Tín hiệu lạc quan
Chuyên gia kinh tế Brian Tan của Ngân hàng Barclays dự báo, tốc độ phục hồi của khu vực có thể sẽ bị kìm hãm trong quý 1-2022 và kéo dài tới quý 2 đối với một số nước do các chính phủ vẫn thận trọng trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế.
Sự thận trọng đó có thể tạo nền tảng để các nền kinh tế này tăng trưởng tốt hơn trong nửa cuối năm 2022. Đây là thời điểm một số nền kinh tế tụt hậu trong khu vực bắt kịp tiến độ tiêm vaccine Covid -19, sẵn sàng mở cửa trở lại biên giới, cho phép nối lại các hoạt động thương mại và du lịch.
Còn theo chuyên gia kinh tế Rahul Bajoria cũng của ngân hàng Barclays, từ quý 2-2022 trở đi, xu hướng bình thường hóa có thể sẽ gia tăng trong các ngân hàng trung ương Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ không dẫn tới chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ, mà thay vào đó là sự chuyển dịch từ các chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn sang các điều kiện chính sách tạo thuận lợi và mang tính hỗ trợ.
Ngoại trừ Singapore, nhiều ngân hàng trung ương Đông Nam Á không thực sự vội vàng thực hiện bất kỳ hình thức bình thường hóa nào trong tương lai gần. Hiện Singapore đang dẫn đầu trong nỗ lực mở cửa trở lại cũng như bình thường hóa trong khu vực.
Bên cạnh đó, nền kinh tế ASEAN sẽ được hỗ trợ từ việc thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một trong những động lực chính của thương mại khu vực. RCEP sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Đã có 6 nước ASEAN, bao gồm Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam ký kết phê chuẩn hiệp định này.
Động lực phục hồi tăng trưởng
Kinh tế Indonesia được dự báo sẽ tăng trưởng đáng kể vào năm 2022 sau sự phục hồi không đồng đều trong năm nay, với mức tăng 5%. Đến năm 2023, mức tăng GDP là 6,3%. Sự gia tăng của nhu cầu trong nước trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa được nới lỏng cùng chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ sẽ thúc đẩy xu hướng đi lên.
Kinh tế Thái Lan sẽ có mức tăng trưởng GDP đạt 4,1% vào năm 2022, không thay đổi so với dự báo trước đó và 4,5% vào năm 2023. Mức tăng này do có sự hỗ trợ từ chi tiêu tiêu dùng gia tăng nhờ nhu cầu và tăng trưởng xuất khẩu vẫn mạnh mẽ. Tuy nhiên, những quan ngại về tốc độ phục hồi của ngành du lịch then chốt có thể khiến tăng trưởng của Thái Lan tụt hậu so với phần lớn các nền kinh tế lớn của khu vực vào năm tới.
Nhận định về kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Barclays cho rằng, sau khi kinh tế sụt giảm trong quý 3-2021, kinh tế Việt Nam đang được cải thiện trong quý 4. GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất khu vực vào năm 2022. Sự gia tăng tiêu dùng và chi tiêu vốn cùng với lĩnh vực xuất khẩu phát triển mạnh mẽ sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022.
Mặc dù vậy, vẫn còn mối đe dọa từ các đợt bùng phát dịch mới và nguy cơ áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Trong năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,2%, cao hơn 0,2 % so với dự báo trước đó và 6,8% vào năm 2023.
Cũng theo dự báo, nền kinh tế của Singapore sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 4% vào năm 2022 và tăng 3,3% vào năm 2023. Kinh tế Malaysia có mức tăng GDP từ 5,5%-6,5% trong năm 2022, 5% vào năm 2023. Tăng trưởng GDP của Campuchia dự kiến đạt 5,9% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023. Kinh tế Lào sẽ tăng trưởng mạnh vào năm 2022, với tỷ lệ 5,5% vào năm 2022 và 5,6% vào năm 2023.