Tranh luận căng thẳng sau đề nghị trả hồ sơ vụ án tai biến chạy thận ở Hòa Bình

Ngày 30-5, phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo liên quan tới vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 8 bệnh nhân tử vong tiếp tục diễn ra tranh luận dù trước đó đại diện VKSND TP Hòa Bình giữ quyền công tố tại phiên tòa đã có ý kiến đề nghị với HĐXX xem xét trả lời hồ sơ vụ án đề điều tra bổ sung vì xuất hiện tình tiết mới trong quá trình xét xử.

 

Trước ý kiến đề nghị trả lại hồ sơ vụ án của cơ quan tố tụng, Luật sư Hoàng Ngọc Biên bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ Đơn nguyên Thận nhân tạo) đã có ý kiến đối đáp lại cho rằng không có cơ sở để trả hồ sơ điều tra bổ sung theo đề nghị của đại diện VKS.

Lý giải cho ý kiến này, Luật sư Biên cho rằng, khi xem xét về trách nhiệm trong vụ án thì trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên thụ lý hồ sơ vụ án phải chịu trách nhiệm trong giai đoạn điều tra.

Với cơ quan truy tố, trách nhiệm thuộc về viện trưởng, phó viện trưởng VKS và kiểm sát viên tham gia vụ án.

Với tòa án, khi xét xử công khai, trách nhiệm thuộc HĐXX và nghị án theo đa số.

"Trong phạm vi trách nhiệm xét xử vụ án không có căn cứ để trả hồ sơ", Luật sư Biên nhấn mạnh.

Để tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình, Luật sư Biên viện dẫn theo khoản 1 Điều 320 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong quá trình thẩm vấn, xét hỏi và luận tội, nếu VKS thấy không có đủ căn cứ thì phải rút quyết định truy tố và đề nghị tuyên bố vô tội, không phải thấy sai rồi thì trả lại hồ sơ.

Từ những lập luận trên, luật sư Biên cho rằng, không có căn cứ để HĐXX xem xét trả hồ sơ theo đề nghị của VKS.

"Khi cân nhắc truy tố 1 người, không phải thích thì truy tố, không thích thì rút về…”, Luật sư Biên bày tỏ bức xúc.

Tranh luận căng thẳng sau đề nghị trả hồ sơ vụ án tai biến chạy thận ở Hòa Bình ảnh 1 Luật sư Trần Hồng Phúc đề nghị xem xét trách nhiệm Bộ Y tế

Trong khi đó tiếp tục nêu quan điểm đối đáp lại với đại diện cơ quan tố tụng, Luật sư Trần Hồng Phúc bào chữa cho bị cáo Lương đã đề nghị VKS xác định trách nhiệm của Bộ Y tế để có những kiến nghị kịp thời về công tác quản lý thiết bị y tế của Nhà nước.

"Tôi không đồng ý với cách trả lời của Bộ Y tế. Nếu như không có cảnh báo sẽ còn nhiều sự cố như Hòa Bình xảy ra…", Luật sư Phúc chỉ rõ.

Tiếp tục trình bày, Luật sư Phúc cho rằng, trong hồ sơ vụ án không hề có sự thu thập nguồn kiến thức nào về tiêu chuẩn nước chạy thận AAMI nên nếu dựa trên vấn đề này để đánh giá, buộc tội các bị cáo khi không có tài liệu chứng cứ, kết luận chuyên môn chính xác, gây hiểu nhầm cho cơ quan tố tụng.

Tiếp tục đề cập tới trách nhiệm của Bộ Y tế, Luật sư Phúc đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế đã làm sai. Bởi theo Luật sư Phúc, thời gian tố tụng vụ án này đã kéo dài đến hơn 11 tháng mà không thể ra được một bản án, không thể xét xử được các bị cáo chỉ vì một công văn trả lời của Bộ Y tế về tiêu chuẩn và xét nghiệm nước chạy thận AAMI có các kiến thức không chuẩn, không thống nhất, có sự mâu thuẫn và có nhiều điểm bất lợi để buộc tội đối với bị cáo Hoàng Công Lương.

Đối đáp lại các ý kiến trên của luật sư, Kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng đại diện cơ quan công tố tại phiên tòa khẳng định VKS không vi phạm các nguyên tắc tố tụng. Về việc cơ quan điều tra cho bác sĩ Lương xem cuốn sổ giao ban của khoa trong quá trình hỏi cung, đại diện VKS cho rằng việc đánh giá chứng cứ trên cơ sở khách quan toàn diện, không có dụ cung, mớm cung vì trước đó BS Lương đã khai về nhiệm vụ được giao tại Đơn nguyên Thận nhân tạo.

Việc bỏ ra ngoài tài liệu của bác sĩ Linh (Đơn nguyên Thận nhân tạo) cung cấp trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên  Thu Hẳng cho biết, qua kiểm tra lại hồ sơ kiểm sát cho thấy các kiểm sát viên đã có buổi làm việc với bác sĩ Linh, song qua đánh giá chứng cứ của kiểm sát không thấy có dấu hiệu của việc làm sai lệch hồ sơ vụ án. Lời khai của bác sĩ Linh là cả 3 bác sĩ ở Đơn nguyên Thận nhân tạo đều có quyền ra y lệnh chạy thận nên đây là lời khai có lợi cho bác sĩ Lương.

Về chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng phải là người có trách nhiệm, đại diện cơ quan tố tụng cho biết bị cáo Lương đã thừa nhận về nhiệm vụ được phân công tại Đơn nguyên Thận nhân tạo, cũng như việc ký duyệt y lệnh cho các bác sĩ khác.

“Nếu không được trưởng khoa giao thì bị cáo Lương không thể được phép làm việc này…”, Kiểm sát viên Thu Hằng nhấn mạnh.

Tranh luận căng thẳng sau đề nghị trả hồ sơ vụ án tai biến chạy thận ở Hòa Bình ảnh 2 Phiên tòa xét xử vụ án tai biến chạy thận tại BV Hòa Bình đã diễn ra tranh luận căng thẳng

Đại diện cơ quan tố tụng cũng cho rằng, về hành vi khách quan việc bác sĩ Lương ký đề xuất sửa chữa hệ thống RO ngày 20-4-2017 là hành vi phát sinh trách nhiệm vì sau đó bác sĩ Lương biết rõ việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO vào ngày 28-5-2017.

VKS cáo buộc bị cáo Lương đã không kiểm tra lại thông tin sau khi sửa chữa hệ thống lọc nước RO, chứ không cáo buộc bị cáo Lương phải là kiểm tra hệ thống RO, hay chất lượng nước.

“Lương phải kiểm tra xem hệ thống RO đã được sửa chữa xong chưa, có bàn giao không, Quốc và Sơn đã hoàn thành như thế nào thì mới được phép ra y lệnh…", đại diện VKS nhấn mạnh.

Kiểm sát viên Hằng cũng cho rằng bác sĩ Lương là người duyệt y lệnh cuối cùng về chạy thận và đây là quy chế chuyên môn. Trong khi trước khi ra y lệnh thì phải đảm bảo tất cả các quy trình chuyên môn đảm bảo an toàn và phải báo cáo trưởng khoa.

"Hành vi của bác sĩ Lương không vượt quá chuyên môn nhưng lại vượt quá thẩm quyền được giao “tổng duyệt y lệnh”, đại diện cơ quan tố tụng nhấn mạnh.

Đối với ý kiến của luật sư cho rằng cần xem xét trách nhiệm của ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình) và một số người khác có liên quan, đại diện cơ quan tố tụng cho rằng đối với trách nhiệm của những người liên quan đề nghị luật sư kiến nghị với HĐXX, về phía VKS cũng sẽ xem xét các ý kiến, tình tiết mới mà luật sư đưa ra để xem xét mở rộng điều tra, truy tố ở giai đoạn sau của vụ án.

Tin cùng chuyên mục