Trận động đất 4,6 độ richter tại Bắc Trà My - Tin báo động đất quá chậm

Sau trận động đất có cường độ 4,6 độ richter, lớn nhất so với các trận động đất trước đây xảy ra tại khu vực hồ Thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) và vùng lân cận, ngày 23-10, UBND huyện Bắc Trà My đã đề nghị được báo tin động đất sớm hơn để chính quyền và người dân bớt lúng túng trong ứng phó động đất.

Trận động đất lớn nhất từ trước đến nay với cường độ 4,6 độ richter xảy ra vào lúc 20 giờ 41 ngày 22-10 làm chao đảo cả thị trấn Bắc Trà My khiến chính quyền và người dân hết sức hoang mang. Nhà cửa rung chuyển, ly tách trên bàn rơi vỡ, nhất là người dân Bắc Trà My và khu vực lân cận trắng đêm không ngủ vì sợ động đất mạnh làm đập Thủy điện Sông Tranh 2 vỡ.

Động đất xảy ra vào lúc 20 giờ 41 nhưng mãi đến gần 2 giờ sau đó, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) mới phát bản tin về trận động đất nói trên.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết: “Việc tin báo động đất đến với chính quyền địa phương quá chậm, một mặt dẫn đến lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với động đất, mặt khác khiến người dân hoang mang. Chúng tôi đề nghị sớm lắp đặt và hoàn thành đồng bộ 5 trạm quan trắc động đất tại Quảng Nam để công tác dự báo nhanh hơn và chính xác hơn. Ngoài ra, các nhà khoa học phải nghiên cứu lâu dài về động đất tại Bắc Trà My để có những con số dự báo chính xác hơn”.

Ông Phong cho biết thêm, trận động đất vào đêm 22-10 khiến các công trình nhà cửa, công trình công cộng vốn đã nứt do động đất nay lại càng nứt nghiêm trọng hơn.

Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, trạm quan trắc động đất đầu tiên vừa được đưa vào hoạt động tại đập Thủy điện Sông Tranh 2 hoạt động tốt trong quan trắc số liệu động đất vào đêm 22-10. Tuy nhiên, số liệu 1 trạm không thực sự chính xác như số liệu của 5 trạm cùng lúc. Vì vậy, phải chờ 4 trạm còn lại hoạt động mới có một hệ thống quan trắc động đất đồng bộ để phân tích số liệu chính xác và nhanh gọn.

Trận động đất vào đêm 22-10 có nguồn gốc từ tích nước Thủy điện Sông Tranh 2. Theo quy luật của động đất kích thích nó sẽ rộ lên một thời gian và tăng dần độ lớn, tần suất cho tới mức độ giới hạn cận trên nào đó, sau đó dần dần sẽ tắt hẳn. Vì thế, trong thời gian tới vẫn có những trận động đất tiếp tục xảy ra và có xu thế tăng lên.

PGS-TS Nguyễn Hồng Phương cũng nhìn nhận: Việc 1 trạm hay 5 trạm quan trắc hoạt động chỉ quyết định đến sự chính xác của số liệu chứ không ảnh hưởng đến sự nhanh chậm trong phát bản tin. Việc nhanh chậm trong phát bản tin báo động đất liên quan đến năng lực của người xử lý số liệu. Ngoài ra, việc công bố số liệu động đất phải thực hiện theo quy trình và phát theo quy chế của Chính phủ. Chúng tôi có thể làm nhanh hơn nhưng hiện nay phải tuân thủ các quy chế của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ phát tin nhanh hay chậm không quan trọng vì thật ra bản tin chỉ đưa ra độ lớn bao nhiêu, nó như thế nào tại thời điểm đấy còn người dân, chính quyền địa phương và cả EVN không thể ngồi đấy chờ kết luận của các nhà khoa học mà phải có những động thái độc lập để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của mình. Chính quyền địa phương, người dân phải có kế hoạch nhất định để ứng phó với động đất. Hiện Viện vật lý địa cầu đang tăng cường năng lực của Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần để tự động hóa công tác phát tin báo động đất nhằm đảm bảo tin báo đến với chính quyền và nhân dân nhanh hơn.  

Nguyên Khôi - Trần Bình

- Thông tin liên quan:

>> Quảng Nam: Động đất mạnh nhất từ trước đến nay

Tin cùng chuyên mục