Trảng Bàng, huyện lỵ nằm ở phía Nam tỉnh Tây Ninh không phải là một vùng đất có lớn về địa lý hay quan trọng đặc biệt về chính trị, quân sự, cũng không phải là mảnh đất có các sự kiện lịch sử nổi bật…
Chính vì thế, bạn đọc có lẽ hẳn sẽ thấy tò mò khi nhìn cuốn sách Trảng Bàng phương chí của tác giả Vương Công Đức với hơn 800 trang. Một vùng đất như Trảng Bàng có gì để viết nhiều đến như thế?
Tuy nhiên, ấn tượng đầu tiên về cuốn sách lại không ở độ dày của nó mà ở chính tác giả. Có thể nói, dẫu biết rằng viết về một mảnh đất nào đó thì đầu tiên phải am hiểu mảnh đất đó nhưng sự am hiểu của Vương Công Đức lại vượt trên cả mong đợi. Không chỉ biết những chi tiết lớn, anh còn rành rẽ cả những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, không ai để ý. Trong buổi ra mắt sách, khi được hỏi về việc lựa chọn tấm hình nổi tiếng của Nick Út chụp cảnh cô bé Nguyễn Kim Phúc chạy trốn bom Napan (xảy ra trên đất Trảng Bảng) thì Vương Công Đức có thể miêu tả chi tiết phiên hiệu các đơn vị đóng quân tại Trảng Bàng khi đó, tên cấp chỉ huy, lịch sử hành quân, tên chiếc máy bay thực hiện cuộc tấn công… Rồi anh trả lời mọi câu hỏi về vùng đất Trảng Bàng không một chút chần chờ dù là câu hỏi về những điều nhỏ nhặt, ít ai quan tâm nhất. Nhà thơ, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc nhận xét: “Chỉ có thể bằng tình yêu nơi mình chôn nhau cắt rốn, bất vụ lợi thì người ta mới có thể dành nhiều thời gian và tâm lực đến thế”.
Về mặt thời gian, tác phẩm bắt đầu từ thời kỳ Vương quốc Phù Nam, tức khoảng đầu thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên cho đến tận năm 2013, nghĩa là bao trùm toàn bộ luôn cả lịch sử vùng đất Đông Nam bộ. Ngoài ra do trong lịch sử có một số giai đoạn vùng đất Trảng Bàng có tên gọi khác và diện tích cũng khác, có khi vươn đến cả huyện Gò Dầu, Bến Cầu, Dương Minh Châu, Bắc Long An… nên một số sự kiện tại các vùng này khi đó cũng đã được đưa vào sách.
Cuốn sách có giá trị quan trọng đối với những ai nghiên cứu về lịch sử không chỉ của vùng đất Trảng Bàng mà cả trong khu vực. Như vấn đề cuộc khởi binh của Lê Văn Khôi, lịch sử không ghi rõ về số phận tàn quân sau thất bại. Trong cuốn phương chí, tác giả đã có những phát hiện quan trọng về hạ lạc của đạo tàn quân này, lý giải một số sự kiện đã xảy ra vào thời điểm đó… Ngoài ra, cuốn sách cũng đề cập đến nhiều phương diện khác như văn hóa, con người, nguồn gốc tên gọi các địa danh, phong tục tập quán, tôn giáo, văn học nghệ thuật… và dành một phần quan trọng để liệt kê những nhân vật lịch sử của vùng đất Trảng Bàng.
Trảng Bàng phương chí vì thế không chỉ là một bộ sách về một địa danh nhỏ mà còn là một phần không thể tách rời của cả vùng đất rộng lớn. Cuốn sách góp mảnh ghép quan trọng cho bức tranh toàn cảnh về lịch sử và văn hóa của vùng đất phương Nam suốt chiều dài lịch sử cho đến nay.
XUÂN THÂN