“Nghề” tái chế dầu ăn
Mới đây, Cục Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phối hợp Đội 4A Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã bất ngờ kiểm tra các cơ sở chế biến hành phi, tỏi phi tại huyện Hóc Môn, phát hiện các cơ sở này đều sử dụng dầu ăn đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc. Từ lời khai của cơ sở chế biến hành phi, lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện tới 3 cơ sở chuyên thu gom, chế biến dầu ăn thải, dầu cặn rồi tái chế tung ra thị trường (đều ở xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn).
Tại cơ sở của bà N.T.Hoa, cơ quan chức năng ghi nhận có một bồn loại 3.000 lít và hàng trăm thùng phi chứa dầu đã qua sử dụng. Chủ cơ sở cho biết thu gom mỗi ngày khoảng 200-300 lít dầu thải từ những người chạy xe ôm với giá 8.000 đồng/lít, sau đó lọc hết cặn bã và đóng can, bán lại cho các cơ sở chế biến hành phi, tỏi phi, bếp ăn công nghiệp, quán cơm, quầy tạp hóa… Còn tại cơ sở của em gái bà Hoa và cơ sở của ông N.M.Hiếu, cơ quan chức năng phát hiện cả một hệ thống bồn chứa dầu ăn đã qua sử dụng đen kịt, bốc mùi nồng nặc. Các cơ sở này cũng thu gom dầu ăn cặn bã không rõ nguồn gốc, sơ chế và bán ra thị trường.
Thực tế, không khó để tìm mua dầu ăn giá rẻ “3 không” tại các chợ dân sinh trên địa bàn TPHCM. Khảo sát tại chợ Gò Vấp, có rất nhiều gian tạp hóa bán dầu ăn đóng sẵn vào từng can lớn, cặn lợn cợn màu đen ở đáy.
Một tiểu thương cho biết: “Dầu ăn được bán với giá 20.000 đồng/kg. Nếu mua với số lượng nhiều phải đặt cọc trước để lấy hàng, bao nhiêu cũng có”. Tại chợ Phạm Thế Hiển (quận 8), dầu ăn được đựng trong can 5 lít, 20 lít, 30 lít, thậm chí còn có nơi đựng trong các túi ni lông nhỏ để la liệt dưới nền đất; giá bán lẻ khoảng 17.000 đồng/kg. Khi hỏi về chất lượng và xuất xứ của loại dầu này thì phần lớn người bán cho biết đều lấy từ các công ty có uy tín hoặc từ quê chuyển lên.
“Dầu ăn này các nhà hàng, quán nhậu, xe bán cá viên chiên, quán cơm chuộng lắm và mua số lượng lớn. Cứ yên tâm mà dùng”, một tiểu thương tư vấn. Chúng tôi đến chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12) hỏi mua dầu ăn số lượng lớn để về mở quán nhậu, người bán liền giới thiệu loại dầu ăn bán theo can không nhãn mác, giá chỉ khoảng 500.000 đồng/30 lít, rẻ chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với các loại dầu ăn có thương hiệu trên thị trường.
Cần tăng cường kiểm soát
Tình trạng dầu ăn không đảm bảo chất lượng, mập mờ nguồn gốc vẫn được bày bán, sử dụng tràn lan khiến nhiều người tiêu dùng bất an. Chị Nguyễn Thu Trang (27 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) lo lắng: “Tôi thường xuyên bắt gặp nhiều quán ăn sử dụng các can dầu lớn không nhãn mác, đã ngả màu vàng đục, chiết ra từng chai nhỏ rồi chế biến thực phẩm cho khách hàng. Đây là một thực tế đáng báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Theo các chuyên gia y tế, dầu ăn sử dụng nhiều lần mang lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe do bị đun nóng nhiều lần, thành phần hóa học sẽ thay đổi, các chất vitamin và một số chất dinh dưỡng trong dầu bị phá hủy, tạo nên một số chất độc như aldehyde, fatty acid oxide... Khi các chất độc này vào cơ thể sẽ phá hủy các men tiêu hóa, làm khó tiêu, huyết áp tăng cao và gia tăng khả năng mắc bệnh ung thư.
Tuy nhiên công tác quản lý, kiểm soát đối với hoạt động tái chế, buôn bán dầu ăn trôi nổi vẫn còn bất cập, hạn chế. Các cơ quan chức năng thì luôn có “điệp khúc”: lực lượng mỏng, khó quản hết địa bàn, chưa có lực lượng chuyên trách…
Do vậy, vì sức khỏe cộng đồng, chính quyền địa phương, các ban ngành như công an, quản lý thị trường, ban an toàn thực phẩm cần sớm vào cuộc để hạn chế tình trạng dầu ăn “3 không” tràn lan như hiện nay.
Theo điểm c, khoản 1, Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hoạt động kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-100 triệu đồng, tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm. |