Ngày 1-6, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân mua nhà sẽ được triển khai. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là giải pháp làm ấm dần thị trường bất động sản vốn trầm lắng suốt nhiều năm qua. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Trần Trọng Tuấn-Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết:
Sở đang thực hiện và phối hợp với các sở ngành để làm tốt vai trò cầu nối. Đầu tiên là cầu nối giữa chủ đầu tư với khách hàng. Theo quy định, một trong những điều kiện để được vay vốn là có hợp đồng thuê hoặc mua nhà ở xã hội (NƠXH) hoặc mua nhà ở thương mại (NƠTM) giá từ 15 triệu đồng/m² trở xuống và diện tích căn hộ dưới 70m². Người dân muốn vay, phải có hợp đồng, bởi ngân hàng giải ngân không đưa tiền cho người mua mà thanh toán thẳng cho chủ đầu tư, đúng mục đích là mua nhà, đó cũng chính là giải quyết nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho, giúp người dân có nhà! Cầu nối thứ hai là giữa chủ đầu tư với khách hàng, đối với trường hợp mua NƠTM dưới 70m², giá dưới 15 triệu đồng/m². Cầu nối thứ ba giữa chủ đầu tư và ngân hàng, chủ đầu tư ở đây là làm NƠXH, NƠTM chuyển sang NƠXH.
- Phóng viên: Thưa ông, thực hiện chương trình này, hiện nay TPHCM đã có sẵn quỹ nhà chưa?
>> Giám đốc TRẦN TRỌNG TUẤN: Mục tiêu TP phấn đấu năm 2013 có 3.000 căn NƠXH được bố trí cho các đối tượng theo quy định. Sở đã soát xét và có nguồn cụ thể, việc còn lại là thủ tục. Đó là từ các dự án NƠXH đang triển khai hoặc đã xây xong. Nguồn thứ hai từ quỹ nhà tái định cư. Sau khi bố trí tái định cư, quỹ nhà dôi dư sẽ chuyển sang NƠXH. Thực ra, việc chuyển một bộ phận nhà ở tái định cư sang NƠXH cũng là một lối ra cho việc bố trí tái định cư một số đối tượng mà tiền bồi thường giải phóng mặt bằng không đủ mua NƠTM, lâu nay bố trí tạm nhưng không có chính sách giải quyết nhà ở. Nguồn thứ ba là chuyển từ NƠTM sang NƠXH. Theo kế hoạch, chiều 31-5 chúng tôi sẽ ngồi lại với chủ đầu tư, quận huyện, ngân hàng để thống nhất kế hoạch, tuần sau báo cáo UBND TP.
- Việc quan tâm lớn nhất hiện nay là giá bán căn hộ. Sở có giải pháp nào để đưa giá căn hộ phù hợp với túi tiền của người mua?
Để chương trình đi vào cuộc sống, đến với người cần nhà ở thật sự, yếu tố giá là quyết định. Hiện nay, cũng có một số điều kiện để kéo giá nhà thấp xuống. Đó là có vài nhà đầu tư đăng ký lợi nhuận 0%, thay vì trước đây lợi nhuận theo định mức dưới 10%; đặc biệt có chủ đầu tư nộp hồ sơ đã chấp nhận cắt lỗ, ví dụ đưa giá thành xuống 8 triệu đồng/m². Tuy nhiên, chúng tôi đã đề nghị chủ đầu tư báo cáo thật về giá trị đầu tư trong đó có lãi vay, nếu lãi vay cao thì làm việc với ngân hàng để giảm lãi vay xuống. Nếu không, bất động sản “chết” trước rồi cũng đến lượt ngân hàng. Nói chung chủ đầu tư nên có thiện chí, trong bối cảnh này việc giảm giá không chỉ tự cứu mình mà điều có ý nghĩa lớn hơn là tham gia NƠXH, cùng chung tay với thành phố chăm lo nhà ở cho người dân.
- Những dự án này thường nằm ở đâu, việc lựa chọn dự án như thế nào?
Hầu hết các dự án NƠXH nằm ở các quận Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân, quận 2 và huyện Bình Chánh. Nếu một dự án mà có nhiều người đăng ký, buộc phải lựa chọn theo thang điểm: thâm niên (40%), thành tích (30%) và còn lại là điều kiện hoàn cảnh. Sau đó, nếu số lượng người vẫn nhiều hơn thì sẽ bốc thăm chọn căn hộ.
Trong tháng 6, chúng tôi sẽ công bố 3.000 căn NƠXH, có địa chỉ, giá và thủ tục cụ thể.
Đối với các dự án NƠTM có diện tích dưới 70m², giá dưới 15 triệu đồng/m², tính đến nay đã có 7 dự án với quy mô 2.333 căn hộ. Chúng tôi cũng mời ngân hàng ký kết với chủ đầu tư, để có địa chỉ cụ thể cho khách hàng lựa chọn. Về các dự án tham gia chương trình, sẽ ưu tiên cho các dự án đang xây dựng dở dang, có căn hộ rồi. Những dự án chưa xây phải xem tính khả thi, năng lực và hiệu quả dự án.
- Giá bán NƠXH, theo ông sẽ bao nhiêu 1m²?
Dự tính bình quân 12 triệu đồng/m², có thể lên hoặc xuống tùy theo vị trí của dự án cụ thể.
- Trong quá trình triển khai, nếu người mua nhà gặp khó khăn, vướng mắc thì “kêu” ở đâu?
Hồ sơ mua NƠXH, cấp thành phố nộp ở Sở Xây dựng, cấp quận huyện nộp Phòng Quản lý đô thị. Đó cũng chính là địa chỉ người dân phản ánh khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ họp giao ban định kỳ với chủ đầu tư, ngân hàng… để tháo gỡ khó khăn; nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo TP, còn vượt nữa thì báo cáo Bộ giải quyết.
| |
LƯƠNG THIỆN (thực hiện)