
Tại buổi tiếp, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với Thụy Điển. Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, trân trọng sự giúp đỡ quý báu, chân thành của Thụy Điển trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong quá trình phát triển và hội nhập hiện nay.
Thụy Điển là nước viện trợ không hoàn lại nhiều nhất cho Việt Nam, với tổng trị giá 3 tỷ USD, và đã hỗ trợ đào tạo nhân lực, xây dựng nhiều công trình dân sinh có ý nghĩa như Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Uông Bí (Quảng Ninh)...
Thủ tướng đánh giá Thụy Điển là đối tác quan trọng, tin cậy trong EU; kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước, song vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác. Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc các cấp nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng chiến lược, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng làm cửa ngõ để hàng hóa Thụy Điển tiếp cận thị trường ASEAN và đề nghị Thụy Điển đóng vai trò là cửa ngõ đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Bắc Âu.
Về phần mình, Bộ trưởng Benjamin Dousa khẳng định Thụy Điển mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với Việt Nam, đồng thời cho biết nhiều doanh nghiệp Thụy Điển quan tâm, muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Ông cam kết sẽ trao đổi để thúc đẩy các nước EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA và làm việc với Ủy ban châu Âu (EC) nhằm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với hải sản Việt Nam.