Tôi là người nghe nhạc và xem nhạc khó tính. Nhiều người ở lứa tuổi tôi cũng thế, bởi cách đây chừng 20 năm, khi công nghệ chưa tiên tiến như bây giờ, người ta chưa chạy đua với “top trending” trên YouTube mà chủ yếu đánh giá sản phẩm âm nhạc dựa trên chất lượng. Ngày đó, những diva (thực ra cũng do truyền thông xưng tụng) đến với khán giả bằng những màn hát “sống” đỉnh cao trên sân khấu. Những màn kết hợp của họ nghe sướng tai, dù dĩ nhiên không tránh khỏi việc cái tôi nghệ sĩ quá lớn khiến nhiều sản phẩm có phần quá lố. Thời ấy, Thanh Lam với giọng hát bản năng nội lực, “tóc ngắn” Mỹ Linh khởi đầu với Hà Nội đêm trở gió say đắm lòng người, hay “cô Bống” Hồng Nhung da diết với nhạc Trịnh Công Sơn… từng khiến nhiều khán giả mê say.
Đó là câu chuyện xưa lắm rồi. Giờ thị hiếu người nghe cũng thay đổi theo thời gian. Người nghe nhạc trẻ hơn, thậm chí “trẻ trâu” hơn với các cuộc cạnh tranh bảo vệ thần tượng vô tội vạ trên mạng xã hội. Kéo theo đó là các cuộc cạnh tranh về “top trending”, các bảng xếp hạng nhạc Việt; thậm chí, khán giả còn mạnh dạn đưa thần tượng của mình cạnh tranh với các ngôi sao K-Pop hay C-Pop bằng… “võ mồm”.
Ở thời điểm này, MV ca nhạc được xem là cứu cánh cho nhạc Việt vốn làng nhàng suốt một thời gian dài. Người ta đánh giá nghệ sĩ không còn vì giọng hát như hồi trước nữa, mà chủ yếu là sản phẩm MV có hay không, diễn viên đẹp không, đầu tư thế nào, độc và lạ tới đâu? Những MV gần đây của nhiều ca sĩ trẻ đã khỏa lấp được sự yếu thế của các ca sĩ thời thượng. Bên cạnh đó, chất lượng phòng thu, bàn tay “phù thủy” của nhà sản xuất âm nhạc cũng góp phần “đẩy” giọng hát lên một bước. Những ca sĩ như B.A., C.P., B.P.… với những bài hát nhạt từ ca từ đến giai điệu, chất giọng yếu, hụt hơi, chênh phô đủ cả, nhưng với MV được đầu tư “khủng”, luôn là những MV triệu view được bạn trẻ tung hô.
Sự thay đổi của xu thế nghe nhạc là điều tất yếu, đó cũng là xu hướng của âm nhạc thế giới, gắn với sự hiện đại của âm nhạc thời kỷ nguyên số. Tuy nhiên, “top trending” của YouTube cũng chỉ là một thước đo đối với sự tiếp nhận của công chúng nghe nhạc. Âm nhạc Việt hiện đại ngoài việc tạo ra sản phẩm thời thượng, hợp xu thế còn phải tạo ra được một thế hệ ca sĩ - nhạc sĩ với sản phẩm “nghe là biết của ai”. Nhiều sáng tác hiện nay quá dễ dãi, nhạc mượn chỗ này một chút, chỗ kia một ít; ca từ thì thô thiển (cố ý và vô ý). Người hát chất giọng như bước ra từ phòng karaoke hay từ buổi livestream bán hàng trên mạng xã hội. Công thức: Đẹp + có tiền làm MV + có ê kíp chuyên nghiệp dường như đang tồn tại ở nhạc Việt.
Dĩ nhiên không thể “vơ đũa cả nắm”, nhạc Việt vẫn có những nhân tố chất, ấn tượng. Đó là Đen Vâu của Underground với những bản rap chất lượng, mang đầy trải nghiệm cuộc sống; là Sơn Tùng M-TP với ước mơ hòa nhập làng nhạc thế giới; là những nghệ sĩ Indle âm thầm sáng tạo… Nhưng những nhân tố ấy không nhiều. Phần nhiều vẫn theo công thức trên và tham gia đường đua “top trending” bằng đủ chiêu trò. Nhạc Việt cần những lời góp ý, phản ứng từ chính người nghe, chứ không cần những cuộc chạy đua nhạt và ảo!