
Sáng sớm 14-12, đường vào căn cứ Tà Thiết, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) đông, nhộn nhịp hơn thường lệ. Nhiều cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ thuộc cơ quan Tổng cục Chính trị, Quân khu 7, Binh đoàn Cửu Long, nhiều cựu nữ du kích và đông đảo bà con người dân tộc Khmer địa phương cùng về khu di tích lịch sử Tà Thiết để hòa vào niềm vui chung: Khánh thành Nhà văn bia Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và tôn tạo nhà, hầm làm việc của Trung tướng Lê Văn Tưởng, nguyên Phó chính ủy, kiêm Chủ nhiệm Chính trị Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam...
- Công trình tôn vinh giá trị lịch sử
Nếu như ở phía Bắc, cách đây vài ngày, tại An toàn khu xã Định Biên, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) đã diễn ra nhiều hoạt động đầy ý nghĩa, do Tổng cục Chính trị tổ chức như hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình đường giao thông, tặng quà, khám chữa bệnh cho đồng bào thì hôm qua tại sóc Tà Thiết - căn cứ kháng chiến của Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền quân giải phóng miền Nam Việt Nam, là nơi góp phần quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh đem lại thắng lợi 30-4 có ý nghĩa lịch sử vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, lại diễn ra các hoạt động tôn vinh giá trị lịch sử.
Giữa cánh rừng bạt ngàn rộng hơn 1.600 ha, lễ khánh thành Nhà văn bia Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và công trình tôn tạo nhà làm việc của đồng chí Lê Văn Tưởng đã diễn ra ấm áp và trang trọng. Thượng tướng Bùi Văn Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tham dự và chủ trì buổi lễ. Tới dự còn có các đồng chí cách mạng lão thành, nguyên là cán bộ Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Binh đoàn Cửu Long, chính quyền địa phương, cùng nhiều cựu chiến binh và nhân dân địa phương.

Cắt băng khánh thành nhà văn bia.
Nhà văn bia được xây dựng theo kiến trúc cột đứng, mái vòng. Ở giữa là bia đá lớn in những lời văn bia nhắc nhủ, ghi nhớ một thời hào hùng tại mảnh đất này. Phía sau khu vực nhà văn bia là công trình nhà làm việc, hầm của Trung tướng Lê Văn Tưởng. Việc tôn tạo, sửa chữa công trình này đã góp phần khôi phục khá hoàn chỉnh hệ thống bố trí nơi làm việc, họp hành của Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền, Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, nơi đã diễn ra các hội nghị đưa ra những quyết định quan trọng chỉ đạo các chiến dịch đưa đến thắng lợi của quân và dân miền Nam.
Chị Trương Thị Yến, cán bộ ban quản lý khu di tích cho biết, công trình Nhà văn bia Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam có một ý nghĩa lịch sử rất lớn mà nhiều người mong đợi. Nhà bia thể hiện được sự tôn vinh và tri ân của thế hệ hôm nay đối với những đồng chí lãnh đạo, anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Cùng với công trình nhà làm việc của đồng chí Lê Văn Tưởng, đến nay quần thể di tích căn cứ Tà Thiết đã có 10 công trình lịch sử như: nơi làm việc của Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam; Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Lê Đức Anh và Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định; Chính ủy Phạm Hùng; hội trường, bếp Hoàng Cầm… Hai công trình ý nghĩa trên dù được triển khai trong thời gian ngắn, gấp rút, nhưng đã đảm bảo được cả yêu cầu kỹ thuật và mỹ thuật cao.
Lão thành cách mạng Nguyễn Văn Tòng, nguyên Cục phó Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, dù ở tuổi 84 vẫn vượt qua hơn 150km từ TP Hồ Chí Minh về dự buổi lễ khánh thành 2 công trình đầy ý nghĩa trên. Ông đã không nén nổi xúc động, tâm sự về những năm tháng cùng hoạt động với các đồng chí lãnh đạo của Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền và cho rằng, việc xây dựng Nhà văn bia Cục Chính trị Quân giải phóng Miền là một chủ trương đúng đắn và mang nhiều giá trị lịch sử và khẳng định vai trò to lớn của đấu tranh chính trị trong cuộc giải phóng, thống nhất đất nước, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
- Mệnh lệnh tri ân
Trong không khí sôi nổi, chúng tôi thấy trên gương mặt các cán bộ, sĩ quan thuộc Công ty Sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ (Hacota) thuộc Tổng cục Chính trị, rạng rỡ niềm vui. Họ là những người vừa thiết kế vừa thi công và hoàn thành công trình trong thời gian kỷ lục.
Cách đây hơn 2 tháng, nhận rõ ý nghĩa lịch sử to lớn của 2 công trình nhà văn bia và nhà làm việc của Trung tướng Lê Văn Tưởng, Công ty Hacota đã mạnh dạn báo cáo, đề xuất Tổng cục Chính trị cho phép được đầu tư kinh phí và trực tiếp tổ chức xây dựng. Sau khi được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị chấp thuận và giao nhiệm vụ, Công ty Hacota đã lao vào triển khai nhiệm vụ gấp rút hơn bao giờ hết khi quỹ thời gian quy định chỉ còn hơn 1 tháng.
Đại tá Trịnh Đình Vinh, Giám đốc Công ty Hacota, xúc động nói: Công trình hoàn thành và kịp để tổ chức buổi lễ hôm nay đã làm chúng tôi nhẹ lòng và tự hào, khi đã vượt qua thách thức lớn và hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử to lớn này. Công ty đã trích gần 1 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi để đầu tư xây dựng công trình.
6 Anh hùng LLVTND giao lưu với học sinh Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2009), ngày 14-12, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá Nguyễn Hữu Quỳnh (người đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ) cùng các Anh hùng LLVTND như đại tá Vũ Ngọc Đỉnh (nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân, người 2 lần được phong anh hùng), Tạ Thị Kiều, Trịnh Văn Chi, Hà Xuân Hiền, Nguyễn Tiến Cấp đã tới thăm, trò chuyện và giao lưu với hơn 2.300 học sinh, giáo viên Trường Ngô Thời Nhiệm (quận 9, TPHCM). T.ĐẠT |
Trong quá trình xây dựng, có nhiều khó khăn như địa hình phức tạp khó khăn trong vận chuyển vật tư, mưa do ảnh hưởng bão, đất mùa khô cứng khó đào… nhưng nhờ cán bộ, chiến sĩ tham gia nhận thức rõ trách nhiệm và vinh dự nên đã có sự quyết tâm cao. Ai cũng cảm thấy tự hào khi công trình hoàn thành, vì đã góp một phần sức mình tôn vinh những giá trị lịch sử của Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam và thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thế hệ cha anh. Bởi họ hiểu rằng, tôn vinh giá trị lịch sử nhằm giúp các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn cái giá của độc lập, tự do mà thế hệ cha ông từng đổi bằng xương máu. Để họ thêm yêu đất nước và tự hào khi là con cháu Lạc Hồng, là công dân nước Việt.
Tại buổi lễ khánh thành, Thượng tướng Bùi Văn Huấn cảm ơn chính quyền và nhân dân xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh và các ban ngành địa phương đã tạo điều kiện để công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Thượng tướng Bùi Văn Huấn nhấn mạnh: Nhà văn bia là công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử chính trị sâu sắc nhằm gìn giữ, tôn vinh giá trị lịch sử và tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ mai sau về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam và truyền thống của Tổng cục Chính trị. Rất mong Bảo tàng Quân khu 7 và Tổ di tích lịch sử Tà Thiết quản lý, sử dụng, phát huy tốt ý nghĩa của di tích này. Về nội dung văn bia, quá trình chuẩn bị dù đã được Tổng cục Chính trị lấy ý kiến ở một số nơi nhưng vẫn chưa đạt thống nhất cao. Cần phải tiếp tục chờ và mong được góp ý hoàn thiện sớm để khắc vào bia đá đời đời ghi nhớ, tri ân.
Rời Tà Thiết trong ánh nắng chiều gay gắt đầu mùa khô, những cánh rừng bạt ngàn và những bản làng sung túc, no ấm ven đường, chúng tôi cứ vấn vương, nghe vang vọng mãi những lời, những đoạn trong bản văn bia Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam dự thảo, được đọc tại buổi lễ khánh thành: “Từ mảnh đất này, hàng trăm cán bộ, phái viên, phóng viên chiến trường và những đội quân “Tiếng hát át tiếng bom”, kiên trung, bất chấp hy sinh, không ngừng sáng tạo, đi khắp chiến trường… Trung với Đảng, hiếu với dân, vượt khó khăn, đánh thắng kẻ thù”. Bản văn bia dự thảo kết thúc với những lời tri ân đầy ý nghĩa: “Đất nước đã đổi thay, Quân đội cũng không ngừng lớn mạnh. Chiến khu xưa, rừng cũ đang ngày nối ngày, đổi thịt thay da. Dựng ngôi đền, tạc bia đá, đốt nén hương thơm đời đời ghi nhớ”
THÁI MINH - TRUNG KIÊN