
Ngày Lê Ngọc Lễ ra xã cát Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) xắn quần lội cát lập trang trại, ai cũng bảo “hâm”. Người ta nói vậy cũng có lý. Cát xứ này cả vạn đời nay không thứ gì mọc được, những bước chân con người bước trên cát cứ bỏng rát, máu lại tứa ra khi gió thổi cát bay. Vậy mà Lễ đã làm được, đã vắt cát ra tiền, nuôi sống vợ con, làm cho trai tráng xã nghèo Hải Ninh thay vì bỏ xứ đi làm thuê đã ở lại dốc sức cùng Lễ làm giàu trên cát.
- Đi chinh phục cát

Những động cát trắng lóa đến nhức mắt giờ đã được rừng keo lai của Lễ phủ màu xanh thẳm.
Chúng tôi theo chân Lễ đi trên những động cát nhưng lại đi dưới tán của những cánh rừng xanh ngắt đang rì rào đón gió. Dưới tán cây, Lễ kể cho chúng tôi nghe thời đói nghèo đeo đẳng hàng thế hệ: “Dân tui chưa lọt bụng mẹ đã nếm mùi nóng cháy của cát.
Ở biển nên lay lắt theo con cá biển nhưng vì quê tui là xã cát bãi ngang, chẳng có thuyền to, chỉ biết làm thuê, cuốc mướn. Có ước mơ cũng chỉ là mơ đủ ăn. Nghèo gia truyền, từ thuở khai thiên đó anh. Tui đẻ ra là nếm mùi cát. Mạ đẻ rớt tui trên cát, hôm tui chào đời đã lấm cát rồi. Năm 1983, sau khi xuất ngũ, tôi lại về với mảnh làng nghèo.
Gia đình tui nghèo nhất làng, ăn không đủ, đói hoa cả mắt. Cả nhà 9 miệng ăn, nhiều lúc đói đến nỗi củ sắn chỉ được dùng nấu cháo chứ làm bánh chẳng đủ dùng. Lúc đó xã tui thanh niên trai tráng bỏ vô Nam mần ăn hết, làng vắng tiệt thanh niên. Tui định khăn gói ra đi nhưng nghĩ đi tính lại, mình là nông dân bước ra thành thị kiếm việc đâu bằng mấy anh kỹ sư, bác sĩ. Cuối cùng, tui trụ lại với cát. Tốt nhất là tìm cách mần giàu từ nông nghiệp, rứa chỉ có cách lập trang trại mới vững”.
Khi Lễ tiến hành lập trang trại trên cát, người ta bảo “hâm”, vì cát có cho cây gì mọc lên đâu mà lập trang trại. Trong tiềm thức người dân nơi đây, những động cát trắng lóa đến nhức mắt kia chỉ dụng được hai việc: bỏ hoang và chôn người chết. Thế nhưng Lễ lại tính khác: “Nói bạo thì có chứ “hâm” thì tui không nhận mô. Trước khi có ý định lập trang trại, tui đi một mạch ra Thanh Hóa, vô Bình Thuận coi bà con sống trên cát như thế nào rồi về đi bộ hết 120km bờ biển Quảng Bình mới biết dưới cát là nước. Có nước thì lập trang trại được”.

Về nhà, Lễ làm đơn xin nhận 250ha cát, cặm cụi xây dựng đề án, dự toán ban đầu ngót trăm triệu nhưng nhà chẳng có đồng nào. Vợ Lễ phát ốm trước dự toán đó vì chị chưa bao giờ thấy được tờ năm mươi ngàn chứ đừng nói đến tiền triệu. Lễ thuyết phục mãi vợ cũng chạy mượn 5 cái sổ đỏ của anh em họ hàng cầm cố. Có được tiền vay, Lễ động thổ lập trang trại. Chuyện này ngày đó là việc động trời. Lãnh đạo huyện, tỉnh nghe tin liền lên động viên vì đây là trang trại đầu tiên ở miền cát cháy bỏng.
Mồ hôi của Lễ và gia đình bắt đầu đổ xuống cát với quyết tâm “hoặc chiến thắng cát hoặc trắng mặt như cát”. Mấy năm ròng bước chân của Lễ miết dúi lên cát để gánh ngàn vạn cây phi lao, keo lai đến nỗi đôi vai sưng lên đau buốt; bao lần ngã dụi mặt xuống cát. Những lần như thế, Lễ gần như kiệt sức, muốn bỏ cuộc nhưng lại nghĩ, bỏ ngang thế này thì vợ con bấu víu vào đâu, cát cũng là đất, mà đất đâu phụ người.
Nghĩ thế, Lễ lại gồng mình lên, tráng kiện hơn để chinh phục cát. Cứ thế, Lễ làm ngày làm đêm, cây trồng ra cứ tươi tốt mọc, lúc đầu một hécta, sau đó 25 ha rồi hàng trăm hécta và cuối cùng dáng hình của trang trại trên động cát bay đã hiện ra, màu xanh đã khỏa lấp cái trắng lóa mắt của cát. Lúc đó gã “hâm” ôm vợ hét toáng cả một vùng cát vì đã làm được chuyện mà cổ nhân chưa làm được. Việc này, dư địa chí của xã biển Hải Ninh đã viết về Lễ như vị thành hoàng thứ hai của làng.
- Cát nở hoa “kéo” người tha hương trở lại
Cũng như bao trang trại của những nông dân khác, để làm việc lớn phải bắt đầu từ lấy ngắn nuôi dài, Lễ cũng không ngoài tinh thần đó. Đầu tiên, Lễ bắt đầu ươm cây giống. Lúc đó, các lâm trường nhà nước chỉ dám ươm mỗi năm ba vạn cây, Lễ lại ươm tới 50 vạn cây. Nhiều người không tin, nhưng cuối vụ, nhiều chuyên gia, lãnh đạo đến tham quan ngạc nhiên vì 50 vạn cây không chết cây nào. Người ta ví chuyện này như cuộc cách mạng trên cát.
Lễ lại nói: “Cách mạng gì đâu, tui mạnh dạn đầu tư mua máy bơm và thuê nhân công là mần được còn lâm trường thì ì ạch mần răng thoát ra được”. Lễ còn làm ngạc nhiên nhiều kỹ sư nông nghiệp bằng việc đưa cây keo lai trồng trên cát. Ở cát chỉ cây phi lao sống được nhưng Lễ lại cho cây keo lai lớn khỏe bằng cách trồng keo lai dưới chân phi lao để cộng hưởng nhau lấy nước từ cát. Khi kiểm nghiệm, các chuyên gia kết luận, giá trị keo lai trồng trên cát cho lợi gấp 5 lần cây phi lao và lớn nhanh hơn trồng phi lao ở đất đồi núi. Với cách này, nhiều lâm trường đã học Lễ, nhiều chủ trang trại khăn gói tìm Lễ để “tầm sư”.

Một góc trại heo của Lễ.
Ngoài trồng thành công rừng, Lễ còn nuôi hơn 200 con bò trên cát, và là người số một đưa nghề chăn nuôi heo công nghiệp quy mô lớn trên cát. Mỗi năm, Lễ xuất chuồng hàng trăm tấn heo thịt và hơn ngàn con heo giống. Ngoài ra, Lễ còn đào cát nuôi cá, trồng hàng vạn cọc thanh long nhập từ Bình Thuận. Việc nào cũng thành công mỹ mãn, lợn, bò béo núc, thanh long cứ như thích Lễ mà sai quả vô vàn. Lễ khoe, mỗi năm lãi ròng hơn bốn trăm triệu.
Làm được trang trại được xem chuyện hiếm ở xứ cát, nhưng hay hơn là Lễ đã tạo ra làn sóng hồi hương của hàng trăm thanh niên bỏ xứ vào Nam làm ăn về làng cát lập nghiệp. Một thanh niên tên Nguyễn Văn Hoàng nói rằng: “Tụi em vô Nam làm thuê suốt đời cũng chỉ làm thuê, làm không có tích cóp, chỉ đủ sinh hoạt. Ngày bọn em rủ vô nam Lễ không đi, anh em chửi ngu. Chừ mới biết Lễ đúng.
Khi nghe tin Lễ làm ăn trên cát được, hơn năm trăm thanh niên trở về, kẻ làm công cho Lễ, người được Lễ giúp vốn không lấy lãi để lập trang trại thì sướng không chi bằng. Bây chừ xã cát Hải Ninh không còn người thất nghiệp, cũng chẳng còn gia đình nghèo gia truyền nữa. Có người giàu lên từ cát rồi anh nờ. Cái ngày bọn em vô Nam mấy năm trước, cả xã có tới 90% người thất nghiệp, đói nghèo chẳng đếm hết. Rứa mà chừ nhờ có Lễ, cả xã đã thoát được cảnh nghèo leo lắt trên cát”.
Tôi hỏi Lễ chuyện giúp người cùng lập trang trại, Lễ vừa nói vừa kéo vạt áo lau mồ hôi: “Cũng là làm cho quê hương mà anh”. Chính tinh thần đó mà không biết từ khi nào, ở xã biển Hải Ninh lưu truyền câu vè rằng:
Cát này của Hải Ninh/Cát trắng lóa vạn đời/Cát bời bời không xuể/Để Lễ vắt ra nước/Bắt cát nuôi được người/Nụ cười như cát nổ/Vì hết khổ từ nay.
DƯƠNG MINH PHONG