LTS: Nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ (11-9-1911 -- 11-9-2016), sáng 15-9, Thành ủy TPHCM đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Đồng chí Trần Văn Giàu - Nhà cách mạng, Nhà giáo, Nhà khoa học - Dấu ấn một nhân cách”.
Báo SGGP trân trọng giới thiệu bài tham luận của đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM tại buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: hcmcpv
“Nam Bộ thành đồng” vùng đất anh hùng đã sinh ra và rèn luyện những chiến sĩ cộng sản kiên trung, những nhà lãnh đạo tài năng như đồng chí Tôn Đức Thắng, đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Võ Văn Kiệt và nhiều đồng chí khác. Trong số những người con xuất sắc của vùng đất Nam Bộ, đồng chí Trần Văn Giàu là một tấm gương tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, đức độ, tài năng, cùng những cống hiến và cuộc đời thăng trầm của mình đã để lại những dấu ấn không thể phai nhạt trong lòng đồng bào cả nước, đồng bào Nam Bộ.
Đồng chí Trần Văn Giàu, chiến sĩ cộng sản kiên trung, xuất sắc thuộc thế hệ đầu tiên của vùng đất Nam Bộ
Sinh ra tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, khi mới 15 tuổi đồng chí Trần Văn Giàu đã tham gia phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh và bị thôi thúc bởi lời kêu gọi của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh: “cần rời khỏi nhà mình, đi xa, đi thật xa để tìm một lý tưởng mà phấn đấu”. Năm 1928, sau khi tốt nghiệp Trường trung học Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, đồng chí Trần Văn Giàu được gia đình cho sang Pháp du học tại Đại học Toulouse với ý chí học thật giỏi, “tìm một cái gì mới”. Tại đây đồng chí được đọc tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tháng 3 năm 1929, đồng chí Trần Văn Giàu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, chính thức bắt đầu con đường “làm chính trị”, con đường mà chàng thanh niên Trần Văn Giàu chọn để góp phần vào việc cứu nước, thực hiện ước mơ làm việc nghĩa mà anh đã thấm nhuần từ những ngày được nghe cha mẹ ngâm những câu thơ Lục Vân Tiên. Tháng 6 năm 1930, đồng chí bị cảnh sát bắt giam tại nhà tù Loa Roquillis và sau đó bị Chính phủ Pháp trục xuất về nước vì đã tham gia cuộc biểu tình đòi xóa án tử hình cho 13 thủ lĩnh Quốc dân Đảng bị Pháp bắt trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái.
Sau khi về nước, nhanh chóng hòa vào dòng chảy sôi sục cách mạng, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và được phân công cùng Hải Triều phụ trách Ban Học sinh và Ban Phản đế của Xứ ủy Nam Kỳ. Sau một thời gian ngắn hoạt động công khai, từ cuối năm 1930 hoàn toàn đi vào hoạt động bí mật, đồng chí được Đảng cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Phương Đông. Năm 1933, khi bảo vệ thành công đề tài “Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương”, đồng chí Trần Văn Giàu rời Matxcơva về nước. Trở về nước lần thứ hai trong bối cảnh cách mạng nước nhà đang bị thực dân Pháp dìm trong biển máu với chính sách “khủng bố trắng”, đồng chí tích cực tìm cách móc nối cơ sở, phát triển lực lượng, gầy dựng lại Xứ ủy Nam Kỳ và được cử làm Bí thứ Xứ ủy Nam Kỳ. Tháng 12 năm 1934 và tháng 2 năm 1935 đồng chí hai lần đến Ma Cao để tham gia công tác chuẩn bị và dự Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ Ma Cao trở về, đồng chí sa vào tay giặc và phải chịu mọi cực hình tra tấn từ Khám Lớn Sài Gòn đến địa ngục trần gian Côn Đảo rồi căng Tà Lài. Bảy năm sống, đấu tranh trong điều kiện hết sức nghiệt ngã của nhà tù đế quốc, thực dân, chịu đựng mọi thủ đoạn tra tấn tàn độc của kẻ thù, đồng chí Trần Văn Giàu vẫn một lòng son sắt, kiên trung với Đảng, trong ngục tối của kẻ thù vẫn luôn sáng ngời khí tiết của một chiến sĩ cách mạng kiên cường. Không những vậy, đồng chí còn biến nhà tù thành trường học cộng sản và truyền đạt những bài giảng về lý luận cho các bạn tù. Trong thời gian ở tù, đồng chí luôn tích cực tìm hiểu tình hình thế giới và trong nước, luôn tìm cách trở về với cách mạng.
