Còn lớp trẻ đang lớn lên với một khoảng trống khi nói về nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương… Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT-DL Lê Thị Thu Hiền xung quanh vấn đề này.
Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT-DL Lê Thị Thu Hiền
PHÓNG VIÊN: Thực tế cho thấy, nhiều năm nay việc tuyển sinh vào khoa văn hóa nghệ thuật truyền thống của trường nghệ thuật gặp khó khăn. Thậm chí có nhiều khoa không thể tuyển sinh… Bộ VH-TT-DL đã có giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn này?
Bà LÊ THỊ THU HIỀN: Trong những năm qua Bộ VH-TT-DL đã đề xuất với Chính phủ và phối hợp với các đơn vị liên quan cho phép triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù. Năm 2013 bộ đã xây dựng đề án tuyển sinh riêng cho đại học, cao đẳng hệ chính quy vào các trường khối văn hóa nghệ thuật (VH-NT). Việc thực hiện đề án tuyển sinh riêng từ khi được triển khai cho đến nay đã tạo nguồn rộng rãi và nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào có tính đặc thù, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Bộ GD-ĐT cho phép hạ thấp ngưỡng điểm đầu vào xét tuyển môn văn hóa đối các ngành tuyển sinh khối nghệ thuật so với các khối khác, để phù hợp với đặc thù thi tuyển năng khiếu, nhằm thu hút những thí sinh có năng khiếu, tài năng vượt trội trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng, tham gia học tập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực VH-NT.
Năm 2013, Bộ VH-TT-DL đã phê duyệt 4 dự án về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho nhà hát tuồng, chèo, cải lương và ca, múa, nhạc, nhằm chủ động nguồn tuyển sinh và đào tạo. Việc đào tạo tiến hành vừa tại các trường, vừa kèm cặp truyền nghề tại nhà hát để đảm bảo học viên có kỹ thuật bài bản và được truyền nghề, thực hành nghệ thuật từ các nghệ sĩ của nhà hát.
Hiện Bộ VH-TT-DL cũng đang xây dựng đề án đặt hàng đào tạo lĩnh vực VH-NT một số ngành/chuyên ngành VH-NT đặc thù, nghệ thuật truyền thống, khó tuyển, đang thiếu nhân lực với chủ trương Nhà nước giao nhiệm vụ gắn với giao kinh phí cho các cơ sở đào tạo thực hiện. Dự kiến đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào cuối năm 2018.
Thí sinh thi tuyển vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM. Ảnh TL
Tại nhiều tỉnh, thành phố đang diễn ra quá trình sáp nhập, chỉ còn một đoàn nghệ thuật công lập truyền thống. Lộ trình này được tiến hành như thế nào?
Hiện nay, việc này đang thực hiện khá mạnh và nhanh khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Có tỉnh giảm số lượng đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, như Thanh Hóa sáp nhập 5 đoàn ca múa và kịch, tuồng, chèo, cải lương vào thành 2 đơn vị là Nhà hát Lam Sơn và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống). Có tỉnh sát nhập đơn nghệ thuật vào trung tâm văn hóa thành một đầu mối, như Lạng Sơn sáp nhập đoàn ca múa kịch vào trung tâm văn hóa thành Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật… Các tỉnh thành khác cũng cơ bản thực hiện theo lộ trình tương tự.
Làm thế nào để việc sáp nhập này phát huy sức mạnh của các ngành chứ không đơn thuần là gộp chung khiến các nghệ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống vốn đã rất khó khăn để có đất diễn, nay lại phải cạnh tranh nhiều hơn?
Tất nhiên, việc sáp nhập lúc đầu sẽ gặp những khó khăn nhất định, ví dụ như giải quyết chế độ chính sách cho những nghệ sĩ hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Có nhiều nghệ sĩ đã cống hiến 20-30 năm từ khi còn rất trẻ. Họ hoạt động cho nhiều loại hình nghệ thuật trong một đơn vị… Những khó khăn này đòi hỏi các chính sách có tính đặc thù, phù hợp với từng địa phương, để người nghệ sĩ nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền sau khi sáp nhập và tránh tình trạng nóng vội khi xóa một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp có nhiều đóng góp trong nhiều giai đoạn cách mạng. Sau đó, các tỉnh, thành sẽ có điều kiện tập trung hơn trong việc đầu tư, gìn giữ bảo tồn và phát triển cho loại hình nghệ thuật có tính truyền thống tiêu biểu tại địa phương; phát huy tính tự chủ, sáng tạo, mạnh dạn dám nghĩ dám làm của các tập thể, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật; thúc đẩy xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào nghệ thuật biểu diễn mạnh hơn, sâu hơn; nghệ sĩ, công chúng nghệ thuật sẽ chủ động hơn trong quá trình sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật biểu diễn nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng.
Không chỉ ở địa phương mà nhiều nhà hát nghệ thuật truyền thống ở trung ương cũng lâm vào tình trạng nghệ sĩ không sống được với nghề, người diễn không còn đất diễn…
Trong thời gian tới, thậm chí sẽ có nhiều tỉnh, thành phố không còn đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp nữa sau khi tiến hành sáp nhập, giảm đầu mối. Điều này xảy ra khi địa phương đó xác định không có loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu nào cần duy trì với tư cách một đơn vị độc lập. Một số loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống sẽ không tồn tại dưới cái vỏ bọc là các đơn vị nghệ thuật công lập nữa mà sẽ tồn tại ở một thực thể kiểu khác. Thực tế đã xảy ra là có nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống hoạt động khá khó khăn nhưng những nghệ sĩ của chính đơn vị đó có thực tài thì vẫn sống, thậm chí sống tốt bằng nghề vì họ thường xuyên được mời biểu diễn với tư cách cá nhân hoặc là nhóm nghệ sĩ với mức thù lao vượt rất nhiều thù lao nhà nước quy định.
Mỗi một loại hình nghệ thuật luôn có không gian, thời gian tồn tại tốt nhất, phát triển nhất của nó. Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt nam cũng vậy. Nếu nhiều năm nay nó đang tồn tại trong thời kỳ thoái trào thì việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 sẽ là cú hích thúc đẩy nghệ thuật truyền thống phát triển với những phương pháp và cách thức khác, đa dạng hơn rất nhiều so với cái cách mà chúng ta thấy. Thực hiện nghị quyết Trung ương 6 sẽ làm giảm mạnh, thậm chí chấm dứt cơ bản tình trạng nghệ sĩ - công chức với sức ì sáng tạo đã tồn tại quá lâu trong cơ chế bao cấp xin cho.
Bộ VH-TT-DL có đề xuất hoặc ưu đãi đặc thù gì để duy trì và giữ gìn nghệ thuật truyền thống?
Bộ VH-TT-DL ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh việc giao tự chủ tại các đơn vị nghệ thuật trực thuộc bộ theo lộ trình giảm dần tỷ lệ rót vốn ngân sách từng năm, trao quyền nhiều hơn cho lãnh đạo các nhà hát… thì sẽ phối hợp cùng với các tỉnh, thành phố xác định thế mạnh nghệ thuật biểu diễn có tính truyền thống tại địa phương cần được giữ với tư cách là một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp độc lập. Sau đó đầu tư bằng nhiều cách, ví dụ như thực hiện cơ chế đặt hàng xây dựng chương trình, tiết mục, vở diễn chất lượng cao; hỗ trợ mua sắm thiết bị phục vụ biểu diễn; đào tạo nghệ sĩ biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống có địa chỉ dựa trên nhu cầu thực tế của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn; tiếp tục thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu, đề xuất những chính sách mới về ưu đãi thuế, bố trí quỹ đất đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng, thúc đẩy xã hội hóa mạnh mẽ hơn, sâu hơn nữa lĩnh vực này trong thời gian tới.