Trở lại chiến trường xưa

Hơn 74 thành viên là cựu tù Côn Đảo, Phú Quốc, tù binh Phú Tài, tù thiếu nhi Đà Lạt, CLB Truyền thống kháng chiến khối Việt kiều Campuchia yêu nước vừa có hành trình Theo chân Bác đến 15 tỉnh, thành. Những người chiến sĩ năm nào có dịp trở lại các chiến trường khốc liệt Thành cổ Quảng Trị, Ngã ba Đồng Lộc, đường Trường Sơn, Làng Sen quê Bác… để ôn lại kỷ niệm xưa.
Các cựu tù chính trị TPHCM dâng hương tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị trong hành trình Theo chân Bác
Các cựu tù chính trị TPHCM dâng hương tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị trong hành trình Theo chân Bác

Hát khúc ca cho người nằm xuống

Trở lại Thành cổ Quảng Trị trong cái nắng tháng 4 như đổ lửa, bà Trần Thị Trúc Chi (cựu tù Côn Đảo) bùi ngùi thắp nén nhang thơm dâng lên vong linh các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên mảnh đất thiêng liêng này. “Mình cũng là người trong cuộc, cũng tham gia các trận chiến nhưng ở mặt trận khác. Còn nơi đây, các anh, các chú chiến đấu trên mặt trận vô cùng khốc liệt. Mỗi lần nghe về sự hy sinh của các đồng chí trên chiến trường này, tôi không thể cầm lòng. Giờ đến thăm, nghe được những câu chuyện về sự hy sinh ngày ấy, tôi càng đau nhói trong tim”, bà Trúc Chi xúc động. Năm 16 tuổi, bà Trúc Chi bị bắt trong một lần làm nhiệm vụ, sau đó phải chịu 5 năm tù đày, trong đó gần 3 năm bị giam cầm ở Côn Đảo. Bị bao tra tấn của kẻ thù nhưng bà và nhiều đồng đội vẫn kiên trung đấu tranh cho đến ngày giải phóng. Nay, đứng bên bờ dòng sông Thạch Hãn, nghe hướng dẫn viên kể những câu chuyện về các trận đánh oanh liệt và ngâm những vần thơ: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”, người nữ tù Côn Đảo năm nào lau vội giọt nước mắt.

Trong hành trình, các thành viên đã đến dâng hương, dâng hoa các anh hùng liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc. Đặt nhành hoa cúc trắng lên mộ liệt sĩ Võ Thị Hợi, bà Trương Thị Chơn tâm sự: “Ngày ấy, nếu không may mắn thì tôi cũng đã hy sinh trên chiến trường Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) như các chị. Hôm nay quay lại nơi này, tôi chọn khoác lên mình bộ quân phục ngày nào để tưởng nhớ về đồng đội đã hy sinh”. Bà Chơn cho biết, trong trận chiến ác liệt năm 1972, bà là y tá phục vụ trên chiến trường, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, bà đau xót vô cùng. Cũng trận đánh ấy, bà bị địch bắt giam. Đồng đội và gia đình không có tin tức của bà trong 2 năm, nghĩ bà đã hy sinh nên lập bàn thờ.

Đến từng ngôi mộ đặt nhành hoa cúc trắng, đọc từng cái tên của 10 liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh tại mảnh đất này, bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TPHCM, bùi ngùi khi nhìn dòng chữ ghi năm sinh, năm mất của các nữ anh hùng. “Các chị hy sinh khi tuổi xuân còn quá trẻ. Có chị chỉ mới 17 tuổi. Dù đã gần 55 năm trôi qua, nhưng hình ảnh các nữ thanh niên xung phong anh dũng vẫn mãi trong tâm trí tôi. Chính các chị đã giúp mạch máu giao thông nơi này được thuận lợi, từ đó làm hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho miền Nam”, bà Hoàng Thị Khánh tâm sự.

Chiến công vang mãi

Trong chuyến hành trình Theo chân Bác suốt 22 ngày đêm của đoàn cựu tù, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Ngô Tùng Chinh, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, có cơ hội về thăm lại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt. Ông Ngô Tùng Chinh là một trong 630 cựu tù nhỏ tuổi từng bị giam giữ tại nhà lao này. Về thăm lại nơi đây, ông Chinh chia sẻ, ông như được bước vào quá khứ. Đến từng góc phòng giam nơi ngày xưa giam cầm ông và đồng đội, đi vào từng buồng xà lim, ông chợt nhớ đến những đêm lạnh cắt da thịt cùng những đòn roi tra tấn của kẻ thù. “Mỗi lần về lại nơi đây, tôi lại nhớ những năm tháng dữ dội không thể nào quên của mình và đồng đội. Tôi nhớ từng cái tên, về sự gan dạ, kiên cường của đồng chí, đồng đội dù tuổi nhỏ nhưng khi bị tra tấn dã man vẫn không đầu hàng”, ông Ngô Tùng Chinh kể.

Do sức khỏe yếu nên không thể tham gia chuyến hành trình cùng những người bạn từng chiến đấu năm xưa, nữ Biệt động Sài Gòn Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa) chọn về thăm lại Dinh Độc Lập, nơi bà cùng đồng đội tiến công vào. Dâng nén hương thơm lên các anh hùng liệt sĩ tại Bia Tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Dinh Độc Lập, bà Chín Nghĩa bồi hồi nhớ về trận đánh đêm mùng một Tết Mậu Thân. Trận ấy, đội Biệt động Sài Gòn gồm 15 người nhận nhiệm vụ tấn công Dinh Độc Lập, bà Chín Nghĩa là nữ duy nhất tham gia trận đánh hào hùng và đẫm máu này. Cuộc đời bà không thể quên hình ảnh 8 đồng đội đã hy sinh, những người còn lại bị địch bắt tù đày. “Hồi ức tháng tư lịch sử với những người trong cuộc như chúng tôi luôn như mới ngày hôm qua. Ngày 30-4-1975 là ngày cả đời tôi không bao giờ quên được. Những chiến công, sự hy sinh của các anh sẽ còn vang mãi trong tim tôi cùng đồng đội”, bà Chín Nghĩa chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục