0 ở bán kết, ngôi sao của trận cầu ấy tất nhiên là Cecs Fabregas, cầu thủ quen ngồi ghế dự bị từ đầu giải đã lột xác để trở thành thủ lĩnh khi thay thế vị trí của tiền đạo David Villa bị chấn thương. Nhưng dù đang chơi rất hay, chẳng có gì đảm bảo là Tây Ban Nha có thể vượt qua một tuyển Đức dày dạn kinh nghiệm và thừa bản lĩnh. Michael Ballack đã mất tăm trong trận thắng Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng niềm tin nội tại và khát vọng chiến thắng vẫn bùng cháy trong anh kể từ khi bỏ lỡ trận chung kết World Cup 2002 vì án treo giò.

HLV Joachim Loew tỏ ra tin tưởng năng lực của Ballack - cầu thủ của những trận đấu lớn - sẽ khích động sức mạnh tinh thần của người Đức: “Chúng tôi có tinh thần chiến thắng và nó sẽ là thứ vũ khí lợi hại dẫn lối chúng tôi đến vinh quang trong trận chung kết này”. Ông tin rằng tuyển Đức sẽ đáp ứng yêu cầu của công chúng trong đòi hỏi chiếc Cúp châu Âu thứ 4 để bổ sung vào bộ sưu tập 3 ngôi vô địch World Cup của họ.

Với Tây Ban Nha, đây là lần đầu tiên họ vào chung kết một giải lớn kể từ Euro 1984 trên đất Pháp. Họ vẫn đang tìm kiếm danh hiệu vô địch thứ 2 trong lịch sử kể từ sau thành công năm 1964 trên sân nhà. Tây Ban Nha có sự hỗ trợ hữu dụng của chiến tích 21 trận bất bại trong suốt 2 năm qua. Họ thậm chí đã vượt qua được kình địch Italia ở tứ kết nên tràn đầy hy vọng đánh bại một gã khổng lồ khác của bóng đá lục địa.

Nhưng Tây Ban Nha vẫn còn một số rắc rối trong tư tưởng khi tâm lý của kẻ chẳng bao giờ thành đạt ở một giải lớn vẫn đang ám ảnh đoàn cầu trẻ trung và thật khó để họ có đủ sự tự tin để chơi lấn át và đánh bại người Đức. Chính HLV Luis Aragones đã cảnh báo các cầu thủ của mình: “Tuyển Đức luôn luôn là tuyển Đức và họ dường như luôn tìm thấy thắng lợi cho dù đối mặt với ai”. Nhưng ngay sau đó, ông cũng tự lên dây cót cho các chàng trai của mình: “Nhưng quả là rất khó cho bất cứ đội bóng nào đọ sức với chúng tôi, nhất là khi chúng tôi tăng thêm tốc độ trong lối chơi của mình”.

Quyết chiến ở trục giữa

Trận chung kết hóa ra là cuộc so tài quen mặt giữa 2 ngôi sao Premiership: Michael Ballack và Cesc Fabregas, đó là nơi quyền lực đã chuyển màu “loang lỗ” của thủ quân tuyển Đức phải so đọ với nghệ sĩ tài hoa Tây Ban Nha. Nếu Ballack với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Torsten Frings và Thomas Hitzlsperger có thể áp đặt một thế trận vững vàng và chia cắt được hệ thống biến hóa và đầy ma lực của Tây Ban Nha thì họ hoàn toàn có thể tìm thấy thành tựu trên sân Ernst Happel.

Ngược lại, nếu Fabregas, Xavi, Andres Iniesta có thể phát huy lối chơi chuyền bóng ngắn nhuần nhuyễn ở trung tuyến để tìm ra lối mòn vượt qua những lá chắn của đối thủ thì họ hoàn toàn có thể kết thúc chuỗi 44 năm khao khát vinh quang ở châu lục. Trận đấu vì thế gói gọn ở khoảng sân nhỏ bé quanh vòng trung tâm, nơi Tây Ban Nha dồn cục đến 4-5 cầu thủ tiền vệ lạnh lẹ để cô lập và phá vỡ thế trận của tuyển Nga vài ngày trước.

Cứ nhìn vào sơ đồ của 2 đội (ảnh bên) bạn cũng có thể thấy là Tây Ban Nha bỏ trống 2 biên để các hậu vệ dâng cao tạt bóng, trong lúc các tiền vệ tập trung vào trung lộ để vây hãm và xé nát trận tuyến đối thủ. Lối chơi này đã khiến trung tuyến của Thụy Điển, Italia, Nga vỡ vụn và từ đấy, các chàng lùn tỏa ra, lao thẳng xuống mạn sườn để gây hoảng loạn cho hàng thủ đối phương.

Tuy nhiên, Tây Ban Nha không thể gây bất ngờ cho người Đức khi họ đã bộc lộ ngón đòn sắc cạnh của mình dựa trên nguyên lý “vây bủa, chia cắt và lan tỏa” đó. Đức chấp nhận thách thức bằng đội hình 4-5-1 nhưng khác đối thủ một chút là chỉ mình Bastian Schweinsteiger hơi bó vào giữa hỗ trợ cho bộ ba Balllack, Frings và Hitzlsperger chống lại 5 tiền vệ đối thủ, trong lúc Podolski chơi lệch sang trái chờ lúc Ballack rảnh tay quay sang phối hợp với anh để phá vỡ trận tuyến trên khoảng trống bao la phía sau chú bò mộng hung hăng Sergio Ramos.

Đức đã thắng Bồ Đào Nha nhờ họ luôn giữ được sự bình ổn ở trục giữa, nơi Ballack hy sinh vai trò dẫn dắt thế công của mình để đeo bám và tranh đoạt bóng. Lần này, cuộc chiến ở đây sẽ càng khốc liệt hơn bởi Tây Ban Nha chơi linh hoạt và biến hóa hơn. Tuy nhiên, Đức có sức mạnh thể lực và hệ thống phòng thủ “chống đột phá” rất hữu hiệu, nhất là những cú xoạc bóng từ những đôi chân dài của họ.

Năng lực đá phạt yếu kém của Tây Ban Nha sẽ giúp Đức tự tin hơn trong việc cản phá và phạm lỗi trước khu cấm địa. Họ chỉ cần đảm bảo trục giữa không bị khuynh đảo thì cơ hội ghi bàn sẽ đến vào bất cứ thời điểm nào từ đôi chân của Podolski và cái mũi thính nhạy của Bastian Schweinsteiger.

Dự đoán: Đức thắng 2-1

NHẬT TÂN

Chìa khóa của trận đấu : Đội hình chiến thuật

HLV tuyển Đức Joachim Loew phải quyết định liệu có nên chuyển hẳn sang chơi với đội hình 4-5-1 từng vận hành tốt trong trận Bồ Đào Nha và nhiều lúc bế tắc trong trận TNK, hay là trở về với sơ đồ quen thuộc 4-4-2.
Ngược lại, HLV lão làng Luis Aragones tỏ ra trung thành với đội hình 4-4-2 từ đầu giải, nhưng tình thế bắt buộc ông phải chuyển sang 4-5-1 sau chấn thương của tiền đạo David Villa. Tuy nhiên, TBN lại tỏ ra rất sắc sảo khi áp dụng sơ đồ 4-5-1 với sự hiện diện của tiền vệ Cecs Fabregas trên sân. Anh là nguồn cảm hứng giúp đội đánh bại Nga trong hiệp 2.

Điểm mạnh

Sức mạnh tinh thần luôn là một lợi thế của người Đức. Các cầu thủ của họ trưởng thành khi chứng kiến những người đồng hương tranh giành vinh quang ở các trận chung kết và vì thế, họ không hề bối rối khi đặt mình vào tình thế đó.

Sức mạnh chủ chốt của TBN là phẩm chất kỹ thuật, mối quan hệ thân thiết và sự tự tin trong mỗi thành viên khi họ chơi trong một hệ thống mang lại chuỗi 21 trận bất bại.

Điểm yếu

Đức chơi rời rạc đến mức khác thường và hàng phòng thủ tỏ ra yếu kém trong một quãng thời gian dài ở trận gặp TNK. Thủ thành 38 tuổi Jens Lehmann cho thấy dấu hiệu “hết thời”.

TBN yếu trong trò chơi không chiến cả trong tấn công lẫn phòng thủ, nhưng cho đến nay, chẳng đội nào có cơ hội xoáy vào đó khi tuyến giữa TBN luôn kiểm soát được thế trận.

TIẾN TRUNG 

Tin cùng chuyên mục