Tràn lan khu công nghiệp ở ĐBSCL - Bài 3: Chọn hướng đi nào?

Tràn lan khu công nghiệp ở ĐBSCL - Bài 3: Chọn hướng đi nào?

Các khu, cụm công nghiệp (KCCN) ĐBSCL đang dần lộ ra những bất cập, khi chiến lược phát triển không song hành với chất lượng cuộc sống. GDP có cao nhưng mặt bằng dân trí thấp, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 84% so với mức bình quân cả nước… là điều lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng cần phải suy gẫm. Nếu không xây dựng cơ chế liên kết vùng để khai thác lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, ĐBSCL sẽ sớm tụt hậu trong tiến trình hội nhập kinh tế.

Thiếu quy hoạch chiến lược

Điểm nổi bật nhất đối với ĐBSCL là sự mất cân đối nghiêm trọng trong phát triển công nghiệp của các địa phương nhiều năm qua: ngành công nghiệp chế biến (chế biến lương thực, thủy hải sản, thức ăn gia súc) chiếm phần lớn giá trị của toàn ngành; các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng chưa phát triển được bao nhiêu. Riêng công nghiệp chế biến, trình độ mới chỉ dừng lại sơ chế, tỷ lệ chế biến chuyên sâu chưa cao, trang thiết bị và công nghệ lạc hậu, năng lực sản xuất hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa cao, chi phí trung gian còn lớn.

Người dân địa phương đang chờ KCN Thạnh Lộc (Kiên Giang) đi vào hoạt động để có thêm việc làm. Ảnh: H.PHONG

Người dân địa phương đang chờ  KCN Thạnh Lộc (Kiên Giang) đi vào hoạt động để có thêm việc làm. Ảnh: H.PHONG

Tỷ lệ thiết bị hiện đại của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở ĐBSCL còn rất thấp, đa số chưa đồng bộ, chỉ tập trung ở một số công đoạn sản xuất chủ yếu. Nói cách khác, cần phải đổi mới hơn 80% thiết bị mới nâng cao đáng kể sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp. Ví như ở tỉnh An Giang, trình độ công nghệ của các cơ sở công nghiệp chế biến ở tỉnh này, kể cả các nhà máy mới xây, chủ yếu dừng lại ở khả năng làm phi-lê đông lạnh tươi, chưa có sự đột phá mới về công nghệ.

Công nghiệp ĐBSCL hướng mạnh theo xuất khẩu (gạo, thủy sản đông lạnh...), đến nay chủ yếu dựa vào lợi thế nguồn lao động rẻ, tài nguyên có sẵn tại chỗ; nhưng những lợi thế này có xu hướng giảm dần. Gần đây đã xuất hiện những cảnh báo rằng nếu không khắc phục có hiệu quả những yếu kém và bất cập kể trên thì công nghiệp ĐBSCL trong mười năm tới sẽ tụt hậu so với các vùng khác trong nước và trở thành vùng có tốc độ phát triển công nghiệp chậm nhất Việt Nam. Thách thức gay gắt nhất đối với ĐBSCL là áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng.

Theo Bộ KH-ĐT, các KCN là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, thống kê cho thấy các KCCN thu hút khoảng 50% tổng nguồn vốn FDI. Đối với ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, thời gian qua dù đạt được những thành tựu khích lệ nhưng bộc lộ nhiều yếu kém cần khắc phục. Việc phát triển KCN chưa gắn kết với tiến trình CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn. Nhiều KCN được thành lập nhưng thu hút đầu tư kém, sản phẩm làm ra nghèo nàn không tương xứng với quy hoạch. Việc đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư… bất cập dẫn đến nhiều khó khăn cho người dân.

Tháo gỡ những yếu kém trên, các nhà chuyên môn cho rằng, cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, quy mô phát triển KCCN. Từ đó tiến hành định vị hướng đầu tư, từng giai đoạn phát triển… tránh tình trạng dàn trải, nóng vội, thiếu định hướng gây lãng phí. Trong quá trình quy hoạch KCCN nên lựa chọn những địa điểm phù hợp, tránh nơi đất tốt.

Khi phát triển KCCN, các tỉnh cần xem thế mạnh từng địa phương, chú trọng vấn đề ô nhiễm môi trường. Một bài học cần quan tâm là sự mất cân đối giữa trong và ngoài KCCN. Đến nay hầu hết các KCCN chưa chuẩn bị các công trình thiết yếu phục vụ đời sống cho người lao động như: hệ thống siêu thị, chợ, trường học, nhà trẻ, chung cư, khu vui chơi giải trí, khu văn hóa… Do đó, khi các KCCN hoạt động thì phát sinh hàng loạt dịch vụ tự phát như buôn bán tràn lan trên đường, vỉa hè… gây mất trật tự và mỹ quan đô thị.

Ngoài ra, còn nhiều bất cập về đất đai và hạ tầng kỹ thuật của KCCN cũng như giải phóng mặt bằng, kết cấu hạ tầng xã hội… đã làm hạn chế việc tiếp nhận và đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được cấp phép đầu tư. Hầu hết các KCCN đều đa ngành nghề, hay nói khác hơn việc thành lập KCCN đơn giản chỉ là gom doanh nghiệp lại một chỗ để… quản lý. Trừ một số KCCN được quy hoạch theo chuyên ngành như CCN khí điện đạm Cà Mau; CCN nhựa Long An; CCN Mỹ Quý (An Giang) chuyên ngành chế biến hải sản… Các KCCN trong vùng phần lớn hình thành từ mối liên kết cá nhân trong và ngoài nước, như KCCN Đức Hòa I do một số doanh nhân Đài Loan làm nòng cốt trong quá trình hình thành và thu hút đầu tư.

Thực trạng liên kết tại các KCCN vùng ĐBSCL là liên kết yếu, hiệu quả thấp, tách biệt. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong từng KCCN không tạo ra trong chuỗi giá trị chung của địa phương và vùng. Cấu trúc ngành nghề của KCCN quá đa dạng, như các ngành công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, thức ăn gia súc (chiếm hơn 50%); ngành dệt may, da giày sử dụng nhiều lao động; khai thác, chế biến từ nguyên liệu nông-lâm-thủy sản; tỷ lệ xuất khẩu cao nhưng gia công là chính, giá trị gia tăng thấp. Đáng lưu ý, các KCCN có dự án quy mô vốn lớn, công nghệ hiện đại chỉ chiếm khoảng 5%-6%, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghệ cao như điện, điện tử, vật liệu mới. Do vậy, không phải cứ thành lập là có KCCN. Quan trọng hơn, các KCCN trong vùng chưa thúc đẩy được quá trình CNH nông nghiệp, nông thôn.

Phát triển bền vững trong thế liên kết

Theo tính toán của Ban quản lý các KCCN, để có 1 ha đất sạch giao cho nhà đầu tư, chi phí bình quân thực hiện không dưới 2-4 tỷ đồng. TS Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện KT-XH TP Cần Thơ cho biết: “Đầu tư hạ tầng các KCCN ở ĐBSCL rất tốn kém do nền đất yếu, khoảng 30% chi phí đầu tư đổ xuống dưới lòng đất mà không nhìn thấy. Nếu ở những vùng khác tốn 10 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng thì ở ĐBSCL phải tốn đến 13 tỷ đồng. “Vốn đầu tư cao cùng với hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện khiến nhiều KCCN khó thu hút đầu tư, lâm vào cảnh hoang phí nhiều năm qua”.

Ông Lưu Phước Lượng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nêu ý kiến: “Thay vì từng địa phương làm KCCN như thời gian qua, tới đây, chính quyền các tỉnh thành nên ngồi lại, xem xét, tiếp cận vấn đề theo không gian rộng lớn hơn của ĐBSCL. Như vậy phải phân vai trò cho từng địa phương chứ không thể dàn hàng ngang mà tiến”.

Cống nước thải của KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 đổ trực tiếp ra 2 bên bờ rạch Sang Trắng. Ảnh: T.M.T.

Cống nước thải của KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 đổ trực tiếp ra 2 bên bờ rạch Sang Trắng. Ảnh: T.M.T.

Đối với các KCCN đang trong quá trình xây dựng thì tiếp tục hoàn thiện cơ ở hạ tầng và kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên cần mạnh dạn rà soát lại xem còn nơi nào phù hợp với xu thế chung của vùng, của quốc gia hay không? Nếu không cần mạnh dạn bỏ. Xem lại quy chế cấp phép, đăng ký vốn, đặt cọc trước, trong thời gian nhất định nếu nhà đầu tư không triển khai sẽ bị thu hồi giấy phép và mất tiền cọc. Việc này nhằm tránh tình trạng nhà đầu tư chiếm đất rồi để đó, làm khổ nông dân. 

Trên cơ sở những định hướng phát triển mang tính bền vững, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần đặc biệt chú trọng tăng cường kết cấu hạ tầng kỹ thuật về giao thông, xây dựng và công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực. Trước mắt cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội ĐBSCL, chú trọng phân công vai trò, nhiệm vụ giữa các tỉnh trong vùng, hài hòa với sự phát triển chung của vùng và của cả nước. Như vậy, cần xây dựng tầm nhìn và chiến lược phát triển cho vùng, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh để phát huy tiềm năng, thế mạnh, nắm bắt cơ hội và hạn chế tối đa cạnh tranh cục bộ.

ĐBSCL là hệ sinh thái đất ngập nước với sự trù phú vốn có, nếu chúng ta phát triển công nghiệp ồ ạt, gây ô nhiễm môi trường nước, ĐBSCL sẽ bị thay đổi và rất khó phục hồi trở lại. Các nhà lãnh đạo, quản lý cần nhận rõ hai quy luật nói trên trong quá trình quyết định cơ cấu kinh tế của vùng. Đặc biệt chú ý đến bố trí địa lý của các loại hình công nghiệp có nguy cơ rủi ro môi trường ở các tỉnh hạ nguồn sông Tiền và sông Hậu, vùng ven biển như Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu..., không bố trí ở thượng nguồn...

TS Vũ Thành Tự Anh (Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - TPHCM) cho rằng thay vì chạy theo xu thế chạy đua xây dựng KCCN, ĐBSCL cần tìm cách tăng cường giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp và thủy hải sản của mình. ĐBSCL cần phải có một quan niệm đúng đắn về công nghệ cao: công nghệ cao là công nghệ tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Theo nghĩa này, một nhà máy chế biến thực phẩm cao cấp hay các nông trường áp dụng công nghệ sinh học hiện đại có thể trở thành những địa chỉ công nghệ cao đích thực, trong khi các KCCN vắng hoe chỉ làm các địa phương hao tâm, tốn của mà lại không mang lại lợi ích cho địa phương.

Sự bền vững môi trường của ĐBSCL còn quan trọng hơn rất nhiều đối với việc đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Nếu không thận trọng trong phát triển công nghiệp, tỷ lệ phần trăm tăng trưởng GDP chỉ còn lại 1/2 hay 1/3 vì phải chi cho việc khắc phục hậu quả môi trường do ô nhiễm công nghiệp. Bài học từ miền Đông Nam bộ chắc chắn không quá muộn với ĐBSCL, nếu lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng kiên quyết ngay từ bây giờ!

NHÓM PV

Thông tin liên quan:

>> Bài 2: Mặt trái và những hệ lụy

Tin cùng chuyên mục