Đêm 15-11, chuyến xe bus cuối cùng từ trung tâm báo chí vào nội thành Quảng Châu chật kín phóng viên của các nước. Điều ấy khiến người ta phải ngạc nhiên, bởi BTC đại hội đã dành hẳn một khu nhà đồ sộ rất đẹp để làm làng báo chí, phục vụ chỗ ở cho giới truyền thông. Những ngày đầu mới sang đây, các nhà báo Việt Nam cũng rất muốn “nhập làng” cho tiện, nhưng chỉ nhận được một điệp khúc quen thuộc của BTC: “Xin lỗi, đã kín phòng, nếu bạn không đặt trước”. Sự thật là khu nhà ở làng báo chí ấy … ế ẩm kinh khủng.
Đêm qua, khi chúng tôi rời khu vực này đã quá 23 giờ đêm, các lốc nhà cao tầng vẫn chưa có được một nửa số phòng sáng đèn. Chứng tỏ số người đến ở đây chẳng bao nhiêu. Mà cũng đúng thôi, bởi chẳng ai muốn ở một nơi quá xa trung tâm (hơn 60km), và vào đó chẳng khác gì tự giam lỏng. Xung quanh là đồng không mông quạnh, chẳng có bất cứ một phương tiện nào giải trí. Chưa kể giá cả lại đắt kinh khủng (50USD/người), thế nên nơi này chỉ thu hút những phóng viên đến từ các nước giàu có ở khu vực Tây Á, hoặc các hãng thông tấn danh tiếng. Phóng viên các nước khác đều ra ngoài thuê khách sạn ở… cho lành. Vì thế, những chuyến xe bus hoặc metro về đêm luôn có rất đông phóng viên Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia…
Hệ thống tàu điện ngầm (metro) của Quảng Châu chỉ mới xây dựng vài năm trở lại đây, và trước ngày khai mạc Asian Games 2010, hệ thống này vừa mới khánh thành thêm 2 đường số 4 và số 8 dẫn qua một số khu vực thi đấu và làng Asian Games. Trước khi chúng tôi đến Quảng Châu vài ngày, nơi đây còn cho người dân đi tàu điện ngầm miễn phí như một cách… thử nghiệm tuyến đường, và trên những màn hình ở khu vực bán vé và trên tàu điện hiện vẫn phát cổ động ra rả kêu gọi mọi người đi metro và cách sử dụng hệ thống này một cách văn minh nhất. Vì thế, những ngày qua, chúng tôi dám “tự hào” rằng mình rành rẽ đường đi, lối về của những tuyến tàu điện này còn hơn cả một số người bản địa.
Với dân cư đến hơn 20 triệu dân, hệ thống metro đã góp phần giảm thiểu đáng kể lưu lượng xe cộ trên mặt đường của thành phố Quảng Châu. Ở thành phố này, hoặc là người dân sử dụng các phương tiện công cộng như xe bus, metro, taxi, hoặc là đi ôtô riêng và… xe đạp. Dù Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia sản xuất rất nhiều xe gắn máy, nhưng những ngày ở Quảng Châu, chúng tôi rất hiếm gặp phương tiện này trên đường. Đồng thời, những con đường mênh mông từ 6-8 làn xe, và tốc độ hiếm khi dưới 60km giờ chạy trong nội thành, có lẽ cũng chẳng ai đủ gan để phóng xe 2 bánh đua cùng ôtô. Cần nói thêm, xe 2 bánh chúng tôi thường gặp ở khu vực ngoại thành, và người ta dùng nó làm xe ôm hay xe thồ chở hàng để chạy trên những con đường vắng ngoại ô là chính.
Những giờ cao điểm vào buổi sáng và chiều ở Quảng Châu, bạn sẽ chứng kiến từng đoàn người đông đúc túa lên, hoặc đổ xuống từ các trạm ga metro, các tuyến xe bus, và đi bộ nườm nượp trên lề đường, trong khi xe cộ vẫn lưu thông ồ ạt. Khi ấy, chẳng ai nghĩ thành phố Quảng Châu đang có hơn 20 triệu dân, đông gấp 3 số dân của TPHCM. Đồng thời, nhìn những chiếc xe đạp với những nam thanh, nữ tú chạy thanh thản trên đường trong buổi chiều tà, khi ấy bỗng thấy thanh thản đến lạ, và vẫn không tránh khỏi cảm giác “hết hồn” nghĩ đến dòng xe ken nhau nườm nượp quanh những lô cốt trên các tuyến đường hay giao lộ tại TPHCM.
Nhìn hệ thống giao thông của Quảng Châu, chúng tôi không khỏi mơ ước: “Bao giờ các thành phố lớn ở Việt Nam như TPHCM, Hà Nội… được thế này?”. Hỏi xong, chợt nghĩ đến những con đường cao tốc vừa khánh thành đã bắt đầu lún, những cây cầu vừa xây đã muốn vẹo, những cái hầm chưa kịp thông xe đã ngập nước, những hố “tử thần” đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến đường ở TPHCM, tự dưng lại lấy ngao ngán.
Khi ấy, tôi lại chợt nhớ một câu nói hồi SEA Games 2005 của một người bạn người Philippines: “Chúng tôi xây dựng cho con cháu chúng tôi hưởng”. Thời điểm ấy, Philippines đang khủng hoảng kinh tế, nên đời sống người dân khó khăn và nghèo lắm, nhưng cơ sở hạ tầng (đặc biệt là giao thông) của họ thì còn lâu chúng ta mới sánh bằng, và người bạn ở Manila ấy đã thốt lên đầy tự hào khi thấy chúng tôi ngưỡng mộ hệ thống giao thông của họ.
“Chúng tôi xây cho con cháu chúng tôi hưởng”, vậy còn ta thì sao? Với những món nợ vay khổng lồ dùng để xây dựng những công trình “chưa xong đã sửa”, con cháu chúng ta sẽ bao lâu mới trả nợ xong? Những chuyện vụn ghi chép trên những tuyến đường, liệu có còn là chuyện vặt?
Đỗ Tuấn