Tây Nguyên

Triển vọng và cơ hội của cồng chiêng

Hơn một năm qua, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tiếp tục được những nhà nghiên cứu sưu tầm, tuyển chọn, được lập hồ sơ đệ trình lên UNESCO để công nhận cồng chiêng là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Viện Văn hóa-Thông tin (Bộ VHTT) cũng vừa hoàn thành phần xây dựng dự án phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2005-2010 trị giá khoảng 400.000 USD.
Triển vọng và cơ hội của cồng chiêng

Hơn một năm qua, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tiếp tục được những nhà nghiên cứu sưu tầm, tuyển chọn, được lập hồ sơ đệ trình lên UNESCO để công nhận cồng chiêng là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Viện Văn hóa-Thông tin (Bộ VHTT) cũng vừa hoàn thành phần xây dựng dự án phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2005-2010 trị giá khoảng 400.000 USD.

Tính chất của cồng chiêng là sự tồn tại trong các lễ hội, do đó những nhà nghiên cứu và sưu tầm cồng chiêng cho rằng bảo tồn và phát huy giá trị cồng chiêng ở trong đời sống cộng đồng là một điều hoàn toàn đúng. Thông qua hoạt động của bà con dân tộc Tây Nguyên tại những lễ hội cồng chiêng, lễ đâm trâu, mừng lúa mới, cúng bến nước và lễ bỏ mả…, cồng chiêng sẽ được bảo tồn và phát huy theo cách “sống” trong đời sống thực tế của từng dân tộc trên từng địa bàn.

Triển vọng và cơ hội của cồng chiêng ảnh 1

Biểu diễn cồng chiêng – một hoạt động không thể thiếu trong lễ hội của đồng bào Tây Nguyên.

Những lễ hội sẽ được tổ chức tại nhà dân hay thông qua hoạt động ở các nhà rông văn hóa đã được Nhà nước đầu tư xây dựng mấy năm qua ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông và buôn văn hóa kiểu mẫu ở Lâm Đồng.

Ở Tây Nguyên, gần như có bao nhiêu dân tộc thì có bấy nhiêu loại cồng chiêng cổ truyền tiêu biểu, kể cả một số nhóm dân tộc cũng có cồng chiêng riêng của mình.

Sau một thời gian sưu tầm, các nhà nghiên cứu đã tìm lại được gần 30 loại chiêng quý của tất cả các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.

Với những loại chiêng thiêng mà mỗi dân tộc, nhóm dân tộc sở hữu thì chưa xảy ra tính mai một, chỉ có bộ goong là được mua bán vì nó không thuộc sở hữu của dân tộc nào, là sản phẩm của quá trình giao tiếp và chưa có phong tục khắt khe nào đối với chiêng goong.

Nhà nghiên cứu Phạm Cao Đạt cho rằng những cồng chiêng quý đều lưu giữ tâm linh trong đó, chỉ chia sẻ hoặc để lại cho con cháu, dòng họ nên khó có thể nói có hiện tượng “chảy máu” cồng chiêng.

Nhưng trong quá trình gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã có một hiện tượng “chảy máu ngược” đối với cồng chiêng Tây Nguyên trong cách ứng xử với nó. Đó là việc lấy cồng chiêng làm quà tặng. Cách tặng như là tặng nhau một chiếc để treo chơi trong gia đình, tặng tiền để đồng bào mua chiêng.

Trong khi người đi mua không hiểu gì về cồng chiêng, chỉ mua và bán đủ mỗi bộ 11 chiếc, chiêng không được chỉnh âm đúng nên mua về nhưng người dân không sử dụng được dù đồng bào rất quý và trân trọng. Hay như cách cải tiến chiêng, mới xuất hiện ở dân tộc Gia Rai và Bah Nar, chiếc chiêng được gò lại cho có núm, thay đổi thang âm từ 5 nốt thành 7 đến 12 nốt, có thể chơi những bài nhạc mới.

Cách chơi cũng được cải tiến như xâu hết các nốt chiêng thành dàn, treo lên hoặc hai người khiêng khi cần di chuyển. Đó là những nghiên cứu của nhạc sĩ Ydơn (nghệ nhân Gia Rai). Ở một số vùng có tôn giáo phát triển mạnh, người dân bỏ hết lễ hội thì cồng chiêng thật sự không còn đất sống, không còn không gian diễn tấu, nghệ nhân cũng không còn ngẫu hứng để sáng tạo những bài chiêng hay.

Trước triển vọng và cơ hội cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cần tạo môi trường sống cho cồng chiêng thông qua khai thác các lễ hội truyền thống, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại nhà rông. Đó là cách giữ gìn cồng chiêng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc.

Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức các hội diễn tại các buôn làng, đây cũng là không gian để các nghệ nhân diễn tấu, sáng tạo các giá trị nghệ thuật độc đáo; duy trì mỗi buôn làng có một đội cồng chiêng và có kế hoạch truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng cho lớp trẻ, vì nhiều nghệ nhân tài giỏi ra đi mang theo cách trình diễn nghệ thuật vô giá.

KIM NHUNG

 

Tin cùng chuyên mục