Trang bị “bè qua sông”

Năm học 2010 - 2011, Bộ GD-ĐT đã chính thức yêu cầu lồng ghép giảng dạy kỹ năng sống vào chương trình các môn văn hóa từ lớp 1 đến lớp 12 với tổng cộng 21 kỹ năng. Tuy nhiên, khi thực thi, vấn đề đặt ra không chỉ đơn thuần là lồng ghép, tích hợp. Vấn đề là sự thấu hiểu và cách thức giáo dục kỹ năng sống như thế nào để đạt hiệu quả cuối cùng.

Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những nhận thức đầy ngộ nhận về giáo dục kỹ năng sống. Một số giáo viên giảng dạy cứ nghĩ giáo dục kỹ năng sống là những vấn đề lớn của công dân và biến giờ học thành những giờ lên lớp về đạo đức, lương tâm. Bởi họ không được trang bị thấu đáo để nhận thức rằng giáo dục kỹ năng sống là giáo dục những vấn đề hết sức bình thường, nhỏ nhưng tiện ích, giúp học sinh có những kiến thức, những trải nghiệm thú vị, thiết thực để tồn tại, thích nghi trước một đời sống đa dạng.

Chẳng hạn, có thể là những kiến thức sơ đẳng về an toàn thực phẩm giúp học sinh có thể tự mình trở thành một người tiêu dùng biết phân biệt tối thiểu hạn sử dụng, nhãn mác, thật giả (kỹ năng nhận thức - thích nghi). Có thể là cách chạy xe khôn ngoan để an toàn giữa trận đồ bát quái giao thông hiện nay (kỹ năng ứng phó căng thẳng).

Tựu trung, giáo dục kỹ năng sống không phải là những gì quá to lớn, trừu tượng mà đó chính là việc trang bị những kiến thức thiết yếu, cung cách ứng xử phù hợp, vừa tầm với lứa tuổi, và hình thành nhân cách, để giúp học sinh tự bảo vệ, cứu mình, cứu người, không thỏa hiệp với cái xấu.

Và nếu hiểu như thế, việc giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường đang rất cần một nhận thức đơn giản: Cho học sinh “chiếc bè qua sông”, nhằm giúp giới trẻ từ môi trường văn hóa học đường thời hội nhập có thể vững niềm tin và đầy nội lực bước vào đời.

LÊ TRIỀU SƠN

Tin cùng chuyên mục