Đồng chí Trần Văn Giàu, nhà lãnh đạo bản lĩnh, trí tuệ, năng động, nhạy bén, linh hồn của cuộc Tổng Khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và các tỉnh Nam Bộ
Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, cơ sở Đảng bị vỡ, phong trào cách mạng bị thực dân Pháp đàn áp dã man, cách mạng ở Nam Kỳ rơi vào tình cảnh đen tối: không còn Xứ ủy, liên lạc với Trung ương bị gián đoạn. Hay tin thực dân Pháp dìm cách mạng ở Nam Kỳ trong biển máu, Đảng ủy căng Tà Lài quyết định một số đảng viên phải vượt ngục để tìm cách xây dựng lại tổ chức: đợt 1 gồm 3 người vào đầu tháng 2 tháng 1941, đợt 2 gồm 8 người vào đầu tháng 3 tháng 1941. Vượt ngục thành công 8 đồng chí, nhưng lần lượt 6 người bị bắt lại, chỉ trừ đồng chí Trần Văn Giàu và đồng chí Dung Văn Phúc (tức Dương Quang Đông).
Những năm tháng sau đó, đồng chí bền bỉ đi khắp nơi gầy dựng lại cơ sở, phát động lại phong trào. Chỉ vài năm sau khi đồng chí Trần Văn Giàu và các đồng chí của mình vượt ngục, các chi bộ lại xuất hiện ở khắp nơi, phong trào lại phát triển rộng khắp, bắt nhịp trùng khớp với những diễn biến của cuộc chiến tranh thế giới, trùng khớp với những phong trào được Trung ương Đảng phát động ở Miền Bắc dù khi ấy tổ chức Đảng ở hai miền hoàn toàn mất liên lạc. Không liên lạc được với Trung ương, các đồng chí Nam Kỳ hoàn toàn không hay biết việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước, triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 và thành lập Việt Minh (1941). Đồng chí Trần Văn Giàu sau này kể lại: “Lúc đó chúng tôi cảm giác bơ vơ trong một thời cuộc cực kỳ rối và khó. Phải tự vạch đường mà đi hay phải chờ đợi? mà chờ đợi đến chừng nào? Chờ đợi ai? Trong lúc không thể dậm chân tại chỗ” . Trong hoàn cảnh đó, Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Trần Văn Giàu lãnh đạo đã gấp rút tiến hành khôi phục hệ thống tổ chức Đảng các cấp, trong đó đặc biệt chú trọng đến tổ chức Đảng của thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, nơi trung tâm đầu não, tập trung nhiều cơ sở chính trị, quân sự của kẻ thù và đây cũng chính là nơi đóng vai trò quyết định cho sự thành bại của tổng khởi nghĩa ở Nam Kỳ trong tương lai. Nhiệm vụ khôi phục tổ chức tại thành phố này được đích thân đồng chí Trần Văn Giàu phụ trách. Đầu năm 1943, đồng chí trở lên Chợ Gạo (Mỹ Tho) rồi vào Sài Gòn, tiếp tục hoạt động. Đồng chí tìm gặp các cán bộ, đảng viên, lập Ban Cán sự Sài Gòn, Ban Cán sự tỉnh Chợ Lớn, rồi Ban Cán sự tỉnh Gia Định và các tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Trong thời gian này, người đồng chí thân thiết của đồng chí là Dung Văn Phúc đã lập lại các Tỉnh ủy lâm thời cho các tỉnh miền Tây và miền Trung Nam Kỳ. Từ 13 đến 15 tháng 10 năm 1943, đại biểu tổ chức Đảng các tỉnh, thành họp hội nghị ở Chợ Gạo (tỉnh Mỹ Tho) quyết định tái lập Xứ ủy Nam Kỳ. Đồng chí Trần Văn Giàu không có mặt, hội nghị bầu đồng chí Phúc làm Bí thư. Đồng chí Phúc tạm nhận chức Bí thư và tuyên bố sẽ trao lại chức vụ này cho đồng chí Trần Văn Giàu, hội nghị đồng ý. Đối với lực lượng cách mạng trong giai đoạn này, đồng chí Trần Văn Giàu nhận xét, “Cơ sở của Phúc ở miền Trung và Tây là chủ yếu, cơ sở của tôi ở Sài Gòn và miền Đông là thứ yếu” .
