Trẻ đối mặt với nguy cơ cao khi tiêm thiếu mũi hoặc tiêm muộn vaccine

Sáng 16-12, Hội Bác sĩ gia đình TPHCM tổ chức tọa đàm “Tầm quan trọng của việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong bối cảnh Covid-19”. Tọa đàm nhằm mục đích cung cấp những lưu ý về tầm quan trọng của việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1) và PGS-TS-BS Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM chia sẻ tại buổi tọa đàm
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1) và PGS-TS-BS Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM chia sẻ tại buổi tọa đàm

Đồng thời, tọa đàm cũng cung cấp những lưu ý về lịch tiêm chủng cho trẻ em và cả người lớn để hạn chế nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

 Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia dịch tễ cho biết, sự gián đoạn của các chương trình tiêm chủng vaccine do Covid-19 đang là vấn đề y tế đáng báo động. Sự gián đoạn này có thể làm gia tăng số người mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác và có khả năng làm tăng nguy cơ bùng phát thành các làn sóng dịch bệnh trong cộng đồng, tạo nên gánh nặng kép bên cạnh Covid-19.

Theo cảnh báo mới nhất từ Liên minh Toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI), WHO và UNICEF, có tối thiểu 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi ở 68 quốc gia đang có nguy cơ mắc các bệnh như bạch hầu, sởi và bại liệt do các chương trình tiêm chủng đang bị gián đoạn vì Covid-19.

Nếu không được tiêm chủng, tiêm thiếu mũi hoặc tiêm muộn so với lịch khuyến cáo, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Điều này đe dọa đến thành tựu của toàn nhân loại trong nhiều năm nỗ lực chống lại các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vaccine.

Nguyên nhân của việc trì hoãn tiêm chủng hiện nay phần lớn xuất phát từ việc người dân lo ngại bị lây nhiễm Covid-19 tại những nơi tập trung đông người. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm vacicne để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tiêm ngừa vaccine được chứng minh là phương pháp hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vaccine để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó.

Đến nay đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vacicne phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vaccine vào sử dụng phổ cập cho người dân. Tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với nỗ lực y tế dự phòng của toàn xã hội.

“Việt Nam trong nhiều năm qua đã triển khai tốt và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp từ chương trình Tiêm chủng mở rộng, giúp giảm thiểu tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm thường gặp như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, sởi đến hàng ngàn lần so với thời kỳ trước”, PGS-TS-BS Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM chia sẻ.

Các chuyên gia khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng trong bối cảnh dịch Covid-19, người dân cần tuân thủ lịch tiêm vaccine để tiêm đủ mũi, đủ liều và đúng lịch trình.

Đặc biệt, cần lưu ý các mốc tiêm chủng quan trọng cho các đối tượng đặc biệt nhạy cảm như trẻ em bao gồm: 12 tháng đầu đời – đây là giai đoạn quan trọng khi trẻ được tiêm hầu hết các mũi vaccine cơ bản cần thiết; năm tuổi thứ 2 đến trước 4 tuổi – là giai đoạn hoàn tất các mũi tiêm cơ bản cần thiết và những mũi tiêm nhắc đầu tiên để củng cố miễn dịch; tuổi tiền học đường - là giai đoạn quan trọng tiếp theo củng cố miễn dịch nhằm bảo vệ cho trẻ trước khi bước vào môi trường mới.

Bên cạnh đó, người lớn và người già vẫn có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sức khỏe từ các bệnh lây nhiễm nếu không được tiêm phòng các bệnh cần thiết như: cúm mùa, thủy đậu, bệnh do phế cầu,… theo sự hướng dẫn từ các chuyên gia y tế. Một số bệnh như cúm mùa có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi và các hệ lụy không ngờ đến như đau tim và đột quỵ.

Tin cùng chuyên mục