Ba Tơ là huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi, cư dân đa phần là đồng bào dân tộc nên cách ứng xử, sinh hoạt, ngôn ngữ và văn hóa rất khác biệt với người Kinh.
Nhận nhiệm vụ công tác tại huyện từ trước năm 1983, chiến sĩ công an nhân dân Lê Văn Khoa (hiện là Đại tá, Trưởng Công an huyện Ba Tơ) đến nay vẫn không ngừng phấn đấu, rèn luyện để luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ cùng những khó khăn của người dân.
Lăn lộn, thuộc làu từng ngõ ngách trên địa bàn, hiểu dân, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của bà con nên Đại tá Lê Văn Khoa được người dân trong vùng quý trọng, được đánh giá là một trong những cán bộ có trình độ cao, gần dân và luôn giúp dân.
Với quan điểm ấy, ở cương vị Trưởng Công an huyện Ba Tơ, Đại tá Lê Văn Khoa chú trọng phân công công an địa bàn nằm vùng, ăn ở với dân, bám sát dân. Nhờ đó, mỗi khi có vấn đề động tĩnh về an ninh trật tự xảy ra, người dân lập tức báo ngay cho lực lượng công an xử lý. Với cách làm này, tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn huyện được đảm bảo.
Phụ trách địa bàn miền núi đa phần đồng bào dân tộc thiểu số, nhìn thấy đồng bào mình còn khổ nhiều, Đại tá Lê Văn Khoa trăn trở với mong muốn bà con có cuộc sống tốt hơn. Ông huy động anh em bạn bè trong và ngoài ngành công an quyên góp tiền hỗ trợ cho những hộ gia đình khó khăn.
Từ nhiều nguồn huy động, thời gian qua, ông đã mua 4 con trâu (13 triệu đồng/con) tặng người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ có phương tiện sản xuất, tăng thu nhập. Ông cũng vận động xây dựng đường điện Ba Liên; xây nhà tình nghĩa và nhận phụng dưỡng 2 mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện nay, một mẹ đã mất. Mẹ còn sống là bà Đinh Thị Máy, ông đã xây nhà cho mẹ trị giá 140 triệu đồng.
Với một huyện miền núi xa xôi hẻo lánh như vậy, tuy số tiền so với những nơi khác không lớn, nhưng đó là tất cả tấm lòng, sự tận tâm tận tụy của Đại tá Lê Văn Khoa vì cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc.
“Vấn đề khó nhất hiện nay chính là giải quyết tranh chấp đất giữa người dân và các công ty. Người dân không hiểu luật nhiều, lại có cuộc sống khó khăn, vậy nên xử lý phải làm sao đảm bảo được lợi ích cho dân và cả công ty. Khi có vụ việc, tôi đều phải cắt cử cán bộ đến làm việc và ở lại với người dân để nắm tình hình tường tận, nhằm có hướng giải quyết một cách tốt nhất”, ông Khoa tâm sự.
Sau 35 năm công tác ở huyện miền núi Ba Tơ, điều Đại tá Lê Văn Khoa trăn trở nhất là chữ viết của đồng bào dân tộc chưa có, điều kiện kinh tế, xã hội chưa cao nên đa số đời sống người dân còn khó khăn, thiếu thốn.
Vậy nên khi làm việc cụ thể, ông luôn nhắc nhở cán bộ là phải hiểu được phong tục tập quán của đồng bào. Tiếp xúc, tuyên truyền pháp luật phải luôn có người theo phiên dịch để tránh sự hiểu nhầm. Đôi khi đồng bào cũng có những vi phạm pháp luật, nhưng vấn đề xử phạt chủ yếu là nhắc nhở và vận động tuyên truyền.