Đến đầu năm 1945, tổ chức Đảng và các đoàn thể cách mạng được củng cố, kiện toàn, lớn mạnh hơn trước. Cùng lúc này, chớp lấy cơ hội, đồng chí Trần Văn Giàu đã “tương kế tựu kế” xây dựng thành công lực lượng Thanh niên Tiền Phong, tiếp sau đó là đưa Tổng Công đoàn Nam Bộ ra công khai với tên gọi Thanh niên Tiền Phong Ban Xí nghiệp, khiến cho lực lượng chính trị của cách mạng phát triển một cách nhảy vọt (bức phá). Khi thời cơ đến, với lực lượng cách mạng hùng hậu, kịp thời chớp lấy thời cơ, đồng chí đã lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Nam Kỳ nắm thế chủ động và tiến hành cuộc Tổng Khởi nghĩa Tháng Tám thành công tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và các tỉnh Nam Bộ, cướp chính quyền về tay nhân dân.
Nhân dân Nam Bộ hưởng độc lập, tự do chưa được trọn tháng, thì thực dân Pháp âm mưu quay lại thôn tính đất nước ta một lần nữa, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ, đồng chí Trần Văn Giàu đã đưa ra một trong những quyết định quan trong nhất của cuộc đời mình. Sau Hội nghị Cây Mai ngày 22 tháng 9 năm 1945, thay mặt Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ, đồng chí Trần Văn Giàu đã ra lời kêu gọi mở màn cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của đồng bào chiến sĩ Nam Bộ, đặt dấu ấn cho Nam Bộ “đi trước”.
Đồng chí Trần Văn Giàu, một nhân cách sáng ngời, một con người trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc
Đồng chí Trần Văn Giàu, một nhà cách mạng lão thành, suốt đời chiến đấu không mệt mỏi, vượt qua mọi gian nguy, thử thách vẫn sáng ngời niềm tin lý tưởng cách mạng và khí phách người đảng viên Cộng sản. Tiêu biểu cho những chiến sĩ cách mạng chân chính, kiên định lý tưởng vì dân, vì nước, gian khổ không sờn lòng, hiểm nguy không nản chí, giữ trọn phẩm tiết, tuyệt đối không để kẻ thù lung lạc. Với gương mặt luôn rạng ngời, ánh mắt lấp lánh niềm vui, cái cười hào sảng, dung dị và sự hóm hỉnh pha chút cao ngạo của đồng chí ẩn chứa bên trong đó những niềm đau khôn nguôi. Tuổi thanh xuân đồng chí đã hăng hái lên đường, dấn thân theo Cụ Hồ làm một “nhà cách mạng chuyên nghiệp”. Ðiều đó có nghĩa là đồng chí đã không chỉ sẵn sàng dâng hiến đời mình cho Tổ quốc, cho Cách mạng, mà còn hy sinh cả những hạnh phúc riêng. “Từ cuối năm 1930 đến hết năm 1943, tôi chỉ được sum họp với gia đình trước sau 3 lần, cộng lại chừng hơn 3 tháng. Tía tôi chết; con tôi chết; má tôi già, tựa cửa trông tôi. Vợ tôi hiu quạnh, nước mắt ướt gối. Tôi nhớ nhà lắm chớ! Tim tôi đâu phải bằng đá?... Tôi thèm được hôn má tôi và thèm được má tôi xoa đầu như hồi còn nhỏ.”
