Trẻ khuyết tật hòa nhập: Gian nan hành trình đến lớp

Điều 7, chương I của Điều lệ trường tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 30-12-2010 quy định, người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông, được ưu tiên trong tuyển sinh và miễn, giảm chi phí đào tạo. Nhưng trên thực tế, các trường hiện nay đều né tránh việc tiếp nhận trẻ hòa nhập khiến hành trình trở về cuộc sống bình thường của những đứa trẻ kém may mắn trở nên xa vời…
Trẻ khuyết tật hòa nhập: Gian nan hành trình đến lớp

Điều 7, chương I của Điều lệ trường tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 30-12-2010 quy định, người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông, được ưu tiên trong tuyển sinh và miễn, giảm chi phí đào tạo. Nhưng trên thực tế, các trường hiện nay đều né tránh việc tiếp nhận trẻ hòa nhập khiến hành trình trở về cuộc sống bình thường của những đứa trẻ kém may mắn trở nên xa vời…

        Phụ huynh lo

Có mặt tại cổng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 5, TPHCM) - một trong những ngôi trường tiểu học hiếm hoi của thành phố có số lượng trẻ hòa nhập vượt quá con số 100, anh T., phụ huynh có con đang học tại đây cho biết, trước khi vào học ở đây, con anh đã chuyển trường đến 4 lần. “Trường tiểu học đầu tiên theo phân tuyến địa bàn cư trú từ chối tiếp nhận cháu do có khuyết tật về trí tuệ. Ngôi trường thứ hai đồng ý tiếp nhận nhưng chưa đầy 2 tháng, giáo viên chủ nhiệm đã gọi phụ huynh lên yêu cầu chuyển trường. Lặn lội sang các trường ở khu vực lân cận, nơi nào cũng nhận cháu được dăm bữa, nửa tháng rồi gởi trả về cho gia đình. Mọi hy vọng tưởng chừng vụt tắt cho đến khi tôi được một người quen giới thiệu Trường TH Trần Quốc Toản”, anh T. nhớ lại chuỗi ngày vất vả tìm trường cho con.

Một giờ tập vẽ của học sinh hòa nhập ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 5).

Một giờ tập vẽ của học sinh hòa nhập ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 5).

Đồng cảnh ngộ, chị P.T.M., phụ huynh có con đang học hòa nhập tại một trường tiểu học trên địa bàn quận 3, cho biết: “Thời gian đầu tìm trường cho con, đi đến đâu gia đình cũng nhận được lời khuyên nên gởi cháu vào trường chuyên biệt. Nhưng bác sĩ nói bệnh tình của cháu chưa đến mức nghiêm trọng, nếu được tạo điều kiện học trong môi trường hòa nhập, khả năng phục hồi sẽ rất cao. Do đó, tôi đã bỏ ra hơn nửa năm, gõ cửa rất nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố với hy vọng tìm được chỗ học cho con. Sau bao nhiêu lần thất bại, cuối cùng cũng tìm được nơi nhận cháu vào học, dù khoảng cách từ nhà đến trường hơn 12km”.

Hoàn cảnh của anh T., chị M. không phải cá biệt. Thầy Lê Thái Minh Hầu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 5), cho biết: “Hiện nay rất nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố chưa có trường tiếp nhận học sinh hòa nhập. Đó là chưa kể một số lượng lớn trẻ từ các tỉnh, thành phố khác đổ dồn về TPHCM tìm chỗ học”. Trường Trần Quốc Toản hiện có hơn 170 học sinh hòa nhập, hộ khẩu rải đều các quận, huyện trong thành phố, trong đó có 4 em hộ khẩu ở tận các tỉnh Gia Lai, Đồng Nai, Kiên Giang và Cà Mau.

Liên tiếp trong 2 năm học 2012 - 2013 và 2013 - 2014, trường phải xin tăng thêm chỉ tiêu để đủ chỗ cho học sinh hòa nhập. Mặc dù theo quy định của thành phố, mỗi trường tiểu học không được nhận quá 30 học sinh hòa nhập, phân bố không quá 2 học sinh/lớp. Song “dù biết sẽ vượt chỉ tiêu cho phép nhưng thấy tình cảnh các cháu quá đáng thương, có em chuyển trường đến hơn chục lần vẫn chưa tìm được chỗ học, phụ huynh đến trường khẩn thiết van nài, tôi cầm lòng không đặng”, nguyên hiệu trưởng (xin được giấu tên) một trường tiểu học ở quận 3 bày tỏ.

        Trường ngại khó

Cách đây hơn 10 năm, Trường ĐH Sư phạm TPHCM mở lớp bồi dưỡng chuyên ngành giáo dục đặc biệt đầu tiên của thành phố. Thời gian đầu có rất nhiều trường tiểu học gởi giáo viên sang học tập và trao đổi kinh nghiệm. Một số nơi bắt đầu niêm yết thông báo tiếp nhận trẻ hòa nhập. Song chỉ sau vài năm thực hiện, các trường thu hẹp dần nhóm đối tượng này.

Theo lý giải của một cán bộ Sở GD-ĐT, nguyên nhân được các đơn vị đưa ra là do thiếu giáo viên, không có đủ điều kiện chuyên môn và cơ sở vật chất tiếp nhận học sinh hòa nhập. Song trên thực tế là do các đơn vị ngại khó và không muốn hao tổn ngân sách cho nhóm đối tượng “chẳng giúp gì cho lợi ích chung của nhà trường”. Giáo viên dạy hòa nhập một trường tiểu học ở quận 10 chia sẻ: “Dạy học sinh hòa nhập không chỉ là giáo dục các em về mặt kiến thức mà còn dạy cả kỹ năng sống. Nhiều em khi mới vào học chưa kiểm soát được vấn đề vệ sinh cá nhân, cắn vào tay cô giáo hoặc trêu ghẹo bạn ngồi bên cạnh khiến chúng tôi rất vất vả trong công tác tổ chức và ổn định lớp học. Song tiền lương và phụ cấp chưa tương xứng”.

Ngoài ra, do đặc điểm riêng về tâm sinh lý nên nhiều em sau khi học hết lớp 5 ở trường tiểu học, phụ huynh xin ban giám hiệu cho tiếp tục ở lại trường để được dạy về kỹ năng sống. Kỷ lục về độ tuổi hiện nay của học sinh hòa nhập thuộc về một học sinh 27 tuổi, với “thâm niên” hơn 10 năm ở trường tiểu học.

Qua đó cho thấy, với cách làm hiện nay của ngành giáo dục, các trường tiểu học có tiếp nhận học sinh hòa nhập hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trong đó, vai trò và cái tâm của người lãnh đạo hết sức quan trọng. Nếu như ở một, hai đơn vị, số lượng học sinh hòa nhập vượt chỉ tiêu cho phép thì tại nhiều địa phương khác, việc tiếp nhận chỉ mang tính đối phó. TPHCM có hơn 490 trường tiểu học nhưng nhắc đến trường cho học sinh hòa nhập, danh sách chỉ vỏn vẹn vài đơn vị như Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), Trần Quốc Toản (quận 5), Hanh Thông (quận Gò Vấp), Hồ Thị Kỷ (quận 10)...

Mặc dù chủ trương chung của thành phố là không để học sinh nào đến tuổi đi học không được đến trường nhưng xem ra nhóm đối tượng đặc biệt này cần nhiều hơn nữa sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo thành phố. Thay cho những lời kêu gọi, khuyến khích, các trường đang mong mỏi có thêm nhiều chính sách bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập dành riêng cho nhóm đối tượng này.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục