Đời sống sân khấu TPHCM đang có nhiều biểu hiện đáng lo ngại. Sân khấu kịch ngày càng thưa dần những vở diễn mới, hay. Cải lương vẫn loay hoay, chưa thể vực dậy. Trước thực trạng đáng báo động này, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng NSƯT - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM.
- PV: Năm 2011, anh ít tham gia dàn dựng vở diễn mới, phải chăng sân khấu không còn hấp dẫn anh như trước?
NSƯT - đạo diễn Trần Ngọc Giàu: Có thể là như vậy. Bởi hiện nay, nếu tìm được một kịch bản mà mình cảm thấy thích để dàn dựng là hết sức khó khăn. Thời gian gần đây, nhiều sân khấu chạy theo thị hiếu và đang có xu thế làm hài kịch hoặc kịch ma để câu khách. Cho nên, tuy có những lời mời dàn dựng kịch mới nhưng tôi vẫn cứ băn khoăn, do dự và ít nhận lời là vậy.
- Hiện nay, sân khấu đang ngày càng thưa dần những vở diễn hay mặc dù điều này đã được báo động nhiều lần?
Có một thực tế cần phải nhìn nhận là các thế hệ diễn viên, đạo diễn đi sau kém hơn các thế hệ đi trước và ngày càng có cách biệt rõ rệt. Cho nên, điều này cần phải sớm chấn chỉnh chứ nếu không rất nguy hiểm cho tương lai sân khấu. Để xảy ra việc này, trách nhiệm không của riêng ai mà thuộc về cơ quan quản lý văn hóa là Bộ VH-TT-DL. Đội ngũ đạo diễn trẻ có nhưng thực sự giỏi thì không nhiều lắm. Nguyên nhân căn cơ là do hệ thống đào tạo của chúng ta bị hổng nhiều.
Bên cạnh đó, việc định hướng sân khấu cũng đi vào lối mòn, chưa có những đột phá. Trong khi đó, sân khấu thế giới phát triển rất đa dạng. Khi không có được những điều kiện, kỹ thuật hiện đại, người ta đi vào những kỹ thuật, những trò diễn làm say đắm khán giả. Còn chúng ta lại cứ trông chờ vào sự hiện đại, cứ loay hoay mãi, chẳng thể nào phát triển được.
- Với sân khấu cải lương, chắc hẳn anh cũng có nhiều điều trăn trở?
Chúng ta nói nhiều mà cải lương chẳng có gì thay đổi, bởi cải lương chưa đi vào cái gốc của vấn đề. Theo tôi, lâu nay cải lương thường phát triển mang tính kế thừa, truyền nghề là chính. Cho nên, nếu muốn vực dậy cải lương, hãy đầu tư, chăm lo, tạo sân chơi cho con em của các nghệ sĩ, các đoàn hát. Chính các em nhỏ này sẽ tạo chất men cuốn hút các bạn nhỏ khác cùng tham gia sinh hoạt ca hát, dần dần sẽ có được lực lượng kế thừa.
Tôi nghĩ, chúng ta cần khôi phục, đầu tư cho những nhóm hát theo mô hình của nhóm Đồng ấu Bạch Long trước đây. Bởi mô hình này rất phù hợp cho sự kế thừa, phát triển của cải lương.
Đỗ Hạnh thực hiện