Đồng chí Trần Văn Giàu mang khí chất của một nhân sĩ Nam Bộ điển hình. Chất Nam Bộ toát ra từ trong giọng nói, nét cười, trong cách cư xử hàng ngày của đồng chí: vừa nhân hậu, bao dung nhưng cũng rất quyết liệt, thẳng thắn, vừa rất nghiêm khắc nhưng lại chân tình, nồng ấm. Tố chất Nam Bộ ấy cũng thẩm thấu vào mỗi công việc đồng chí làm, từ hoạt động cách mạng cho tới nghiên cứu khoa học, trong mỗi ý tưởng và trên từng trang viết. Là một nhà tổ chức hành động thực tiễn tài giỏi, rồi trở thành một người thầy mẫu mực, một nhà nghiên cứu uyên bác. Nhưng trên hết, đó là một chiến sĩ cộng sản luôn sẵn sàng làm mọi nhiệm vụ miễn là nhiệm vụ ấy, công việc ấy có lợi cho Đảng, cho cách mạng, cho Nhân dân. Những thăng trầm của cuộc đời đã không thể bẻ gãy được ý chí của người chiến sĩ cộng sản một lòng kiên trung với Đảng, một lòng vì nước, vì dân. Những công lao, cống hiến to lớn đã không làm cho người chiến sĩ ấy thay đổi phong cách sống của mình, vẫn bình dị gần gũi ngay cả khi giữ những chức vụ quan trọng và càng cao quí hơn khi trở lại cuộc sống bình thường với những nốt trầm trong cuộc sống.
Trong mọi cương vị, đồng chí đều nêu gương; đồng chí luôn tâm niệm “dạy người chính là dạy mình. Hằng ngày mình nghĩ và dạy người cái gì thì mình cũng phải làm như vậy,… Cho dù mình có lặp đi lặp lại hay ho đến mấy những tư tưởng của người khác mà bản thân mình không làm theo thì không thể là thầy giáo thật sự được”. Khi Đảng chủ trương đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đồng chí hết sức quan tâm và luôn căn dặn : Học Bác Hồ trước hết phải làm gương, nêu gương, giữ mình cho tốt, cho sạch.
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Trần Văn Giàu về sống tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi lưu dấu một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, thật hào hùng của đồng chí và thế hệ “nớp với giáo mang ngang vai”, làm nên kỳ tích vĩ đại của dân tộc và cách mạng. Dù tuổi đã cao, song đồng chí vẫn miệt mài lao động, nghiên cứu, miệt mài với những công trình khoa học xã hội và nhân văn đồ sộ của thành phố. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố, đồng chí đã tập hợp xung quanh mình những nhà nghiên cứu xuất sắc để đẩy mạnh sự phát triển khoa học xã hội gắn liền với thực tiễn sôi động của sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Chủ trì nhiều cuộc hội thảo, chủ biên nhiều cuốn sách, đồng thời các buổi nói chuyện của đồng chí luôn là tâm điểm thu hút mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong những công trình được thực hiện, thì Bộ “Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất. Có thể xem đây là một cuốn Bách khoa toàn thư về thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, nhiều tập sách có giá trị khác, cũng như những ý kiến đóng góp hết sức chân thành và sâu sắc của đồng chí đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố Hồ Chí Minh; đặc biệt là công tác xây dựng Đảng.
Từ một chàng học sinh yêu nước, đến một chiến sĩ cộng sản kiên trung, rồi trở thành một cây đại thụ của khoa học và giáo dục nước nhà, cuộc đời trăm năm của đồng chí không phút giây nào ngừng nghỉ. Cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, đồng chí vẫn luôn suy nghĩ cho những công việc chung mà không hề vướng bận chuyện riêng tư. Dù trong hoàn cảnh nào, trên vị trí công tác nào, đồng chí luôn dùng toàn tâm, toàn ý vận toàn lực để có thể cống hiến được nhiều nhất cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Cho dù cuộc đời nhiều thăng trầm, vấp phải những hoàn cảnh khó khăn, thử thách, nhưng người chiến sĩ cộng sản ấy vẫn sắc son một lòng với lý tưởng của Đảng, của dân tộc. Sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp văn hóa - giáo dục của đồng chí Trần Văn Giàu mãi mãi là di sản quý báu trong sự nghiệp xây dựng đất nước và phát triển nền khoa học - văn hoá - giáo dục nước nhà; trong quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố, xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh.