Phiên tòa xét xử vụ án tham ô tại PVP Land

Tranh cãi gay gắt 14 tỷ đồng tham ô của Trịnh Xuân Thanh

Ngày 26-1, phiên tòa sơ thẩm xét xử 8 bị cáo trong vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) tiếp tục diễn ra với phần tranh tụng của nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo. 
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTXVN
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTXVN
Tại phiên tòa này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) có tới 5 luật sư bào chữa. Trịnh Xuân Thanh cũng là bị cáo bị đề nghị mức án chung thân - mức án cao nhất trong số các bị cáo còn lại trong vụ án. Do đó trong phần tranh tụng, các luật sư đã dành nhiều ý kiến để bào chữa cho nguyên Chủ tịch HĐQT PVC. 
Trước tòa, liên quan tới cáo buộc bị cáo Trịnh Xuân Thanh đồng ý bán cổ phần của PVP Land (nơi PVC nắm 28% vốn) tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương, cụ thể là bán đất tại dự án Nam Đàn Plaza với giá 34 triệu đồng/m² (thấp hơn thực tế 18 triệu đồng/m²) cho bị cáo Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty cổ phần Minh Ngân) và sau đó tham ô 14 tỷ đồng, luật sư Nguyễn Quốc Hùng nêu quan điểm cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo Thanh là chưa chính xác và lời khai của các bị cáo về nội dung này còn mâu thuẫn.
Hơn nữa khi bị cáo Lê Hòa Bình bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Dự án Thanh Hà - Cienco 5 thì bị cáo Thanh đã trả lại 14 tỷ đồng. Do đó, luật sư Hùng đề nghị HĐXX cho thực nghiệm điều tra ngay tại tòa về chiếc vali chứa 14 tỷ đồng đã đưa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
“14 tỷ đồng là số tiền rất lớn thì khó có thể chứa đựng trong 1 chiếc vali được. Việc này là chứng cứ rất quan trọng trong việc chứng minh có hay không việc bị cáo Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà) chuyển đủ 14 tỷ đồng cho bị cáo Thanh...” - luật sư Hùng nói.
Trong khi đó, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, trong vụ án này việc xác định tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt là không chính xác.
“Vốn của Nhà nước ở PVN có 87% vốn. Sau đó PVC góp vốn 28% vào PVP Land. PVP Land lại góp vốn vào Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Vậy tiền của Nhà nước ở đâu?” - luật sư Phúc đặt vấn đề.
Luật sư Phúc cũng cho rằng, nếu xác định bị cáo Thanh chiếm đoạt tài sản thì có thể hiểu là chiếm đoạt tài sản của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương, trong khi bị cáo Thanh khi đó là Chủ tịch HĐQT của PVC, không được giao công vụ gì ở PVP Land.
“Vậy thì bị cáo Thanh có lợi dụng chức vụ của mình để chiếm đoạt tài sản?” - luật sư Trần Hồng Phúc nói. 
Tiếp tục bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng, thời điểm PVP Land chuyển nhượng cổ phần, HĐTV của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có chủ trương từ năm 2009 để thoái vốn ở PV Power (chủ sở hữu 28% vốn của PVP Land trước khi chuyển cho PVC). Chủ trương này đến năm 2010 được giao cho PVC thực hiện nên bị cáo Thanh không thể chỉ đạo việc thoái vốn.
“Bị cáo Trịnh Xuân Thanh có chỉ đạo được việc thoái vốn như cáo buộc của Viện Kiểm sát hay không, tôi khẳng định là không” - luật sư Quynh nói.
Theo luật sư, việc Trịnh Xuân Thanh biết được mức giá thật 52 triệu đồng/m² tại dự án Nam Đàn Plaza có hay không cũng không ảnh hưởng gì đến việc thoái vốn cũng như việc bán cổ phần. Bởi theo quy chế điều lệ của PVC và việc PVC chỉ nắm giữ 28% cổ phần tại PVP Land thì Trịnh Xuân Thanh không có quyền chi phối HĐQT của PVP Land trong việc thoái vốn.
Luật sư Quỳnh cũng trích dẫn bút lục lời khai của bị cáo Lê Hòa Bình thể hiện bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (môi giới tự do) thỏa thuận giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng với PVP Land là 34 triệu đồng/m². Do vậy, các luật sư cho rằng, quá trình chuyển nhượng cổ phần không thể hiện vai trò của bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Thanh không phạm tội tham ô tài sản.

Tin cùng chuyên mục