Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn

Trao tặng thư viện sách quý giá

Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn (trái) trao tặng sách cho Bảo tàng Dân tộc học. - PV:
Trao tặng thư viện sách quý giá

GS Đặng Nghiêm Vạn vừa trao tặng một phần lớn sách trong thư viện đồ sộ của ông cho Bảo tàng Dân tộc học. Thư viện này do đích thân giáo sư tích lũy trong suốt cuộc đời nghiên cứu say mê và đầy sáng tạo của ông, bao gồm hàng ngàn tài liệu quý giá.Việc này còn  có ý nghĩa rất lớn đối với Bảo tàng Dân tộc học nói riêng và xã hội nói chung.

Trao tặng thư viện sách quý giá ảnh 1

Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn (trái) trao tặng sách cho Bảo tàng Dân tộc học.

- PV: Xin ông giới thiệu qua về nội dung thư viện mà ông đã trao tặng cho Bảo tàng Dân tộc học?

Ông ĐẶNG NGHIÊM VẠN: Phần thư viện tôi tặng cho Bảo tàng Dân tộc học gồm hơn 3.000 đầu sách về dân tộc học và nhân học, khoảng 800 tạp chí chuyên ngành dân tộc học và rất nhiều luận án, luận văn, báo cáo khoa học, những bài báo do tôi sưu tầm, tuyển chọn trong quá trình nghiên cứu và các tư liệu điền dã chưa công bố của bản thân tôi. Ngoài những tài liệu Việt ngữ, trong thư viện này còn nhiều tài liệu tiếng Anh, Pháp, Nga...

- Việc tích lũy, sưu tầm cho một thư viện cá nhân lớn như vậy hẳn là có rất nhiều khó khăn?

Kể chuyện sưu tầm sách của tôi thì dài lắm, biết kể đến bao giờ cho hết. Nhưng quả thật là khó khăn thì rất nhiều, đặc biệt trong thời bao cấp nghèo khó mà sách lại đắt. Có những khi muốn mua được sách, tôi còn phải nhịn ăn, thậm chí là phải giấu vợ mà mua sách. Có những cuốn sách quý  hiếm, có tiền cũng khó mà mua được. Trong thư viện của tôi có nhiều cuốn sách quý tôi phải đặt trước tiền ở những hiệu sách của Liên Xô (cũ) để nhờ họ tìm mua giúp.

- Thư viện riêng của giáo sư có giá trị rất lớn. Tại sao giáo sư lại trao tặng cho bảo tàng mà không lưu tâm đến việc thư viện có thể đem về một khoản thu khá lớn?

Người trí thức chúng tôi không quá coi trọng tiền bạc. Có người đã trả 300 triệu đồng cho thư viện của tôi. Nhưng khi tôi chết, liệu có thể mang tiền bạc theo không? Trước đây, khi tôi còn ở Liên Xô, tôi đã được thấy nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học nổi danh cũng trao tặng những tài liệu họ tích lũy suốt đời cho thư viện Lenin. Tôi thấy đó là một việc làm đẹp và có ý nghĩa.

- Tuy tuổi của giáo sư đã cao nhưng vẫn có thể hoạt động được nên nhiều người cho rằng quyết định trao tặng thư viện của giáo sư là hành động quá sớm?

Không sớm vì hiện nay sức khỏe tôi đã yếu rồi. Năm ngoái, tôi bị xuất huyết não tưởng không qua khỏi, đến giờ bệnh này vẫn làm tôi thường xuyên mệt mỏi và dễ nóng giận. Bác sĩ cấm tôi làm việc.

- Nói như vậy, phải chăng giáo sư đã quyết định dành thời gian để nghỉ ngơi, không hoạt động nghiên cứu nữa?

Tôi vẫn tiếp tục làm việc, nghiên cứu nhưng chỉ có thể trong phạm vi sức khỏe cho phép.

- Cảm ơn giáo sư.

Thu Quỳnh

Tin cùng chuyên mục