Hiện nay, có không ít địa phương, đơn vị khi gặp việc khó thì đùn đẩy giữa cán bộ với cán bộ, giữa đơn vị này với đơn vị kia. Có những việc địa phương, sở ngành nếu kiên nhẫn và biết vận dụng thì vẫn có thể giải quyết được công việc cho dân, nhưng lại đẩy lên cấp UBND TP. Hệ quả là nhiều đồng chí lãnh đạo TP sa vào việc giải quyết sự vụ không cần thiết.
Một thực tế ai cũng thấy là trách nhiệm và quyền hạn chưa đi đôi với nhau. Lãnh đạo các đơn vị phải chịu trách nhiệm cao đối với việc giải quyết công việc theo thẩm quyền, thông qua bộ máy giúp việc. Tuy nhiên, quyền hạn trong công tác cán bộ như bố trí, đề bạt cán bộ, sắp xếp bộ tổ chức ở nhiều khâu còn phụ thuộc ở cấp trên.
Thêm vào đó, việc thiếu cụ thể trong phân định giữa chức năng quản lý nhà nước theo lãnh thổ với quản lý nhà nước theo chuyên ngành đã dẫn đến tình trạng có những việc nhiều cơ quan cùng làm, thậm chí là “xâm lấn quyền hạn” trong khi nhiều việc buông lỏng, không ai làm hoặc làm không đầy đủ. Những hoạt động nhằm bảo đảm chức năng quản lý nhà nước về kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh trật tự cần được thực hiện thông qua khâu điều hành, kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm các quy định của nhà nước và của pháp luật thì làm chưa đầy đủ.
Thành ra, trong bộ máy hành chính như hiện nay, nhiều bộ phận vẫn còn khả năng thu gọn và thay đổi một số chức năng để phù hợp với cơ chế quản lý mới. Tình trạng bộ máy “vừa thừa, vừa thiếu” có ở hầu hết các cơ quan, đơn vị. Sơ bộ đánh giá, có khoảng 1/3 cán bộ viên chức chưa đủ năng lực, trình độ so với yêu cầu công việc, trong đó có bộ phận cần thay thế. Người thừa là do năng lực yếu kém, không đáp ứng được công việc, trong khi lại thiếu cán bộ, công chức có trình độ, có chất lượng về chuyên môn và phẩm chất, nhất là thiếu những cán bộ ở tầm hoạch định chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển. Đáng tiếc là do nhiều lý do khác nhau, nhiều nơi không thể giải quyết triệt để.
Bắt tay vào làm mới thấy một thực tế, chức năng, quyền lực, lợi ích của cơ quan chính quyền nhiều khi trở thành lợi ích của một bộ phận cán bộ, công chức nên không một ai cảm thấy “thoải mái” khi người bị cải cách chính là người đương chức đương quyền, kể cả một số người đang tiến hành thực hiện cải cách.
Nói một cách khác, trở ngại lớn nhất trong việc cải cách cơ cấu, xét cho cùng là vấn đề lợi ích. Cải cách hành chính là một bộ phận của đổi mới hệ thống chính trị, nó phù hợp với lòng dân vì đem lại lợi ích cho dân, song kết quả đến đâu lại phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm của từng đơn vị.
LÊ HOÀI DƯƠNG