Kỷ niệm 20 năm thành lập thị xã Sông Công (1-7-1985 - 1-7-2005)

Trở thành đô thị công nghiệp lớn

Được thành lập cách đây tròn 20 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện đạt 22%, thị xã Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) là địa phương đi đầu trong việc phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và đang phấn đấu thành một trong những đô thị công nghiệp lớn của cả nước.
Trở thành đô thị công nghiệp lớn

Được thành lập cách đây tròn 20 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện đạt 22%, thị xã Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) là địa phương đi đầu trong việc phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và đang phấn đấu thành một trong những đô thị công nghiệp lớn của cả nước.

  • Từ khởi đầu vất vả…

Vùng Tây Bắc huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), dọc theo tả ngạn sông Công, vốn là vùng đồi gò, được tập trung xây dựng thành một trung tâm công nghiệp cơ khí lớn của Tổ quốc: Khu công nghiệp (KCN) Gò Đầm với hàng ngàn công nhân. Trước nhu cầu phát triển KCN, thị xã Sông Công được thành lập.

Ngày 1-7-1985 bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị thị xã chính thức đi vào hoạt động. Ban đầu, thị xã Sông Công còn được biết đến với tên gọi “Thị xã của những con số 3”: 3 vạn dân; 3 phường, 3 xã; 3 trường học và 3 nhà máy.

Việc thành lập thị xã nhằm đáp ứng nhiệm vụ phục vụ KCN Gò Đầm, vậy mà chính vào thời điểm này, cả 3 nhà máy, xí nghiệp (Nhà máy DIESEL do Liên Xô xây dựng; Nhà máy Y cụ II do Trung Quốc xây dựng; Công ty Phụ tùng ô tô số I) đều rơi vào tình trạng khủng hoảng, sa sút nghiêm trọng.

Trở thành đô thị công nghiệp lớn ảnh 1

Một góc KCN Sông Công.

Gia tài hết sức nhỏ nhoi, lại ra đời đúng vào thời điểm cả nước khó khăn về kinh tế, trụ sở làm việc đều phải mượn của các cơ quan, đến phương tiện đi lại cũng phải trông chờ vào sự hỗ trợ của các địa phương khác, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, tạm bợ.

Không phải một lần, câu hỏi: “liệu có nên để tồn tại đơn vị hành chính thị xã Sông Công nữa không?” được đưa ra. Song, thị xã Sông Công đã tồn tại và phát triển bằng sự chung sức đồng lòng, quyết tâm sắt đá và cả tinh thần lạc quan cao độ của cán bộ, nhân dân.

  • Đến những bước đi vững chắc

Ngay từ những ngày đầu thành lập, giữa bộn bề khó khăn, lãnh đạo thị xã đã xây dựng một lộ trình của một đô thị công nghiệp. Khởi đầu là chương trình “chống cụt”. Tuyến đường cụt nội thị duy nhất đã được cải tạo, mở rộng, nhiều tuyến đường khác được mở thêm. Đồng thời với việc mở đường, làm cầu, xây dựng cơ sở hạ tầng, là tổ chức lại sản xuất, đầu tư chiều sâu cho KCN Gò Đầm.

Sản xuất kinh doanh của các nhà máy, xí nghiệp này dần ổn định, đảm bảo đời sống công nhân. Việc mở đường lấy đất nuôi đô thị thành công, là tiền đề để đầu tư vào cơ sở vật chất, chú trọng đến “trường, trạm” và những công trình phục vụ vui chơi, giải trí. Hiện Sông Công là địa phương duy nhất của tỉnh Thái Nguyên xây dựng được khu văn hóa thể thao và có rạp chiếu phim thường xuyên phục vụ nhân dân.

“Cả 9 xã phường được dùng điện theo giá quy định của nhà nước, đó là nỗ lực phi thường của thị xã”, ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch UBND thị xã Sông Công không giấu nổi niềm vui trước những thành tựu mà thị xã đã đạt được: “Cơ cấu kinh tế trước đây: nông nghiệp: 45%, công nghiệp 40%, dịch vụ 15%; nay: công nghiệp xây dựng: 65%; dịch vụ: 27%, nông nghiệp: 7%, mức tăng trưởng bình quân 5 năm qua là 17,56%”.

Để có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng bình quân của tỉnh Thái Nguyên, TX Sông Công đã đi đầu trong việc kêu gọi và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2000 đến nay, thị xã đã đầu tư được gần 50ha đất cho phát triển công nghiệp.

Chính sách thu hút đầu tư của thị xã đã tạo ra môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư vào xây dựng, kinh doanh. Hiện có 26 dự án được cấp phép với tổng số vốn đăng ký gần 700 tỷ đồng và gần 4,8 triệu USD đầu tư vào KCN.

Ông Lê Huy Hùng- trưởng BQL các KCN Thái Nguyên cho biết: “12 nhà máy đã đi vào sản xuất, phát huy hiệu quả cao. Doanh số hoạt động vào thị trường của các nhà máy trong KCN Sông Công tăng nhanh từng năm. Năm 2003 là 110 tỷ đồng, năm 2004: 218 tỷ đồng, năm 2005 dự kiến 310 tỷ đồng. Hiện các dự án lớn đang khẩn trương hoàn thiện. KCN Sông Công đang thu hút trên 1.000 lao động”.

Tự hào nhưng chưa bằng lòng với những gì đã đạt được, lãnh đạo thị xã còn đang nung nấu một dự định, đó là việc xây dựng những cây cầu kiên cố bắc qua sông Công (trị giá mỗi cầu khoảng 10 tỷ đồng). Qua đó, thị xã sẽ tận dụng được quỹ đất lớn dành cho các KCN và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Giao thông thuận tiện, đời sống kinh tế - xã hội ở các xã phía Tây sẽ có cơ hội phát triển ngang bằng với các phường trung tâm, góp phần đưa thị xã Sông Công phát triển ngang tầm với những đô thị công nghiệp lớn. 

Bạch Liễu

Tin cùng chuyên mục